Hậu Giang phấn đấu có 70% hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

(VOV5)- Hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và nhân rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu, đó là mục tiêu mà Hội nông dân tỉnh Hậu Giang đề ra. Tỉnh Hậu Giang phấn đấu đến năm 2020, có 70% hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, có mức thu nhập 100 triệu đồng/ha/ năm trở lên.  

Nghe âm thanh bài viết tại đây:



Thời gian qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh Hậu Giang tiếp tục tăng trưởng về quy mô và chất lượng. Toàn tỉnh có 50.200 hộ nông dân đạt doanh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, chiếm 37%  tổng số hộ sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Hậu Giang phấn đấu có 70% hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi - ảnh 1
Mô hình tưới phun mưa cho vườn cam sành của hộ ông Trần Văn Trề, ở ấp Ba Ngàn, xã Đại Thành, thị xã Ngãy Bảy, Hậu Giang - Ảnh: Phùng Văn Dũng/Báo Nhân Dân


Để có được thành quả này, những năm gần đây, tỉnh Hậu Giang đẩy mạnh việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng vật nuôi nhằm giảm nhẹ những tác động do thiên tai, Hội nông dân tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân phát huy thế mạnh của từng vùng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tập trung sản xuất kinh doanh theo hướng phát triển hiệu quả, bền vững.


Với sự chỉ đạo chuyển hướng đó, nhiều năm nay, nông dân xã Hòa Mỹ huyện Phụng Hiệp đã chuyển sang trồng mía thay vì trồng lúa. Vụ mía năm nay được mùa, giá mía được thu mua khá cao. Bà Nguyễn Thị Bảy ở ấp Long Trường phấn khởi cho biết: vừa qua, thương lái đã đặt cọc để mua gần 1ha mía của gia đình bà với mức giá thu mua là 1.100 đồng/kg. Mức giá thu mua mía vụ này được xem là cao nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây: "Năm nay mía trúng, bán được giá cao cũng thấy phấn khởi lắm dữ lắm. Lái  đã vô mua bỏ cọc rồi, hẹn vài ngày nữa sẽ đốn"


Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh phát triển mạnh ở Hậu Giang từng bước hình thành vùng sản xuất nguyên liệu hàng hóa lớn với năng suất, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao. Qua đó đã tạo ra giá trị sản phẩm nông nghiệp to lớn, giải quyết công ăn việc làm đáng kể cho người lao động và xóa đói giảm nghèo ở nông thôn.  Ông Châu Minh Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang, cho biết:
"Việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ sản xuất, cơ cấu cây trồng vật nuôi cho phù hợp, định hướng một số cây trồng, vật nuôi cho thích ứng với độ mặn cũng là một yếu tố quan trọng . Vừa qua, chúng tôi cũng đã phối hợp với trường Đại Học Cần Thơ, rồi Trung ương Hội nông dân Việt Nam tổ chức một số lớp tập huấn cho nông dân để họ nắm bắt, hiểu được thông tin để họ ứng dụng vào sản xuất của mình. Làm sao hạn, mặn mà vẫn đạt được hiệu quả kinh tế, trong điều kiện khó khăn mà vẫn sản xuất kinh doanh giỏi."


Do tác động của quá trình biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới năng suất lúa, nhiều hộ nông dân trong tỉnh Hậu Giang còn chuyển sang phát triển nuôi trồng thủy sản.. Hiện nay, diện tích nuôi  thủy sản đã phát triển 10.700 ha, sản lượng đạt 74.400 tấn, tăng 56% so năm 2010, trong đó sản lượng thủy sản nuôi tăng  17,2%/năm.  Đã có nhiều mô hình nuôi thủy sản an toàn, chất lượng theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) ở các vùng nuôi tập trung như cá tra ở Châu Thành, thị xã Ngã Bảy, cá đồng ở Vị Thủy, Long Mỹ. Các loài thủy sản của Hậu Giang đã được đăng ký nhãn hiệu và được thị trường cả nước biết đến như cá thát lát Hậu Giang, Cá rô Hậu Giang.... Ở nhiều địa phương cũng xuất hiện ngày càng nhiều mô hình nuôi các loài thủy đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi như: mô hình nuôi ba ba, cua đinh, nuôi lươn trong bể...


Trong giai đoạn 2016-2020,  Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, các mô hình làm ăn có hiệu quả, thích nghi với tình hình hạn, mặn đang diễn ra gay gắt hàng năm. Phấn đấu đến năm 2020 Hậu Giang sẽ có 70% hộ nông dân trong tỉnh đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi .
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác