(VOV5) - Làng Đa Sỹ nằm trong vùng đất địa linh nhân kiệt nơi có nhiều danh nhân có công lao trong lịch sử. Làng Đa Sỹ còn được biết tới là một trong những làng nghề rèn nổi tiếng và lâu đời tại đồng bằng Bắc Bộ.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Sử sách ghi lại làng còn có các tên gọi là làng Sẽ, Đan Khê, Huyền Khê, Đan Sỹ. Từ giữa thế kỷ thứ 18 làng có tên là làng Đa Sỹ.Nghề rèn ở Đa Sỹ có từ thời Hùng Vương thứ 18. Khi đó, người dân trong làng rèn các vũ khí thô sơ như giáo mác, đao, kiếm cung cấp cho các lạc hầu, lạc tướng, giữ yên bờ cõi và rèn các nông cụ phục vụ lao động sản xuất. Phải tới thời nhà Trần, đầu thế kỷ thứ 13, Đa Sỹ mới chính thức trở thành làng rèn chuyên nghiệp khi hai cụ Nguyễn Thuật và Nguyễn Thuần từ Thanh Hóa ra đây truyền dạy cho dân làng bí quyết nghề rèn.
Cổng làng Đa Sỹ |
Làng rèn Đa Sỹ giờ đây đã lên phường, thuộc phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội, diện mạo có phần đổi khác, nhưng vẫn mang dáng dấp của một làng nghề xưa. Lớp thợ tay nghề “vàng” của làng đã mất, nhưng lớp thợ mới vẫn gìn giữ bảo tồn nghề truyền thống của làng.
Nghệ nhân Đinh Công Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề làng Đa Sĩ, cho biết: “Nghề rèn bây giờ là nghề chính trong mỗi gia đình. Khoảng 80% số hộ hiện nay đang tham gia nghề rèn truyền thống của làng. Mỗi thợ, hộ gia đình đều có bí quyết riêng. Phần lớn dân trong làng phân bổ mỗi người làm chuyên về một loại mặt hàng. Làm hàng đa dạng thì gọi là thợ hàng ngang, tức là thợ tay nghề giỏi, làm được tất cả những gì mà khách đặt theo yêu cầu. Thợ giỏi trong làng có khoảng 20 người.”
Nghệ nhân Đinh Công Đoán |
Sản phẩm rèn của làng Đa Sỹ phong phú về chủng loại, kiểu dáng,nổi tiếng bởi độ bền, sắc, cứng hơn bất cứ sản phẩm nào trong vùng đồng bằng Bắc Bộ. Chính vì thế mà sản phẩm của làng rèn Đa Sỹ không chỉ trong Nam ngoài Bắc biết tới mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Trước đây có một thời 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia thuộc khu vực Đông Dương là nơi tiêu thụ hàng của làng Đa Sĩ. Dao, kéo của Đa Sỹ còn sang tận cả Đức, Pháp, Mỹ. Sản phẩm của làng rèn Đa Sĩ rất bền bởi kỹ thuật tôi thép điêu luyện của người làng Đa Sỹ. Người dân nơi đây vẫn tự hào bởi khả năng tạo ra những con dao “chặt được cả sắt”.
Ông Nguyễn Hồng Phấn trò chuyện với phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam |
Ông Nguyễn Hồng Phấn, một thợ giỏi trong làng, gia đình đã có 5 đời làm nghề rèn, cho biết: “Đặc sắc của làng Đa Sĩ là kỹ thuật tôi thép và kỹ thuật làm lưỡi dao. Đó là một bí quyết mà có dạy cũng không làm được. Làm lưỡi dao mà cả ngàn sản phẩm đều như nhau cả ngàn. Lưỡi dao làm mỏng như giấy, không hề cong vênh. Công đoạn làm ra sản phẩm tốt và bền là do khâu tôi thép. Đã là thép mà đã tôi mà tôi đúng cách thì tốt, rắn, bền, sắc lắm. Kinh nghiệm tôi thép không có trong sách vở nào dạy mà đều được lưu truyền nhờ kinh nghiệm của các bậc tiền bối. Thời gian tôi thép chỉ được tính bằng giây, thậm chí 1/10 giây. Có những loại thép phải tôi qua nước, qua gió, qua dầu hoặc tôi bằng thân cây chuối. Tôi thép bằng gió để thép tốt là khi thép chuyển sang màu cánh chả là tốt nhất tức là màu bóng và xanh biếc.”
Về làng Đa Sỹ, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước hình ảnh từ người già đến trẻ, cả nam lẫn nữ đều có thể thực hiện các công đoạn của nghề rèn, một nghề lao động nặng nhọc. Tiếng búa đập, tiếng máy hàn xen lẫn tiếng trò chuyện của những người thợ xua tan nỗi vất vả của nghề. Theo xu thế phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hiện nay nhiều cơ sở sản xuất trong làng đã đầu tư nhập máy móc nhằm giảm bớt sức người và tăng năng suất lao động. Quá trình sản xuất kinh doanh ngành nghề rèn của làng cũng đã được thành phố Hà Nội quy hoạch để bảo tồn và phát huy nghề truyền thống. Nghệ nhân Đinh Công Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề làng Đa Sỹ, cho biết: “Chúng tôi vừa xây dựng điểm công nghiệp làng nghề cho người dân. Dự án điểm công nghiệp làng nghề Đa Sỹ rộng 13,2 ha. Chúng tôi đang tiến hành rà soát các hộ dân sản xuất đưa ra đó. Dự án giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khu vực dân cư và người dân có điều kiện để phát triển khoa học kỹ thuật. Hàng năm chúng tôi cũng mở lớp nâng cao tay nghề cho người dân.”
Làng rèn Đa Sỹ đã được Hiệp hội làng nghề Việt Nam công nhận là một trong những làng nghề tiêu biểu của Việt Nam. Người dân làng Đa Sỹ vẫn hàng ngày hăng say với nghề truyền thống của ông cha truyền lại. Và cứ vào ngày 27 tháng 3 và 25 tháng 8 âm lịch hàng năm, ngày mất của hai cụ tổ nghề Nguyễn Thuật và Nguyễn Thuần, người dân làng Đa Sỹ lại tổ chức lễ giỗ hai cụ trang nghiêm, tưởng nhớ những người có công khai nghiệp cho dân làng có được cuộc sống thanh bình, ấm no.