(VOV5) - Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 19/08 họp trực tuyến về những diễn biến gần đây tại Mali.
Các nước thành viên HĐBA chia sẻ quan ngại về tình hình Mali, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khôi phục trật tự Hiến pháp và tuân thủ Hiệp định Hoà bình năm 2015, đánh giá cao nỗ lực của LHQ, Lãnh đạo các quốc gia Cộng đồng kinh tế khu vực Tây Phi (ECOWAS), Liên minh Châu Phi (AU) trong thúc đẩy ổn định ở Mali, đặc biệt là vai trò trung gian hòa giải của Cộng đồng kinh tế Tây Phi.
Các nước thành viên Hội đồng bảo an họp về tình hình ở Mali. Ảnh: VOV5 |
Một số nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền con người và chống khủng bố trong bối cảnh hiện nay, tránh để Mali rơi vào tình trạng như sau cuộc đảo chính năm 2012. Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ bày tỏ quan ngại sâu sắc trước diễn biến tại Mali; kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh sử dụng vũ lực; thúc đẩy đối thoại để tìm kiếm các giải pháp chính trị hòa bình, phù hợp với Hiến pháp và luật pháp Mali nhằm thiết lập lại ổn định và trật tự xã hội ở Mali, vì nguyện vọng hòa bình chính đáng của người dân. Đại sứ nhấn mạnh Việt Nam ủng hộ nỗ lực của LHQ, Liên minh châu Phi, Cộng đồng kinh tế khu vực Tây Phi, và cộng đồng quốc tế trong việc thúc đẩy đối thoại nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình giữa các bên liên quan, hỗ trợ đưa tình hình Mali sớm trở lại ổn định.
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Phi (AUC) Moussa Faki cũng lên án việc bắt giữ các nhà lãnh đạo chính trị ở Mali, đồng thời khẳng định phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi chính phủ một cách vi hiến, kêu gọi các binh sĩ Mali chấm dứt sử dụng vũ lực và trả tự do ngay lập tức cho các lãnh đạo bị bắt giữ. Chủ tịch AUC kêu gọi Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), Liên hợp quốc (LHQ) và toàn thể cộng đồng quốc tế phản đối mọi hành động sử dụng vũ lực để giải quyết khủng hoảng chính trị tại Mali.