(VOV5) - Phân loại rác tại nguồn là một giải pháp quan trọng để giảm phát thải khí mê tan.
Các chuyên gia cho biết, chất thải rắn như thức ăn thừa, phụ phẩm từ thực vật của các bãi rác lộ thiên sẽ sản sinh ra khí metan, một loại khí gây hiệu ứng nhà kính trong quá trình phân hủy, gây biến đổi khí hậu. Vì vậy, phân loại rác tại nguồn là một giải pháp quan trọng để giảm phát thải khí mê tan.
Là một trong những địa phương tiên phong trong việc xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu, Nam Định đã triển khai đồng bộ các mô hình phân loại rác tại nguồn đến từng gia đình, thôn, xóm, không chỉ giảm thiểu lượng rác thải mà còn nâng cao nhận thức cộng đồng. Hoạt động này không chỉ đáp ứng yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường cũng là tiêu chí quan trọng của xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Khoảng vài năm nay, trong góc vườn của gia đình ông Nguyễn Văn Thụ ở thị trấn Nam Cường, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam định xuất hiện một hố rác hữu cơ dễ phân hủy (như thực phẩm, thức ăn thừa, vỏ trái cây, gốc rau…) với nắp đậy kim loại chắc chắn, ngoài cổng nhà là một thùng sơn cũ được tận dụng làm nơi bỏ chất thải vô cơ (rác khó phân hủy, như kim loại, nhựa, giấy…). Gia đình ông hình thành và duy trì thói quen mới, tự phân loại rác thải tại nhà.
Ông Thụ chia sẻ: “Việc phân loại rác mang lại nhiều lợi ích như rác hữu cơ sau thời gian được ủ sẽ làm phân bón cho các cây trồng trong vườn, còn rác vô cơ vừa lọc ra những thứ tái chế như vỏ lon, giấy báo, hộp nhựa bán được. Từ khi triển khai phân loại rác dù mất công thêm một chút nhưng vừa tiết kiệm chi phí, nhưng đường làng, ngõ xóm sạch đẹp hơn hẳn”.
|
Mô hình "Hố rác hữu cơ di động" góp phần giảm áp lực xử lý cũng như giảm phát thải khí mê tan tại các bãi rác. |
Các mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn đang áp dụng thực hiện hiệu quả tại Nam Định như Mô hình "Phân loại chất thải rắn tại nguồn và xử lý rác hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình" (huyện Hải Hậu); Mô hình "Hố rác hữu cơ di động" (huyện Xuân Trường, huyện Nam Trực, huyện Ý Yên); Mô hình "Phân loại rác thải tại hộ gia đình bằng thùng rác 2 ngăn" (huyện Nghĩa Hưng; Trực Ninh)... Đến nay toàn tỉnh có 195/226 xã, phường, thị trấn đã triển khai thực hiện các mô hình phân loại rác thải tại nguồn và xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định, tại các điểm triển khai mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình (hố rác hữu cơ di động) đã giảm thiểu được khoảng 30 - 40% lượng rác phải đem đi xử lý tại khu xử lý rác thải tập trung. Việc giảm thiểu rác hữu cơ tại nguồn góp phần giảm áp lực xử lý cũng như giảm phát thải khí mê tan tại các bãi rác lộ thiên.
Nếu rác thải này nếu không được phân loại và xử lý hợp lý là một tác nhân gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước triển khai việc phân loại rác tại nguồn, góp phần bảo vệ môi trường và giảm áp lực lên các bãi rác. Theo PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng: “Người dân tại nhiều địa phương đã dần ý thức hơn và hình thành thói quen phân loại rác ngay từ gia đình mình.
Thêm vào đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng thể hiện vai trò quan trọng trong việc quản lý và tuyên truyền, nhằm giúp các địa phương và người dân hiểu rõ tầm quan trọng của hoạt động này.”
Phân loại rác tại nguồn là một giải pháp quan trọng để giảm phát thải khí mê tan. Khi rác thải hữu cơ được phân loại và xử lý đúng cách, nó có thể được chuyển hóa thông qua quá trình phân hủy kị khí để tạo ra biogas, một nguồn năng lượng tái tạo. Việc này không chỉ giúp giảm lượng rác thải đưa vào bãi rác mà còn giảm lượng khí mê tan phát ra từ các bãi rác, từ đó góp phần bảo vệ môi trường
TS. Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và Bảo vệ tầng ô-zôn, Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết: “Có rất nhiều hoạt động quản lý chất thải khác nhau mà chúng ta có thể giảm được phát thải khí mê tan, đặc biệt hoạt động phân loại rác tại nguồn bằng các giải pháp xử lý theo các hình thức như compost và biogas đều góp phần giảm mức phát thải khí mê tan trong quá trình mà chúng ta thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải đặc biệt là đối với chất thải sinh hoạt.
Cho tới nay, nhiều hộ gia đình, cộng đồng trên cả nước đã thực hiện những biện pháp phân loại rác tại nguồn và cho kết quả khả quan về giảm phát thải khí mê tan.”
|
TS. Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và Bảo vệ tầng ô-zôn, Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường. |
Từ sau năm 2025, phân loại chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt là sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học, sẽ trở thành bắt buộc theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Quy định này được kỳ vọng sẽ giảm thiểu phát thải từ các bãi chôn lấp và xử lý chất thải.
Tuy nhiên, trong tổng thể, giảm phát thải khí mê-tan từ các bãi rác lộ thiên đòi hỏi sự chú trọng, quan tâm cũng như các biện pháp cụ thể từ Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng.