(VOV5) - Thành lập từ năm 2019, 6 năm sau (năm 2025), Câu lạc bộ dệt vải thổ cẩm ở làng Kép, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai đã góp phần tích cực phát triển du lịch cộng đồng.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Phụ nữ dân tộc Jrai nơi đây kinh doanh du lịch kết hợp trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm, qua đó vừa gìn giữ văn hóa truyền thống, vừa phát triển kinh tế.
Nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Jrai là nghề truyền thống, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Người Jrai quan niệm rằng là phụ nữ thì phải biết dệt vải. Chị Rơ Châm H’ Xuyết cho biết: "Người con gái Jrai khi lớn lên phải tập dệt vải để có thổ cẩm làm sính lễ lấy chồng. Khi đến nhà trai, người con gái phải đưa bố mẹ chồng quần, áo, vải… coi như đồ sính lễ. Nếu như con gái không biết dệt vải thì bị coi như không khéo léo. Sản phẩm dệt thường là chăn, địu con nhỏ, khăn, áo, váy, túi xách…"
Phụ nữ Jrai ở xã Ia Mơ Nông dệt vải. Ảnh: Ngọc Anh/VOV5 |
Vải thổ cẩm của đồng bào Jrai thường có ba mầu xen lẫn gồm: đỏ, đen và trắng. Mỗi tấm vải được dệt thủ công, thể hiện sự khéo léo, tài năng của từng người thợ. Chị Siu Thỏi cho biết: "Dệt vải thủ công bằng tay. Hoa văn thường là hình con chim, cá, cỏ, cây, hoa, lá…. Giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Một bộ quần áo thường phải dệt 1 tuần mới xong."
Hiện, đã có một số doanh nghiệp ký kết hợp tác mua, cung cấp các sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống của người dân địa phương tại các chuỗi cửa hàng tiêu thụ trong nước và hướng tới xuất khẩu. Từ đó, mở ra cơ hội cho việc bảo tồn, phát triển nghề dệt truyền thống. Khách du lịch khi tới tham quan cũng mua sản phẩm dệt thổ cầm về làm quà lưu niệm.
Chị Rơ Châm A Ngơ cho biết: "Dệt khăn, quần, áo, túi… bán ở tỉnh Gia Lai và bán khách du lịch. Khách du lịch đến đây mua nhiều. Khách du lịch đến đây rất thích xem người dân Jrai dệt vải."
Người dân ở xã Ia Mơ Nông trình diễn cồng chiêng. Ảnh: Ngọc Anh/VOV5 |
Ngoài bảo tồn, phát triển nghề dệt truyền thống, làng Kép còn xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Khách du lịch khi tới làng Kép được ghé thăm nhà rông, khu nhà mồ, thác Công Chúa, thăm ruộng lúa, xem bắt cá… Tối đến, du khách còn được thưởng thức ẩm thực, xem múa xoang và trình diễn cồng chiêng.
Chị H’Uyên Niê, Phó Ban quản lý du lịch cộng đồng làng Kép, Phó Chủ tịch Hội phụ nữ xã Ia Mơ Nông, cho biết: "Chúng tôi tổ chức tour trải nghiệm, thiết kế gói trải nghiệm cho du khách với rất nhiều hoạt động. Những nét đẹp văn hóa, đời sống bà con hằng ngày ra sao thì du khách cũng trải nghiệm như vậy. Ví dụ, chúng tôi tái hiện cảnh giã lúa ngày xưa để du khách giã lúa, sàng gạo, tách hạt, nấu cơm. Tổ chức cuộc thi giã lúa để du khách thi và ai giã lúa nhanh nhất sẽ được nhận quà. Bên cạnh đó, chúng tôi hướng dẫn du khách trải nghiệm cách làm quả bầu đen truyền thống, cách đan lát gùi, rổ, dệt thổ cẩm, trải nghiệm văn hóa cồng chiêng… Hoặc cho du khách trải nghiệm theo mùa, ví dụ mùa thu hoạch café thì cho khách trải nghiệm hái quả café… Tháng 3 có lễ bỏ mả, lễ hội lớn nhất của người Tây Nguyên thì du khách trải nghiệm lễ bỏ mả. Những mô hình đó hấp dẫn du khách."
Vườn trồng cây café ở xã Ia Mơ Nông. Ảnh: Ngọc Anh/VOV5 |
Già làng, thiếu nữ, trẻ em sẵn sàng mặc trang phục dân tộc truyền thống cho du khách quay phim, chụp ảnh lưu niệm. Ngày càng có nhiều đoàn du khách trong nước và quốc tế đến tham quan trải nghiệm du lịch cộng đồng ở làng.
Anh Pranav Seth, du khách, nhiếp ảnh gia người Ấn Độ, bày tỏ: "Thông qua hội nhiếp ảnh Gia Lai, tôi biết đến vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc nơi đây nên đã đến đây để trải nghiệm và chụp lại những khoảnh khắc đời sống thường nhật của bà con. Tôi cảm nhận được vẻ đẹp, sự thân thiện, mến khách của người dân nơi đây. Khi về nước, tôi sẽ quảng bá văn hóa, con người Việt Nam."
Sau một thời gian dài tưởng như đã đi vào quên lãng, giờ đây, nghề dệt thổ cẩm của làng Kép đã hồi sinh, từng bước khởi sắc. Kể từ khi phát triển nghề dệt truyền thống kết hợp với du lịch cộng đồng, diện mạo làng Kép đã đổi thay, đời sống của người dân địa phương ngày càng cải thiện, đi lên