Liên kết 3 nhà để xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Ninh Thuận

(VOV5) - Thực hiện chiến lược phát triển nông thôn mới của Chính phủ, nhiều dự án phát triển nông nghiệp vì người nghèo đã được nhân rộng và phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, trong đó có Chương trình Liên kết ba nhà (Nhà nước, Nhà doanh nghiệp và Nhà nông).

Liên kết 3 nhà để xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Ninh Thuận - ảnh 1

Nghe nội dung chi tiết tại đây

Dự án hỗ trợ liên kết ba nhà ở tỉnh Ninh Thuận (khu vực Nam Trung Bộ) do Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (FAD) tài trợ có tổng nguồn vốn hơn 334 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án nhằm cải thiện bền vững chất lượng cuộc sống của hộ gia đình vùng nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại 27 xã thuộc 6 huyện trong tỉnh như: Thuận Nam, Ninh Phước,  Ninh Hải, Bác Ái, Ninh Sơn  và Thuận Bắc. Dự án tập trung đầu tư vào 3 hợp phần: Tăng cường năng lực thể chế để thực hiện chiến lược Liên kết ba nha; Phát triển chuỗi giá trị vì người nghèo; Xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội cấp xã theo định hướng thị trường.

Đến nay, việc phát triển chuỗi giá trị vì người nghèo đã được Ban điều phối dự án hỗ trợ Liên kết ba nhà tại tỉnh Ninh Thuận triển khai kịp thời, góp phần xây dựng các chuỗi giá trị vì người nghèo trong vùng dự án. Từ năm 2012 đến nay, Ban điều phối dự án hỗ trợ Dự án Liên kết ba nhà tỉnh Ninh Thuận phối hợp với các đơn vị liên quan  tổ chức  hơn 100 lớp tập huấn về kiến thức vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, qui trình kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi theo 6 chuỗi giá trị được lựa chọn cho hơn 3000 hộ dân trong vùng dự án.  Bà Bo Thị Liên, dân tộc raglai, ở xã Phước Thái, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, được hỗ trợ từ dự án, cho biết: Trước kia chưa có biết nuôi bò nuôi gì đâu, nó bỏ bệnh, nhờ đi tập huấn mình biết chăm sóc cho bò khỏi bệnh hoạn. Mai mốt tập huấn nhiều hơn nữa để mình chăm sóc bò cho nó có con nhiều hơn nữa.


Thông qua Dự án hỗ trợ Liên kết ba nhà, không những đồng bào dân tộc Raglai, đồng bào chăm Ninh Thuận cũng có điều kiện hưởng lợi từ dự án này, nhất là hộ nghèo và cận nghèo.  Ông Hán Tấn Duy, dân tộc Chăm, Trưởng Ban phát triển xã Phước Thái, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cho biết: Dự án đã đầu tư cho 3 lớp học, trong đó có lớp học mô hình chăn nuôi bò, chăn nuôi heo, dê, cừu. Tôi thấy khi tiếp nhận các lớp học này bà con đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, cho ra các sản phẩm rất thiết thực cho bà con , từ đó giúp bà con làm ăn phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo.

Ban điều phối dự án hỗ trợ Liên kết ba nhà tỉnh Ninh Thuận chú trọng triển khai chặt chẽ, góp phần giúp UBND các  xã  trong vùng tiếp cận phương pháp, lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội có sự tham gia của cộng đồng. Đến nay, 27 xã trong vùng dự án đã cơ bản hoàn thành  việc  xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội  theo định hướng thị trường. Ông Thiên Nhàn, Phó Ban hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cho biết: Thông qua kế hoạch ta cũng nắm được một số nhu cầu của người dân, từ đó các ngành, các cấp  tổng hợp và có điều kiện giúp đỡ, nhất là đối tượng hộ nghèo cận nghèo, người dân tộc thiểu số, phụ nữ. Thông qua kế hoạch đó nói chung các xã triển khai thực hiện các nhu cầu ở địa phương, các sản phẩm nông nghiệp tạo diều kiện điều kiện đầu ra ổn định phục vụ tốt cho cho hộ nghèo, cận nghèo.


Đến nay, dự án đã giải ngân  hơn 16 tỷ đồng đầu tư cho các hoạt động xây dựng tài liệu, sổ tay hướng dẫn  thực hiện dự án, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên trách dự án các cấp. Hiện nay, Ban điều phối dự án hỗ trợ Liên kết ba nha tỉnh Ninh Thuận đang tập trung  đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên trách thực thi dự án ở các  xã  vùng dự án; phối hợp với ngành liên quan trong tỉnh  triển khai xây dựng sổ tay hướng dẫn hỗ trợ tổ hợp tác phát triển nông nghiệp; thành lập các tổ, nhóm cùng sở thích.  Ông Võ Thái Tuấn, Phó giám đốc  Ban điều phối Dự án hỗ trợ Liên kết ba nhà tỉnh Ninh Thuận, cho biết: Dự án Liên kết ba nhà tỉnh Ninh Thuận sẽ tập trung tăng cường công tác tuyên truyền cho cán bộ và nhân dân các xã vùng dự án biết được mục tiêu, nhiệm vụ và hoạt động của dự án để làm sao người dân được biết mình được hỗ trợ gì theo nội dung dự án; việc tập trung thứ hai tăng cường vai trò tham mưu, đề xuất của Ban điều phối dự án, cũng như vai trò điều phối hỗ trợ của các đơn vị chủ trì hợp phần các đơn vị thực thi để triển khai các hoạt động dự án đảm bảo theo tiến độ, mục tiêu của dự án đề ra.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, việc thực hiện dự án hỗ trợ Liên kết Nhà nước-Nhà doanh nghiệp và Nhà nông ở tỉnh Ninh Thuận sẽ được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm và triển khai có hiệu quả. Qua đó góp phần  cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng, khả năng tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật, tài chính đối với các hộ vùng nông thôn, thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn./.

 

Phản hồi

Các tin/bài khác