(VOV5) - 5 năm gần đây hệ thống canh tác tôm - lúa đã phát triển mạnh ở nhiều tỉnh ven biển Đồng bằng Sông Cửu Long, từ vài chục ngàn ha năm 2005 đã tăng lên khoảng 160.000ha năm 2011, có thể đạt 180.000 ha vào năm 2015 và 200.000 ha năm 2020. Ở nhiều địa phương cho thấy mô hình canh tác tôm – lúa có hiệu quả và tính bền vững cao.
|
Ảnh: tapchitaichinh.vn |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Đồng bằng Sông Cửu Long là vùng có điều kiện thuận lợi để phát triển hệ thống canh tác tôm – lúa. Hệ thống canh tác này vừa có tính thân thiện môi trường cao hơn các hệ thống chuyên canh vì dễ dàng áp dụng giải pháp “quản lý tổng hợp”, vừa giảm được nhu cầu sử dụng các loại hóa chất trong sản xuất lúa, ít gây hại đến môi trường tự nhiên, phù hợp với các yêu cầu thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP). Mô hình này sản xuất ra nhiều sản phẩm - ngoài sản phẩm chính là lúa và tôm còn có thể tận dụng nguồn lực để xen canh các loại cây trồng, thủy sản khác. Vì vậy, mô hình này bền vững hơn về mặt kinh tế và hiệu quả đầu tư, ổn định và tăng thu nhập cho người sản xuất trước những ảnh hưởng tiêu cực khi có biến động giá cả, thị trường. Ngoài ra mô hình canh tác tôm – lúa còn mang lại lợi nhuận trung bình cao hơn từ 15 – 30% so với độc canh lúa hoặc tôm. Ông Hời Văn Thụ, nông dân thực hiện mô hìnhtôm - lúa ở xã Phong Tân, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Từ 5 năm trở về sau này sự điều tiết nước giữa vùng mặn và vùng ngọt tại địa phương của tôi không được ổn định, mặn xâm nhập nhiều, từ chỗ đó mà lúa trong vuông tôm không sạ được, vì mặn tăng lên. Minh rửa mặn không được tức là mình không trồng lúa được. Chính vì vậy canh tác theo mô hình tôm - lúa được áp dụng và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”.
Mô hình canh tác lúa trên vùng nuôi tôm là cách rửa mặn tích cực vào mùa mưa, hạn chế quá trình mặn hóa, kéo dài tuổi thọ sử dụng đất. Hiện nay, các tỉnh có diện tích canh tác tôm – lúa lớn như Cà Mau, Bạc Liêu, …đã có qui hoạch, định hướng và dự án phát triển đến năm 2015 - 2020, đồng thời có những giải pháp để phát triển hệ thống này một cách bền vững. Riêng đối với Sóc Trăng, phát huy lợi thế lợi thế so sánh về tự nhiên, kỹ thuật và đặc biệt là giống lúa thơm, ngon được thị trường ưa chuộng, tỉnh đã qui hoạch phát triển vùng lúa trên đất nuôi tôm đạt chứng nhận GlobalG.A.P với thương hiệu gạo Ngọc Đồng. Còn tỉnh Trà Vinh, với đặc điểm vùng tôm - lúa phát triển mạnh trên cù lao Long Hòa (huyện Châu Thành) giữa sông Tiền, cũng đã xây dựng vùng canh tác đạt chứng nhận gạo hữu cơ dành cho thị trường xuất khẩu cao cấp từ nhiều năm qua. Tiến sĩ Trần Văn Khởi, Giám đốc Trung tâm khuyến nông Quốc gia cho biết, canh tác tôm - lúa là một hệ thống đặc thù của vùng ven biển Đồng bằng Sông Cửu Long, có nhiều lợi thế để phát triển ổn định, bền vững với những sản phẩm tôm - lúa chất lượng, thỏa mãn nhiều tiêu chí nghiêm ngặt để tạo ra hàng hóa cao cấp, giá trị cao, hiệu quả kinh tế lớn và nhiều cơ hội xây dựng và khẳng định thương hiệu: “Các địa phương cũng định hướng quy hoạch vùng theo quy hoạch mà đã được Chính phủ và Bộ Nông nghiệp định hướng tương đối chi tiết cho từng tỉnh. Căn cứ vào điều kiện như vậy để tỉnh quy hoạch những vùng đó và hướng nông dân sản xuất chung theo định hướng như vậy. Thứ hai nữa là bằng những nguồn lực của mình kể cả khuyến nông, kể cả trung ương và địa phương, tập trung chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt là tập huấn nâng cao kỹ năng sản xuất cho bà con, để cho mô hình ngoài chuyện hiệu quả rồi thì phải phát triển bền vững , yếu tố bền vững là cực kỳ quan trọng. Cái thứ 3 nữa là định hướng dần dần để chúng ta xây dựng thương hiệu sản phẩm”.
Mô hình canh tác tôm – lúa là một hệ thống đặc thù của vùng ven biển Nam Bộ và có nhiều lợi thế để phát triển ổn định. Tiềm năng mở rộng hệ thống canh tác tôm – lúa ở khu vực này còn rất lớn, quy mô sản xuất có thể đạt đến 200.000 ha, đóng góp hằng năm khoảng 800.000 tấn lúa. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có kế hoạch phát triển thủy lợi phục vụ vùng sản xuất tôm - lúa, nhằm tạo ra sản phẩm tôm, lúa ở cấp chất lượng cao. Qua đó, xây dựng mô hình canh tác tôm – lúa tạo ra bước phát triển trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp vùng ven biển Đồng bằng Sông Cửu Long.