Việt Nam nhấn mạnh việc xoá bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân là lợi ích chung của toàn nhân loại

(VOV5) - Đại sứ kêu gọi các nước thành viên Hiệp ước cần thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo Hiệp ước.

Từ ngày 27/11 – 01/12, tại Trụ sở Liên hợp quốc, New York, Mỹ, diễn ra Hội nghị lần thứ hai các nước thành viên Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW). Phát biểu tại Hội nghị, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, nhấn mạnh việc xoá bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân là lợi ích chung của toàn nhân loại và cần nỗ lực, quyết tâm chính trị của tất cả các quốc gia.

Việt Nam nhấn mạnh việc xoá bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân là lợi ích chung của toàn nhân loại - ảnh 1Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phạm Huân/VOV-Washington

Đại sứ kêu gọi các nước thành viên Hiệp ước cần thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo Hiệp ước; các nước chưa phải thành viên sớm ký, phê chuẩn và gia nhập Hiệp ước, góp phần phổ quát hoá Hiệp ước. Việt Nam hoan nghênh các nước sở hữu vũ khí hạt nhân ký và phê chuẩn không kèm bảo lưu đối với Nghị định thư của Hiệp ước phi vũ khí hạt nhân ở Đông Nam Á nhằm góp phần đạt được mục tiêu thế giới phi vũ khí hạt nhân.

Việt Nam nhấn mạnh việc xoá bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân là lợi ích chung của toàn nhân loại - ảnh 2Đại sứ Đặng Hoàng Giang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phạm Huân/VOV-Washington

Đại sứ Đặng Hoàng Giang tái khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam ủng hộ các nỗ lực trong chống phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân nhằm hướng tới thế giới phi vũ khí hạt nhân. Việt Nam là thành viên của nhiều điều ước quốc tế đa phương quan trọng trong lĩnh vực này; đồng thời là 1 trong 10 nước đầu tiên phê chuẩn Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân và đã khai báo theo nghĩa vụ Điều 2 Hiệp ước đúng thời hạn. Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 81 năm 2019 thiết lập khuôn khổ pháp lý quốc gia quan trọng trong phòng chống vũ khí huỷ diệt hàng loạt.

Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) là hiệp ước về giải trừ vũ khí hạt nhân đa phương đầu tiên có hiệu lực kể từ năm 1990 đến nay. Đây là văn kiện có ý nghĩa quan trọng, lần đầu tiên trong lịch sử đặt ra nghĩa vụ ràng buộc về pháp lý toàn diện đối với các quốc gia thành viên về việc cấm hoàn toàn sở hữu, phát triển, tàng trữ, sử dụng vũ khí hạt nhân. Hiệp ước TPNW chính thức có hiệu chính thức kể từ ngày 22/01/2021, hiện có 69 quốc gia phê chuẩn/gia nhập và 93 quốc gia ký. Hiệp ước được thông qua tại Hội nghị Liên hợp quốc đàm phán văn kiện pháp lý ràng buộc về cấm và hướng tới loại trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân tổ chức tại New York (Mỹ) từ ngày 15/6-7/7/2017.           
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác