(VOV5) - Làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội có nghề làm diều truyền thống hơn nghìn năm nay.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Điều đặc biệt là dân làng làm diều không phải để bán, mưu sinh bằng nghề này mà họ làm diều chỉ để thỏa mãn thú chơi diều và mang diều đi giao lưu ở các lễ hội diều ở trong nước và quốc tế.
Ở làng Bá Dương Nội ai cũng biết chơi diều, ai cũng có thể tự làm diều cho mình. Mỗi cánh diều dường như đã đi vào tuổi thơ của biết bao con người nơi đây.
Cổng làng Bá Dương Nội. |
Khác với các nơi khác, diều làng Bá Dương Nội được làm khá kỳ công. Do điều kiện khí hậu thời tiết ở đây ít gió, nên các diều của làng Bá Dương Nội làm mỏng và rất nhẹ để dễ bay. Diều được làm bằng tre, nhưng không phải giống tre nào cũng làm được, mà phải chọn loại tre già, tre gai mọc ở vùng đồng bằng. Thời điểm chặt tre cũng quan trọng, tre phải chặt vào mùa Đông, giãi khô rồi gác trên gác bếp cho đanh lại, để khi làm diều mới có bộ khung diều cứng, dẻo, bền và không nặng. Cánh diều xưa kia được dán giấy dó nay thay bằng một loại vải mềm, bền và chắc để khi diều lúc no gió bay lên cao không bị bục.
Các diều dự lễ hội làng Bá Dương Nội |
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Kiêm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thả diều truyền thống xã Hồng Hà, cho biết:“Diều làng Bá Dương Nội là diều truyền thống không có đuôi và tất cả đều là diều sáo. Ở đây có 3 loại cánh diều đặc biệt. Diều cánh muỗm, cánh diều dài to, nhọn, hơi cong. Loại diều này có đặc tính đèo được nhiều sáo, dễ lên cao. Diều cánh chanh có cánh bầu hình như lá chanh, loại này bay cao hơn diều cánh muỗm. Loại thứ ba là diều cánh mộc, tức là cánh rộng, đầu cánh tròn, diều này đèo ít sao nhưng lại bay rất cao, nhưng điều khiển diều rất khó. Vì thế, hiện nay đa số làm diều cánh chanh, đơn giản hơn và cũng bay được cao.”
Đợi thả diều |
Theo các cụ cao niên trong làng Bá Dương Nội làm diều đã khó, làm sáo diều còn khó hơn rất nhiều. Hiện nay, trên thế giới không có nước nào có diều sáo như ở Việt Nam. Trước đây, các cụ hay chơi sáo 1, sao đôi, ngày nay người ta chơi nhiều sáo có khi tới sáo 7, sáo 12.
Tuy nhiên, kinh nghiệm các cụ để lại là sáo đôi vẫn kêu hay nhất. Anh Nguyễn Văn Đông, làng Bá Dương Nội, cho biết: “Làm sáo phải chọn tre già, gác gác bếp. Mặt sáo thường làm bằng gỗ vàng tâm, gỗ dổi hoặc gỗ mít. Nhóm gỗ đó nhẹ, mềm dễ làm và thớ gỗ không bị sứt nẻ, co ngót. Gỗ không tốt mà co ngót thì để lâu năm sáo bị lệch tiếng. Một bộ sáo kêu hay là phải kêu rõ tiếng, kêu trong, vang và hồi nhịp, cảm giác như tạo ra một bản giao hưởng trên không, du dương, trầm bổng. Làng Bá Dương Nội thường chơi bộ sáo chiêng tức là sao to kêu như tiếng cồng, tiếng chiêng.”
Du khách xem diều |
Đến với làng diều Bá Dương Nội, người ta không chỉ được biết về cách làm diều mà còn được biết tới một lễ hội thả diều lớn nhất miền Bắc Việt Nam. Lễ hội thả diều làng Bá Dương Nội được tổ chức vào Rằm tháng Ba âm lịch hàng năm.Người ta thả diều để cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bệnh tật tiêu tan. Nếu diều càng lên cao, tiếng sáo kêu càng hay thì năm đó dân làng càng có cuộc sống sung túc, hạnh phúc.
Ông Phan Văn Hà, Trưởng Ban quản lý di tích làng Bá Dương Nội, Trưởng Ban tổ chức lễ hội diều làng Bá Dương Nội, cho biết: “Hàng năm thường có từ 70 đến 80 cánh diều tham dự lễ hội thả diều làng Bá Dương Nội. Buổi sáng làng làm lễ tế cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, buổi chiều là thi thả diều. Tiêu chí chấm diều có 3 tiêu chí, độ cao, độ đứng và tiếng sáo. Những năm có gió tốt diều cao lấp mây từ 800 đến 1000 m, phải chờ mây bay qua mới chấm điểm được. Trong lễ hội thả diều còn có trò chơi cờ tướng, chọi gà.”
Người dân làng Bá Dương Nội tự hào vì đã nhiều lần được mời tham dự Festival diều ở nhiều nước trên thế giới như Pháp, Thái Lan, Singapores, Malaysia… Đối với người dân ở làng Bá Dương Nội, từ lâu thú chơi diều đã đi vào trong tâm thức của họ. Cứ thế, đời này tới đời khác, con, cháu trong làng cùng nhau gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của quê hương.