(VOV5) - Chợ quê là một trong những sản phẩm du lịch đặc sắc do chính những người dân làng Thanh Thủy Chánh tổ chức, tạo những cảm xúc khó quên cho du khách thăm nơi này.
Cứ hai năm một lần, vào các dịp festival Huế, chợ quê ở làng Thanh Thủy Chánh, còn gọi là làng Thanh Toàn, ở xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, lại rộn ràng mở hội. Chợ quê là một trong những sản phẩm du lịch đặc sắc do chính những người dân làng Thanh Thủy Chánh tổ chức, tạo những cảm xúc khó quên cho du khách thăm nơi này.
Gian hàng bán nón, sản phẩm truyền thống của làng quê Thanh Thủy - Ảnh: Lan Anh/VOV5
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Chợ quê mở hội trong hầu hết các ngày diễn ra Festival Huế kể từ năm 2002 đến nay, trong một không gian rộng lớn từ đầu đến cuối làng Thanh Thủy Chánh. Nhưng rộn rã và đông vui nhất là ở khu vực trung tâm làng, xung quanh Cầu Ngói và Bảo tàng nông cụ Thanh Toàn. Rời bãi đỗ xe, trên con đường đi vào làng đã có thể nghe thấy những âm thanh đặc trưng của điệu bài chòi vang lên từ 22 chiếc chòi tranh ven chợ.
Một gian hàng mây tre đan - Ảnh: Lan Anh/VOV5
|
Khu vực phía bắc và phía nam Cầu Ngói là trung tâm của lễ hội chợ quê, nơi diễn ra các hoạt động chính bao gồm hội thi hát bài chòi, hội thi làm bánh, nấu bánh canh, hội thi chằm nón, nặn đất sét. Cùng với hội thi hát bài chòi, khu vực đua ghe truyền thống, đua ghe câu cũng đầy ắp âm thanh sôi động.
Góp phần làm phong phú thêm cho chợ quê là các chòi cất rớ, chòi câu cá ở dọc hai bờ sông Như Ý và các xe đạp nước, gầu sòng phía trên cầu Ngói Thanh Toàn. Tại đây, khách du lịch được tìm hiểu về những đặc trưng của nông thôn Việt Nam, cũng có thể tham gia trực tiếp vào nhiều hoạt động sản xuất như: đạp nước trên đồng ruộng, cất vó, câu cá... khi bóng chiều đang ngả xuống trên sông. Ông Nguyễn Đặng Lợi, khách thăm chợ quê, cho biết: "Chợ quê ngày hội tôi thấy là một không khí hết sức là nông thôn. Tham quan bảo tàng nông cụ và chợ quê là một kỷ niệm khó quên trong dịp festival 2018. Các hoạt động ở đây bây giờ đã được mở rộng ra, chương trình cũng phong phú hơn".
Gánh hàng bán tào phớ của người dân nơi đây - Ảnh: Lan Anh/VOV5
|
Ẩm thực là thứ không thể thiếu ở chợ quê Thanh Toàn. Ngoài các loại chè bánh truyền thống như bánh tày, bánh ú, bánh gai, bánh phu thê, chè bắp, chè hạt sen, chè bắp, chè khoai tía, chè bông cau..., còn có sự góp mặt của những món ăn mà chỉ Huế mới có như: cơm hến Vỹ Dạ, khoai luộc Thủy Thanh, bánh canh cá lóc Thủy Dương... Những món ăn ở trong chợ đều được bày bán trên chõng tre, khách ngồi trên các ghế tre dân dã để thưởng thức hương vị của làng quê mộc mạc.
Chất quê của chợ còn được thể hiện ngay cả trên trang phục của người tham gia. Từ người bán hàng mặc áo bà ba trắng, đen, nâu sòng, áo dài tay nối đến các o, các thím, các mệ đi chợ với nón lá, quần rộng, làm cho ngày hội chợ quê càng thêm đậm chất nông thôn Việt Nam.
Món vịt quay thơm nức một góc chợ quê - Ảnh: Lan Anh/VOV5
|
Ông Nguyễn Mậu Hòa, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thủy Thanh, cho biết: "Chợ quê ngày hội chủ yếu tái hiện lại không gian chợ ngày xưa, tái hiện lại các trò chơi dân gian và các vấn đề sinh hoạt hằng ngày của người dân giống như là hò giã gạo, hát bài chòi và các hoạt động thể thao dân tộc như là đua thuyền, đua ghe câu, bắt vịt trên sông. Về cơ bản, các hoạt động này được người dân tổ chức. Từ đó, chính quyền địa phương xác định người dân là chủ thể của lễ hội và từ năm 2002 đến nay, mọi hoạt động đều được giao cho người dân để người dân buôn bán, trưng bày, trình diễn xay lúa, giã gạo, giần sàng, tổ chức các hoạt động vui chơi, ca hát".
Đến chợ không chỉ mua bán mà còn là để gặp gỡ, trò chuyện - Ảnh: Lan Anh/VOV5
|
Chợ quê Thanh Toàn hấp dẫn du khách không chỉ trong các dịp Festival Huế nên sẽ được tổ chức định kỳ hàng tháng vào các ngày rằm theo lịch Mặt Trăng. Xã Thủy Thanh cũng đã xây dựng đề án đề nghị công nhận chợ quê là thương hiệu du lịch cộng đồng riêng có của làng Thanh Toàn, xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Chính quyền địa phương cũng tu bổ, chỉnh trang cầu Ngói Thanh Toàn, nạo vét dòng sông Như Ý, san lấp mặt bằng khu vực chợ trung tâm để thông thoáng, thuận lợi cho du khách dự chợ quê. Người dân, vốn là chủ thể của các phiên chợ quê, đang ngày càng tích cực làm sạch đường làng, ngõ xóm để bức tranh chợ quê thêm yên bình, hấp dẫn du khách gần xa.