Làng gốm Thanh Hà

(VOV5) - Đã nhiều thế kỷ đi qua với bao biến động của lịch sử, làng gốm Thanh Hà vẫn yên bình bên dòng sông Thu Bồn, người thợ Thanh Hà vẫn ngày ngày lặng lẽ tạo ra những sản phẩm gốm bằng những phương thức truyền thống. 

Làng gốm Thanh Hà - ảnh 1

Những sản phẩm gốm được trưng bày ngay tại gia đình trong làng gốm (Ảnh: Lan Anh/VOV5)

Nép mình bên sông Thu Bồn, cách Hội An khoảng 3km về phía Tây, vẻ đẹp mộc mạc, giản dị của làng gốm Thanh Hà thuộc phường Thanh Hà tạo nên nét duyên riêng cho phố Hội và con người xứ Quảng. Nghề gốm xuất hiện ở Thanh Hà từ thế kỷ 15. Từ lâu, khi đến với Hội An, du khách trong và ngoài nước, hoặc những người mê gốm sứ vẫn thường ghé qua nơi đây.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Ấn tượng đầu tiên khi bước chân vào làng gốm Thanh Hà là những con đường được lát gạch nung, những ngôi nhà lợp ngói do chính những người thợ gốm nơi đây làm ra. Những cửa hàng gốm san sát, trưng bày đủ các sản phẩm gốm đặc trưng của Thanh Hà từ những đồ gốm Mỹ Nghệ cho tới những sản phẩm thông dụng dùng để sinh hoạt hàng ngày. Làng gốm Thanh Hà lúc nào cũng nhộn nhịp du khách đến tham quan và khám phá nghề gốm.

Làng gốm Thanh Hà - ảnh 2

Một trong những ngõ nhỏ ở làng gốm Thanh Hà (Ảnh: Lan Anh/VOV5) 

Nếu sản phẩm gốm của Thổ Hà, Bắc Giang được làm từ đất sét xanh, gốm Bát Tràng ở Hà Nội làm bằng đất sét trắng, gốm của Phù Lãng, tỉnh Bắc Ninh được làm từ đất sét vàng nâu thì gốm Thanh Hà được lấy từ đất sét nâu dọc sông thu Bồn có độ dẻo và kết dính cao. 

Làng gốm Thanh Hà - ảnh 3

Làm gốm bằng bàn xoay (Ảnh: Lan Anh/VOV5)

Đất lấy về, người thợ Thanh Hà phải trộn, xéo, nề, ủ đất cho đến khi đất nhuyễn mịn như bột bánh mới được. Một khối đất trước khi đưa lên bàn xoay phải trộn, xéo, nề nhiều lần mới nắn thành sản phẩm. Với kỹ thuật đặc thù trong chế biến đất và các thao tác trong cách chuốt, nắn, sản phẩm gốm Thanh Hà có độ bền cao, độ láng đẹp gần như tráng men mặc dù các sản phẩm gốm nơi đây là gốm thô, nung không men.

Làng gốm Thanh Hà - ảnh 4

Công đoạn nhào đất đòi hỏi công sức của người làm nghề (Ảnh: Lan Anh/VOV5)

Điều đáng chú ý gốm Thanh Hà nhẹ hơn các sản phẩm cùng loại ở các địa phương khác và được người tiêu dùng ưa chuộng. Chị Nguyễn Thị Bích Tuyến, Cơ sở sản xuất gốm Lê Đức Tuấn, làng gốm Thanh Hà cho hay: "Để làm ra một sản phẩm gốm du to hay nhỏ thì khâu quan trọng và mất nhiều thời gian nhất vẫn là công đoạn chế biến đất. Đổ một xe đất, phải có một người để dầm đất, họ lấy nước xịt vào, ủ đất một ngày. Qua ngày hôm sau họ dùng cái dụng cụ để tỉa nhỏ ra, dùng sức đập, lấy nề chia ra rồi đập qua đập lại cho đất nó mịn thì mình mới dùng được. Cũng phải mất 2 - 3 ngày. Còn đất này thì phải hơi ngâm, chọn nước, chọn đất ngâm cho mềm, để trong cái phi, rồi để cho cái máy đánh đất đánh loãng ra, rồi cho qua lưới lọc hết sỏi ra. Cái khung rất mảnh nên chỉ cần một viên sỏi là làm hỏng sản phẩm nên phải lọc cho đất mịn".

Làng gốm Thanh Hà - ảnh 5

Mọi người ở làng gốm, ai cũng quen với công việc này (Ảnh: Lan Anh/VOV5)

Làng gốm Thanh Hà  ngày nay vẫn áp dụng phương thức sản xuất gốm truyền thống như dùng chân đạp bàn xoay tạo lực chuốt hay vuốt đất để tạo dáng sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Ngự, một thợ gốm cao niên trong làng, cho biết: "Người làng gốm Thanh Hà hầu như ai cũng biết làm nghề nhưng để làm thuần thục thì đòi hỏi phải học rất lâu. Ông bà mình làm, lúc nhỏ thì mình ngó theo rồi thuộc lòng. Khi trưởng thành muốn làm thì mình có học qua những kỹ thuật, phải qua huấn luyện, có người chỉ dẫn mới làm được. Ngày trước làm đạp chân, bây giờ cũng đạp chân. Máy chỉ để làm xưởng nguội thôi, nặn thì dùng máy không được. Máy làm chỉ có 1 mức, mà muốn làm chậm lại 1 tí thì khó. Người đứng đẩy, còn người dưới nặn, cần phải phối hợp với nhau. Họ chuốt, họ kéo làm sao để cho người ở dưới dễ nặn".

Làng gốm Thanh Hà - ảnh 6

Đổ khuôn cũng là một công đoạn đòi hỏi sức khỏe. (Ảnh: Lan Anh/VOV5)

Sản phẩm sau khi được người thợ tạo hình xong, để cho se lại, sờ tay vào không thấy dính thì mang ra ngoài nắng phơi cho khô mới nung. Lò nung được xếp thật khéo để các sản phẩm vừa đảm bảo không bị chèn ép vừa tiết kiệm diện tích. Tùy vào sản phẩm mà người thợ có thể nung từ một đến ba ngày. Ông Nguyễn Văn Ngự cho biết: "Một lò này cho được chừng 500 cái, trong vòng 15 tiếng. Độ lửa phải đều. Muốn sản phẩm đẹp mình phải chỉnh cho đúng mức độ. 1000 độ phải để đúng 1000 độ, chứ 800 độ thì sản phẩm ko được đẹp. Mình làm nhiều thì mình nhìn cái lửa trên cùng, khi nó lên tới mặt thì là đúng 1000 độ. Nung từ sáng tới giờ chưa đc nửa đường. Đúng 15 tiếng lửa mới lên tới trên".

Làng gốm Thanh Hà - ảnh 7

Sản phẩm được hong khô (Ảnh: Lan Anh/VOV5)

Qua đôi tay khéo léo của người thợ thủ công, những sản phẩm bằng đất nung như bình vôi, ấm, chum, vại và những con vật gần gũi thân thương hàng ngày như con trâu, con gà, con heo...trở nên sống động vô cùng. Người thợ thủ công làm gốm không chỉ nặn đất, chuốt gốm mà còn gửi trọn tình yêu nghề và cả tâm hồn của mình vào tác phẩm. Họ là người “thổi hồn” vào đất để tạo nên những giá trị cuộc sống trong từng vật dụng.

Làng gốm Thanh Hà - ảnh 8

Gốm đã vào lò (Ảnh: Lan Anh/VOV5)

Lê Thị Hiền Trân, một trong những thợ trẻ của làng gốm, chia sẻ: "Chúng tôi tạo ra những sản phẩm bắt mắt, nhiều ý tưởng trên đất nên cũng rất tự hào về nghề của mình. Tôi làm nhiều thứ. Ngoài tò he tôi còn nặn những con vật trong hoạt hình nữa. Mẹ tôi chuốt gốm còn tôi thì trang trí sản phẩm. Mình tìm tòi, mày mò suy nghĩ để làm sao có cái bình của mình nó đẹp, con gà của mình nó đẹp, hoa văn tinh tế, bắt mắt khách".

Làng gốm Thanh Hà - ảnh 9

Những sản phẩm gốm được trưng bày ngay tại gia đình trong làng gốm (Ảnh: Lan Anh/VOV5)

Đã nhiều thế kỷ đi qua với bao biến động của lịch sử, làng gốm Thanh Hà vẫn yên bình bên dòng sông Thu Bồn, người thợ Thanh Hà vẫn ngày ngày lặng lẽ tạo ra những sản phẩm gốm bằng những phương thức truyền thống. Cũng từ nơi này, hàng triệu sản phẩm gốm đã theo chân du khách mọi miền đất nước và ra thế giới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác