(VOV5) - Làng lụa Vạn Phúc (nay thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, thủ đô Hà Nội) là một làng nghề dệt lụa tơ tằm có lịch sử phát triển lâu đời. Các sản phẩm tơ lụa của làng Vạn Phúc đã đi vào thơ ca, nhạc họa như một nét đẹp văn hóa làng nghề truyền thống Việt Nam.
Các thư tịch cổ, một số tài liệu và di vật cổ còn lưu giữ cho thấy nghề dệt làng Vạn Phúc ra đời vào khoảng thế kỷ thứ 9. Tương truyền có bà A Lã Thị Nương từng sống ở trang Vạn Bảo (sau đổi thành làng Vạn Phúc) đã có công dạy dân cách trồng dâu, nuôi tằm và dệt lụa. Sau khi mất, bà được dân làng tôn kính và phong làm Thành Hoàng làng. Trong miếu thờ bà ngày nay vẫn còn lưu lại trang lịch sử được viết trên đá, cùng với đó là chiếc khung cửi cổ - chứng tích lịch sử của một làng nghề dệt lụa.
Cổng làng Vạn Phúc nổi bật 2 câu đối “Chấn hưng nghiệp tổ kết tinh hoa/Hòa hợp âm dương sinh bảo vật” |
Trải qua các giai đoạn phát triển, lụa Vạn Phúc đã khẳng định danh tiếng, từng được chọn để may trang phục triều đình và đặc biệt các sản phẩm tơ lụa của làng được ưa chuộng dưới triều nhà Nguyễn (1802 - 1945). Lụa Vạn Phúc được giới thiệu lần đầu ra quốc tế tại hội chợ Marseille (1931) và được người Pháp đánh giá là loại sản phẩm tinh xảo ở Đông Dương. Từ 1990, lụa Vạn Phúc xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới. Ngày nay, làng lụa Vạn Phúc mang dáng vẻ khang trang với những cửa hàng mọc lên san sát, con phố Lụa luôn tấp nập du khách, kẻ mua, người bán, đông vui, nhộn nhịp. Nghệ nhân Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc, cho biết: “Hiện nay làng có 8 nghệ nhân, 164 gia đình sản xuất và kinh doanh với khoảng 100 gian hàng giới thiệu sản phẩm. Chúng tôi đang triển khai dự án phát triển Vạn Phúc thành điểm du lịch làng nghề. Dự án đã được thành phố Hà Nội phê duyệt.”
Địa chỉ uy tín và nổi tiếng nhất ở làng Vạn Phúc là Xưởng dệt lụa tơ tằm của nghệ nhân Triệu Văn Mão. Ông Triệu Văn Mão, một trong những nghệ nhân cuối cùng biết dệt lụa Vân - một loại lụa cổ “chính tông Vạn Phúc” tưởng như đã bị thất truyền được chính ông khôi phục từ những năm 1990. Sau khi ông mất năm 2010, con cháu của ông kế nghiệp và cũng trở thành những nghệ nhân nổi tiếng trong làng.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm, chủ Xưởng dệt lụa Triệu Văn Mão, làng Vạn Phúc, trả lời phỏng vấn phóng viên VOV. |
Con dâu cụ Triệu Văn Mão, Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm, người từng được vinh danh là 1 trong 10 công dân Ưu tú Hà Nội năm 2015, hiện là chủ Xưởng dệt lụa Triệu Văn Mão, kể:"Bố tôi là người tâm huyết và rất yêu nghề. Bố tôi đạt được nhiều giải thưởng cao quý như Tinh hoa Việt Nam. Bố tôi từng làm sản phẩm lụa Vân 1.000 năm Thăng Long để thành phố Hà Nội làm quà tặng dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trên sản phẩm lụa Vân thể hiện đầy đủ ý nghĩa của Thăng Long - Hà Nội. Vân là mây, Thăng Long là Rồng, có Khuê Văn Các là biểu tượng của Hà Nội. Tôi rất tự hào và đó là động lực để cho tôi say mê với nghề.”
Làm nghề lâu năm, người dân làng lụa Vạn Phúc liên kết với nhau như một dây chuyền sản xuất. Trong làng cũng đã hình thành một số doanh nghiệp quy mô, nên các mặt hàng lụa cũng ngày càng phong phú. Để làm nên những sản phẩm tơ lụa đặc sắc, người thợ ở làng lụa Vạn Phúc phải thực hiện một quy trình sản xuất công phu. Lụa Vạn Phúc tinh xảo, độc đáo là nhờ vào đôi bàn tay khéo léo, điêu luyện của người dân Vạn Phúc. Chị Hoàng Diệu Khanh, thợ Xưởng dệt lụa Trịệu Văn Mão, cho biết: "Đầu tiên là người ta cho kén tằm vào xoong đun sôi lên, sau đó lấy đũa khoắng đều rồi lọc cho vào vay. Sau đó guồng tơ ra ống để mắc cửu nối vào khung dệt và dệt. Mỗi người một công đoạn, người dệt, người guồng tơ, người suốt, người thì mắc cửu dệt, dệt xong rồi nhuộm. Bình quân mỗi ngày dệt được 5 đến 6 m vải.."
Thợ đang dệt lụa ở Xưởng dệt lụa Triệu Văn Mão, làng Vạn Phúc. |
Lụa Vạn Phúc là loại lụa được dệt nên từ chất liệu tơ tằm tự nhiên, mang nét mềm mại, mịn óng, tinh tế, đạt đến độ hoàn mỹ. Hoa văn bao giờ cũng trang trí đối xứng, đường nét trang trí không rườm rà, phóng khoáng, dứt khoát. Các sản phẩm của làng lụa Vạn Phúc đa dạng về màu sắc, phong phú về chủng loại và có tiếng là bền và đẹp. Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm cho biết: “Lụa Vân Vạn Phúc cho đến bây giờ vẫn là mặt hàng nổi tiếng của làng nghề Vạn Phúc. Lụa Vân là sản phẩm nghệ thuật, vì làm qua nhiều công đoạn, chủ yếu là làm thủ công. Lụa Vân có đặc điểm trông rất trong nhưng lại không già, không nhăn, rất thưa nhưng lại không bị mỏng. Mảnh vải lụa giơ lên trông như chiếc quạt giấy mà người ta trông thấy hàng vạn lỗ nhỏ nhưng không bao giờ bị rách. Đấy là điểm đặc biệt. Có nhiều nơi làm lụa tìm đến Vạn Phúc để tìm hiểu làm lụa Vân nhưng không thể làm được. Cho đến bây giờ chỉ có làng Vạn Phúc mới dệt được lụa Vân.”
Với thương hiệu nổi tiếng, trải qua biết bao thế hệ, làng lụa Vạn Phúc luôn giữ được nghệ thuật truyền thống. Làng dệt lụa Vạn Phúc xứng đáng là làng nghề đã có lịch sử gần 1.200 năm, là một trong những làng nghề truyền nổi tiếng nhất Việt Nam.