Chùa và văn hóa làng

(VOV5) - Chùa và  đình làng là công trình tiêu biểu của cả làng. Không chỉ là công trình kiến trúc nghệ thuật, chùa  còn là biểu tượng khát vọng của người dân.


Đồng bằng Bắc bộ là cái nôi văn minh lúa nước của tộc Việt, vì vậy nơi đây còn lưu giữ được tính chất thuần tuý của văn hoá Việt Nam. Đồng bằng Bắc bộ cũng chính là nơi Phật giáo lần đầu tiên du nhập vào Việt Nam. Người Việt xem Phật giáo vừa thiêng liêng vừa gần gũi với họ, nên trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, chùa chiền được xây dựng khắp mọi nơi, hầu như không một làng quê nào lại không có chùa thờ Phật.



Nghe âm thanh tại đây:




Chùa và văn hóa làng  - ảnh 1
Chùa Bút Tháp (Hà Bắc) .Ảnh: btgcp.gov.vn


Trong tiến trình thành lập làng xã và kể từ khi Phật giáo được du nhập vào Việt Nam (thế kỷ 3 trước công nguyên), bên cạnh những công trình mang tính thiết chế của làng như: cây đa, bến nước, sân đình, hầu như ở làng nào cũng có chùa. Chùa và  đình làng là công trình tiêu biểu của cả làng. Không chỉ là công trình kiến trúc nghệ thuật, chùa  còn là biểu tượng khát vọng của người dân. Sau những  tất bật  mưu sinh, đến chùa ai cũng cảm thấy sự bình yên, thanh tịnh trong tâm hồn. Chùa cũng là nơi ghi dấu những kỷ niệm thời thơ ấu những ngày được theo mẹ, theo chị lên chùa nghe nhà sư giãi bày lẽ thiệt hơn trong đạo đức làm người…Vì thế, dù có đi đâu, thì hình ảnh ngôi chùa cũng in đậm trong tâm trí, kỷ niệm của những người từng sinh ra và lớn lên ở làng, gắn bó với tiếng chuông chùa.


Trong tâm thức người Việt, ngôi chùa còn thể hiện triết lý nhân sinh và tinh thần khoan dung, hoà hợp trong đời sống tín ngưỡng của dân tộc. Chùa đáp ứng nhu cầu trong đời sống thôn dã, xóa đi khoảng cách bất bình đẳng trong sinh hoạt cộng đồng ở làng quê xưa. Nếu như xưa kia, hầu như những gian trong đình chỉ dành cho nam giới, các bậc cao niên, các quan viên bàn “ việc làng”, phụ nữ không được can dự, thì chùa chính là nơi dành cho các cụ, bà, các cô thôn nữ và trẻ em được theo bà, theo mẹ đến chùa mà dân gian thường nói: “ Trẻ vui nhà, già vui chùa ”. Chùa trong làng thường được xây dựng ở nơi thanh vắng, tịch mịch, có thể ở góc làng, ven làng hay ở trung tâm. Nhưng dù toạ lạc ở vị trí nào nơi thôn cùng, xóm vắng thì ngôi chùa vẫn hiện diện vừa thân thiết gần gũi, vừa huyền ảo lay động cõi tâm linh, trong đời sống tinh thần của người làng quê. Do vậy, cùng với đình, chùa cũng là biểu tượng của văn hoá làng, cội nguồn của văn hoá dân tộc. Thượng tọa Thích Tiến Đạt, trụ trì chùa Cự Đà, ngoại thành Hà Nội, cho rằng:Phật giáo đã được truyền vào Việt Nam từ trong đời sống của nhân dân, do đó ở nơi nào có dân, có làng thì ở đó có chùa và ngôi chùa trở thành thiết chế văn hóa không thể thiếu. Có nhà thơ đã nói: “ Mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tông”. Trong dân gian cũng thường nói: “ chùa chiền là tổ mộ của dân thôn”, do đó ngôi chùa được coi là mộ tổ của cả một làng, của cả một vùng. Chùa chẳng những là nơi sinh hoạt tâm linh,tín ngưỡng, mà còn là nơi gửi gắm niềm tin, ước vọng của dân làng trong cuộc sống. Phật giáo với chủ trương từ bi và trí tuệ, hướng con người ta hướng tới chân, thiện, mỹ , dó đó ngôi chùa là chỗ dựa tâm linh, tinh thần văn hóa của người dân.
   


Mỗi dịp Tết đến xuân về, chùa còn là địa điểm để mọi tầng lớp người dân trong làng đến lễ Phật cầu mong bình an cho gia đình.  Đi lễ chùa đầu năm từ lâu đã trở thành nét đẹp trong đời sống tâm linh của người dân. Ông Nguyễn Hữu Khanh, người dân làng Na, huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh kể:  Các cụ phấn khởi, cứ nghe tiếng chuông chùa thì bà cụ thân sinh ra tôi lại giục “ Dọn ăn cơm ăn cơm để mẹ còn lên chùa”. Cứ vào ngày rằm, mồng một hàng tháng các cụ lại lên chùa tụng kinh, niệm Phật. 



Chùa và văn hóa làng  - ảnh 2
Đình Chu Quyến( Hà Nội). Ảnh: btgcp.gov.vn


Nhiều ngôi chùa, không chỉ thờ Phật mà còn thờ thần, thờ Mẫu, nên hội chùa là sự dung hợp tín ngưỡng tôn giáo và cởi mở của người Việt Nam. Điều đặc biệt là hội chùa thường được tổ chức cùng lễ hội truyền thống của làng, vào cùng một thời điểm. Đại Đức Thích Thông Thức trụ trì chùa làng Na ở huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh, cho biết: Chùa không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo cho các Phật tử, mà hàng năm dân trong làng thường đến lễ chùa vào đầu năm. Sau khi lễ ở đình xong thì dân  lại đến chùa lễ Phật.

Điều thú vị là vào những dịp lễ hội truyền thống của làng luôn là cuộc gặp gỡ giữa các thành hoàng, tức các thần của làng được thờ trong đình và thần Phật, Mẫu thờ ở chùa. Đó là một điểm độc đáo của Phật giáo Việt Nam, của văn hóa Việt Nam, để từ đây có thể nhận ra vị trí của ngôi chùa trong cộng đồng làng xã Việt Nam. Ngôi chùa trong quá khứ và hiện tại là một thực thể sống động, giúp cho các thế hệ  nhận thức và hiểu thêm về bản sắc văn hóa Việt Nam.

Phản hồi

Các tin/bài khác