Cơ hội quảng bá tinh hoa làng nghề gốm sứ Bát Tràng ra thế giới

(VOV5) - Với việc trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố Thủ công sáng tạo thế giới, Bát Tràng sẽ có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để bảo tồn phát triển nghề gốm truyền thống,

Nghe âm thanh bài tại đây:

Làng nghề gốm sứ Bát Tràng hội tụ những giá trị độc đáo, từ văn hóa, lịch sử đến kinh tế và tác động xã hội. Với những yếu tố này, làng nghề gốm sứ Bát Tràng được Hội đồng giám khảo quốc tế thuộc Hội đồng Thủ công thế giới đánh giá cao và chính thức được nhận Chứng nhận thành viên Mạng lưới các thành phố Thủ công sáng tạo thế giới (tháng 02/2025). Đây là cơ hội để Bát Tràng khẳng định giá trị cũng như mở ra cơ hội quảng bá tinh hoa của làng nghề ra thế giới.
Cơ hội quảng bá tinh hoa làng nghề gốm sứ Bát Tràng ra thế giới - ảnh 1Không gian Trung tâm Thiết kế sáng tạo làng nghề đầu tiên tại Bát Tràng. Ảnh: Việt Trung/congluan.vn

Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo quốc tế thuộc Hội đồng Thủ công thế giới, làng gốm Bát Tràng hội tụ đủ các tiêu chí về: kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường, xứng đáng trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố Thủ công sáng tạo thế giới. Việc Hội đồng Thủ công thế giới đã chính thức trao chứng nhận tư cách thành viên cho làng gốm sứ Bát Tràng là niềm vui lớn với người dân địa phương.

"Tôi thấy rằng đây là cơ hội tuyệt vời để mang gốm Bát Tràng giới thiệu đến bạn bè quốc tế và để mọi người biết đến 1 làng gốm vẫn đậm nét thủ công truyền thống và những sản phẩm gốm Bát Tràng có những đặc trưng rất riêng."

"Với định hướng kết hợp giữa truyền thống và hơi thở đương đại ngày nay, Bát Tràng sẽ trở thành làng nghề sản xuất và du lịch. Đây là tín hiệu tốt. Bát Tràng đang chuyển mình."

Còn theo nghệ nhân Hà Thị Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, Chủ tịch Hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội, người luôn dành tâm huyết cho nghề gốm truyền thống Bát Tràng, sự kiện này là cơ hội để Bát Tràng khẳng định giá trị độc đáo cũng như mở ra cơ hội quảng bá tinh hoa của làng nghề ra thế giới.

Cơ hội quảng bá tinh hoa làng nghề gốm sứ Bát Tràng ra thế giới - ảnh 2Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng. Ảnh: VOV2

"Đây là niềm tự hào với chúng tôi. Từ niềm tự hào này, chúng tôi sẽ xây dựng một thương hiệu đặc sắc, không chỉ nổi tiếng ở trong nước mà còn nổi tiếng toàn thế giới. Đó là ước mơ của chúng tôi. Thông qua thương hiệu này, chúng tôi sẽ kể được câu chuyện lịch sử của quê mình, kể câu chuyện văn hóa của quê mình và chúng tôi sẽ tạo được sự thịnh vượng cho con cháu muôn đời sau.

Khi được trở thành thành viên mạng lưới, thứ nhất, chúng ta học hỏi được rất nhiều từ các làng nghề của thế giới tham gia trong mạng lưới này để từ đó, học hỏi tinh hoa của thế giới về cho các làng nghề của Việt Nam. Thứ hai, thông qua mạng lưới thủ công thế giới, chúng ta cũng truyền thông được những nét tinh hoa của làng nghề Bát Tràng đến với thế giới." - Bà Vinh nói.

Thành quả này là sự kết tinh những tinh hoa của làng gốm cổ có lịch sử 500 năm nằm ven sông Hồng (thuộc thôn Gia Cao và thôn Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Hàng trăm năm qua, các nghệ nhân và thợ giỏi trong làng, bằng tâm huyết với nghề truyền thống, sự sáng tạo, đôi tay tài hoa cùng với đó là những bí quyết riêng được truyền lại qua nhiều đời đã tạo nên những sản phẩm gốm tinh xảo, đẹp mắt, độc đáo, có giá trị cao. 

Đặc biệt, các mẫu gốm từ thời xa xưa, như: thời nhà Lý, Trần, Lê, Mạc… đã được các nghệ nhân của Bát Tràng khôi phục thành công.

Cơ hội quảng bá tinh hoa làng nghề gốm sứ Bát Tràng ra thế giới - ảnh 3Nghệ nhân gốm Phạm Ngọc Huy - người “giữ lửa” gốm Bát Tràng đã có hơn 50 năm làm nghề. Ảnh: Báo Hải Dương

Nghệ nhân Phạm Ngọc Huy cho biết: "Men ngọc, men lý, men lam, men nâu… những men này chỉ Bát Tràng mới có vì men của Bát Tràng nung ở nhiệt độ tương đối cao, từ 1.250 – 1.320. Men của Bát Tràng có cái khác là được đun trong lò củi và đi từ men tro. Do đó, sắc thái men khác."

Những nét độc đáo về văn hoá, lịch sử, đã tạo nên sức hút, khiến dòng gốm Bát Tràng ngày càng được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng, được xuất khẩu tới các châu Á, Âu, Mỹ. Đặc biệt, nhiều sản phẩm nghệ thuật cao cấp của làng nghề còn được chọn làm quà tặng nguyên thủ quốc gia, các đoàn ngoại giao khi đến thăm Việt Nam.

Với hành trình bền bỉ, trải qua những thăng trầm lịch sử, di sản văn hóa gốm Bát Tràng luôn được các thế hệ nghệ nhân và người dân bảo tồn, phát triển. Hiện, làng gốm Bát Tràng có hơn 100 nghệ nhân, gần 200 doanh nghiệp và khoảng 1.000 hộ sản xuất, kinh doanh gốm sứ. Có tới 90% thanh niên trong làng đều biết làm gốm.

Từ làng nghề, nhiều nghệ nhân trẻ, đặc biệt là nghệ nhân nữ, đã năng động, sáng tạo, tạo ra những dòng sản phẩm gốm rất riêng. Chị Vũ Như Quỳnh, nghệ nhân trẻ của làng nghề Bát Tràng, rất tự hào về nghề truyền thống của cha ông để lại: "Trước đây làm hoàn toàn thủ công, nên việc hao, hỏng, vỡ của các sản phẩm gốm rất lớn. Bên cạnh việc giữ gìn truyền thống, bí quyết nghề, tôi vẫn cập nhật thêm về công nghệ cũng như kỹ thuật, bổ trợ cho những sản phẩm gốm thủ công. Ngày nay, những người thợ gốm không chỉ biết làm gốm mà còn phải biết quảng cáo, giới thiệu, biết làm câu chuyện về gốm, đưa các sản phẩm gốm vươn xa hơn."

Những năm qua, người dân Bát Tràng đã khai thác tiềm năng, thế mạnh của làng nghề truyền thống với bề dày lịch sử, văn hoá lâu đời, từ đó, đầu tư mở rộng quy mô, phát triển du lịch trải nghiệm tại làng nghề. Bát Tràng ngày nay là một trong những điểm tham quan, du lịch nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội.

Với việc trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố Thủ công sáng tạo thế giới, Bát Tràng sẽ có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để bảo tồn phát triển nghề gốm truyền thống, cùng với đó, góp phần khẳng định vị thế của làng nghề trong bức tranh thủ công toàn cầu.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác