Việt Nam thực hiện nhiều biện pháp bảo hộ, hỗ trợ công dân ở nước ngoài

(VOV5) - Các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã bảo hộ, đưa về nước khoảng hơn 400 trường hợp, đồng thời, hướng dẫn, can thiệp và hỗ trợ pháp lý cho khoảng hơn 1.500 trường hợp. 

Ngày 7/7, trả lời câu hỏi phóng viên đề nghị cập nhật công tác bảo hộ công dân trước tình trạng người Việt Nam bị cưỡng bức lao động tại Campuchia., người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: Trong những ngày qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã thường xuyên phối hợp với các bộ ngành, cơ quan chức năng, các địa phương trong nước, đặc biệt là các địa phương giáp biên giới với Campuchia và các cơ quan chức năng của Campuchia thực hiện nhiều biện pháp bảo hộ, hỗ trợ các trường hợp công dân khó khăn, hoạn nạn và đưa về nước.

Việt Nam thực hiện nhiều biện pháp bảo hộ, hỗ trợ công dân ở nước ngoài - ảnh 1Ảnh: Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: Nguyễn Hồng

Cơ quan chức năng thành lập nhóm công tác chuyên trách để xử lý yêu cầu hỗ trợ của công dân; đăng cảnh báo lên hệ thống trang điện tử và tài khoản mạng xã hội của các cơ quan đại diện; thiết lập đường dây nóng hoạt động 24/7 giữa Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia và cơ quan chức năng của Campuchia trong việc tiếp nhận thông tin, hỗ trợ giải cứu công dân Việt Nam là nạn nhân một cách kịp thời và có hiệu quả; phối hợp với các cơ quan liên quan trong nước thúc đẩy tuyên truyền, cảnh báo nâng cao nhận thức cho người dân.
Với sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong nước và Campuchia, đến nay, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã bảo hộ, đưa về nước khoảng hơn 400 trường hợp, đồng thời, hướng dẫn, can thiệp và hỗ trợ pháp lý cho khoảng hơn 1.500 trường hợp công dân gặp khó khăn trong xuất nhập cảnh, đi lại, gia hạn cư trú, vi phạm pháp luật sở tại.

Thông tin về biện pháp của Việt Nam nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: Việt Nam chủ trương phát triển bền vững kinh tế biển, duy trì phát triển bền vững ngành khai thác thủy sản với cơ cấu tàu, nghề phù hợp với khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản. Việt Nam tham gia tích cực và có trách nhiệm trong các diễn đàn quốc tế, Kế hoạch hành động khu vực về chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (RPOA-IUU) cũng như luôn sẵn sàng cùng các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, thúc đẩy quản lý nghề cá hiệu quả,bền vững, phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác