Cao su xanh đất đồi Yên Bái

(VOV5) - Sau 5 năm thực hiện chương trình phát triển dự án trồng cao su, phần lớn các vùng đất trống, đồi trọc ở hai huyện Văn Chấn và Văn Yên đã được phủ kín bởi màu xanh tươi tốt của những cây cao su. Loại cây này không những giúp cho nhiều người dân ở 2 huyện có việc làm, thu nhập ổn định, từng bước xóa đói giảm nghèo, mà còn góp phần giúp địa phương thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:



 Cây cao su được trồng tại huyện Văn Chấn và Văn Yên bắt đầu từ năm 2010, nhưng phải đến năm 2011, Công ty cao su Yên Bái mới tìm được giống cây phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Từ đó, những vùng đất vốn bạc màu, chai cứng, bị bỏ hoang đã được công nhân trong các tổ đội lao động của Công ty cao su Yên Bái ngày đêm san đất, mở đường để vận chuyển cây giống và phân bón lên đồi. Với sự chăm chỉ, cần mẫn của các công nhân, những đồi cao su mọc lên xanh tốt, trung bình chiều cao mỗi cây đều trên dưới 4 mét, tán rộng, phủ kín các triền đồi. Từ khi có dự án trồng cây cao su, trên 700 lao động chủ yếu là người dân tộc thiểu số như: Dao, Thái, Khơ-mú, Tày, Nùng… có công ăn việc làm ổn định. Chị Lường Thị Chín, dân tộc Thái, ở thôn Cốc Củ, xã Phù Nham, phấn khởi chia sẻ
:"Trước đây chưa có cây cao su thì tôi làm lao động tự do. Từ ngày có cây cao su về bản, được các anh kỹ thuật hướng dẫn thì chúng tôi 

Cao su xanh đất đồi Yên Bái - ảnh 1



 Cây cao su xuất hiện trên đất Yên Bái không chỉ mang đến màu xanh cho những vùng đất trống, đồi trọc mà còn mang lại một cuộc sống mới cho người dân địa phương. Gia đình anh Lý Tiến Thọ, dân tộc Dao, ở thôn Suối Bắc, xã Suối Quyền, huyện Văn Chấn, trước đây, chỉ trông chờ vào thu nhập từ mấy mảnh nương, vạt ruộng, nên đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Ngay khi dự án cây cao su được triển khai, anh Thọ đã nhận khoán 2ha cao su để chăm sóc. Hàng ngày, mọi người trong gia đình lên đồi làm cỏ, bón phân, bảo vệ rừng cây… Mỗi tháng gia đình có thêm thu nhập từ 3 đến 3,5 triệu đồng. Nhờ có cây cao su mà gia đình anh Thọ cũng như nhiều gia đình khác ở huyện Văn Chấn thoát nghèo. Anh Lý Tiến Thọ cho biết:  “Chúng tôi thấy đưa cao su về đây trồng là rất hợp lý. Người dân chúng tôi ai cũng muốn tham gia vào trồng và chăm sóc cây vì có việc làm và có thu nhập. Riêng gia đình tôi từ ngày nhận khoán chăm sóc, bảo vệ cây cao su, hàng tháng đã có thêm tiền trang trải cuộc sống”.

Cao su xanh đất đồi Yên Bái - ảnh 2


Năm 2015, Công ty cao su Yên Bái đặt mục tiêu hoàn thành trồng 3.000 ha cây cao su trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đến năm 2020 quy hoạch và trồng trên 10.000 ha. Để có đất phục vụ dự án, thay vì thu hồi đất của các hộ dân để trồng, công ty Cao su Yên Bái đã thống nhất với Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thu hồi đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng của các tổ chức, đơn vị và cộng đồng dân cư quản lý. Cách làm này huy động tối đa sự vào cuộc của người dân và cấp chính quyền để đảm bảo trồng cao su đúng kế hoạch. Ông Vũ Lê Thành Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Văn Chấn, cho biết: "Ủy ban nhân dân huyện Văn Chấn đã thành lập Hội đồng giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho công ty để trồng cao su trên địa bàn huyện. Hội đồng đã có sự phối kết hợp chặt chẽ đối với Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn trong vùng quy hoạch trồng cây cao su. Ngoài ra, Hội đồng cũng phối hợp chặt chẽ cùng công ty cao su Yên Bái trong vấn đề rà soát diện tích đất để trồng cây cao su. Chính vì vậy đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ bàn giao đất theo quyết định thu hồi của Ủy ban nhân dân tỉnh đã thực hiện rất tốt và được người dân đồng thuận cao”.


Với đà phát triển như hiện nay, chỉ vài năm nữa, những người trồng cao su ở Yên Bái sẽ được khai thác dòng mủ trắng đầu tiên, và lúc đó, thu nhập của họ sẽ cao hơn nhiều so với thời điểm này. Việc thực hiện dự án phát triển cao su trên địa bàn tỉnh Yên Bái không chỉ góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương mà còn là góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Cây cao su đang tạo nên những triền đồi xanh ngắt tại Yên Bái, đồng thời thắp lên bao kỳ vọng về sự đổi thay cuộc sống của người dân nơi đây./.
Tin liên quan

Phản hồi

Kiều oanh

Cho em hỏi ở trên tây bắc đấy thì bắt đầu cạo mủ sao su từ tháng mấy đến tháng... Xem thêm

Các tin/bài khác