Lễ hội Tịch Điền – Khuyến khích phát triển nông nghiệp

(VOV5) - Lễ hội Tịch Điền, tổ chức tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, là một trong số các lễ hội gắn liền với cây lúa và khuyến khích phát triển nông nghiệp của dân tộc Việt Nam. Phóng viên Đài Tiếng nói VN giới thiệu ý nghĩa của Lễ hội Tịch Điền trong công cuộc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam hiện nay.



Lễ hội Tịch Điền – Khuyến khích phát triển nông nghiệp - ảnh 1

Bấm để nghe âm thanh:




Lễ hội Tịch Điền diễn ra vào mùng 7 tháng Giêng hằng năm. Theo “Việt sử lược”, vào năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (năm 987) vua Lê Đại Hành đã về chân núi Đọi làm Lễ Tịch điền (cày ruộng) đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, mở ra một trang sử mới cho Nền văn minh nông nghiệp lúa nước và mở đầu cho phong tục tốt đẹp để các triều đại sau noi theo. Đầu Xuân, nhà vua đến tế lễ cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt và đích thân xuống đồng cày ruộng, mở đầu cho niên vụ mới. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, lễ hội Tịch điền trở thành một mỹ tục được các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn thực hiện một cách thành kính, trang trọng.


Điểm nhấn trong lễ hội chính là việc tái hiện lại hình ảnh vua Lê Đại Hành đi những đường cày đầu tiên trong mùa xuân mới. Vua xuống đồng khai xuân bằng đường cày nhằm thể hiện sự đồng cam cộng khổ, cảm thông và chia sẻ khó khăn cực nhọc với người dân, khuyến khích nhân dân lao động để mọi người ấm no, đất nước thanh bình… Chính vì thế, khi tái hiện hình ảnh này, Ban tổ chức Lễ hội cũng phải tìm ra người phù hợp để đóng vai vua. Ông Trần Đình Tiến, Trưởng phòng Văn hóa thông tin, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, cho biết:
 “Đối với những người đóng thế Vua chúng tôi phải chọn những người có nét uy nghi, khoan thai, có phong thái của một vị Vua. Những Cụ đóng thế Vua phải có nhiều công lao đóng góp, giữ được mối quan hệ tốt với nhân dân trong thôn, trong xã và là người sản xuất giỏi…”



Ngày nay, Lễ hội Tịch Điền còn mang một ý nghĩa to lớn hơn. Lễ hội không chỉ tái hiện hình ảnh đất nước thanh bình, mùa màng bội thu, mà còn đề cao người nông dân, coi trọng nghề nông, quan tâm phát triển nông nghiệp, đặc biệt là việc xây dựng Nông Thôn mới… Ông Trần Xuân Lộc, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Hà Nam, cho biết Xã Đọi Sơn được tỉnh Hà Nam chọn là xã điểm xây dựng mô hình nông thôn mới. Qua 3 năm thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới, từ xuất phát điểm chỉ có 6/19 tiêu chí đạt chuẩn so với bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, đến nay Đọi Sơn đã đạt được 12/19 tiêu chí, còn lại 7 tiêu chí đạt trên 50%. Bộ mặt nông thôn của xã đã và đang tiếp tục ngày một khởi sắc; hệ thống điện, đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, trường học, y tế được xây mới…


Những năm gần đây, Lễ hội Tịch Điền luôn hướng người dân trong xã Đọi Sơn nói riêng và người dân tỉnh Hà Nam nói chung vào việc xây dựng Nông Thôn mới. Ông Trần Xuân Lộc cho biết:
 “Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn đã thực sự trở thành điểm nhấn văn hóa đầu năm đi vào tâm thức của mọi người. Một lễ hội văn hóa có ý nghĩa lịch sử và hiện đại. Nhiều năm qua từ khí thế đầu xuân của lễ hội này nông dân Hà Nam phấn khởi thâm canh, áp dụng khoa học kỹ thuật  phát triển nông nghiệp toàn diện cả về trồng trọt, chăn nuôi. Đặc biệt chương trình Nông thôn mới trở thành phong trào rộng khắp, thu hút mọi lực lượng chung tay xây dựng”.


Lễ hội Tịch Điền ngày nay không chỉ kế thừa nét đẹp truyền thống mà còn giáo dục thế hệ con cháu đời sau tiếp bước cha ông xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. Hình ảnh một cao niên trong làng khoác áo Long bào nhập linh khí quân vương, khoan thai đi đường cày đầu tiên, lật lên những lớp đất nâu, tơi xốp hứa hẹn cho những vụ mùa bội thu và cuộc sống ấm no, hạnh phúc...


Hòa cùng không khí Xuân của đất trời, Lễ hội Tịch điền mang đến một tinh thần mới, một khí thế lao động hăng say mới để nhân dân Hà Nam cùng nhân dân cả nước chung tay xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp hơn; thực hiện thành công phong trào xây dựng Nông thôn mới./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác