Mô hình trồng rau an toàn và nuôi ong mật giúp nông dân xóa nghèo ở tỉnh Hà Giang

(VOV5) - Trồng rau sạch đã giúp người dân cải thiện thêm thu nhập, giá thành sản phẩm cao hơn nhiều so với phương thức canh tác cũ.

Huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, đã và đang phát triển mô hình trồng rau an toàn và nuôi ong lấy mật cho người dân trên địa bàn. Với lợi thế về thổ nhưỡng và điều kiện khí hậu, hai mô hình trên đang ngày càng phát triển, giúp đồng bào các dân tộc nơi đây xóa nghèo và làm giàu một cách bền vững.

Mô hình trồng rau an toàn và nuôi ong mật giúp nông dân xóa nghèo ở tỉnh Hà Giang - ảnh 1

Huyện Quản Bạ có trên 3.500 đàn ong, với lợi thế là nơi có nhiều cánh đồng trồng hoa Bạc hà, các loại hoa rừng và cây dược liệu nên nghề nuôi ong rất phát triển - Ảnh: dantocmiennui.vn

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Huyện Quản Bạ có trên 3.500 đàn ong, với lợi thế là nơi có nhiều cánh đồng trồng hoa Bạc hà, các loại hoa rừng và cây dược liệu nên nghề nuôi ong rất phát triển. Nghề nuôi ong ở Quyết Tiến đã có từ lâu nhưng những năm truớc, người dân nuôi với quy mô nhỏ, lẻ, phục vụ nhu cầu gia đình. Vài năm trở lại đây, nghề nuôi ong ngày càng phát triển, mang lại giá trị kinh tế cao cho người nuôi.

Nhận thấy lợi ích từ nuôi ong lấy mật, ông Lê Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Quyết Tiến, đã mạnh dạn đầu tư, phát triển hơn 300 đàn ong. Ông Lê Trung Kiên chia sẻ: Ngoài việc phát triển đàn ong, ông cũng đi nhiều nơi để học hỏi thêm kinh nghiệm và mở nhiều lớp học chia sẻ với bà con địa phuơng.

Hiện tại xã Quyết Tiến nuôi ong và bán 3 loại mật theo các mùa hoa ở địa phương như mật ong Bạc hà, mật ong dược liệu và mật ong hoa rừng. Trong đó, mật ong Bạc hà có chất lượng tốt nhất, mật ngọt mát, mùi thơm đặc trưng, màu xanh hoặc vàng đậm, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Ông Lê Trung Kiên cho biết: Hiện nay, tỉnh Hà Giang đã thành lập Hiệp hội nuôi ong và các Hợp tác xã nên rất thuận lợi cho việc phát triển đàn ong. Tỉnh Hà Giang và huyện Quản Bạ đang giúp xúc tiến, quảng bá sản phẩm mật ong như mật ong bạc hà, mật ong dược liệu. Bà con nông dân cũng tự xúc tiến quảng bá các sản phẩm của mình, tuy nhiên điều chú trọng nhất phải đảm bảo chất luợng, an toàn vệ sinh. Có đuợc sản phẩm tốt thì đấy sẽ là cách quảng bá tốt nhất.

Từ năm 2017, xã Quyết Tiến triển khai mô hình rau an toàn theo chuỗi giá trị an toàn về sinh thực phẩm VietGap. Bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân; tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp. Cuối năm ngoái, với nguồn vốn đối ứng của Nhà nuớc, gia đình anh Lù Dũng Trung, thôn Bó Lách, chuyển đổi 1 héc ta đất vốn chỉ canh tác 1 vụ lúa trước đây chuyển sang trồng rau trong nhà lưới. Trong nhà lưới được trang bị đầy đủ hệ thống tưới nước tự động.

Sau thời gian triển khai, mô hình trồng rau trong nhà lưới đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, giảm thiểu công sức lao động, trong khi đó giá trị kinh tế lại tăng lên. Anh Lù Dũng Trung cho biết: "Giờ đây trồng rau không dùng thuốc bảo vệ thực vật nữa nên rất an toàn. Hiện nay tôi đang thu hoạch bắp cải và triển khai trồng cà chua… Sau khi thu hoạch bắp cải xong sẽ triển khai trồng thêm một số loại rau khác. Thuận lợi là trông trong nhà lưới ra sẽ không có sâu bệnh".

Mô hình trồng rau an toàn và nuôi ong mật giúp nông dân xóa nghèo ở tỉnh Hà Giang - ảnh 2

Mô hình trồng rau sạch ở huyện Quản Bạ bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế - Ảnh: quyhotronongdan.vn

Trồng rau sạch đã giúp người dân cải thiện thêm thu nhập, giá thành sản phẩm cao hơn nhiều so với phương thức canh tác cũ. Anh Hoàng Văn Dũng, Cán bộ phòng Nông nghiệp huyện Quản Bạ, cho biết: Huyện luôn sát sao chỉ đạo cho bà con về thời vụ, cơ cấu cây trồng, thâm canh để tăng năng suất. Đặc biệt, một số vùng chuyên canh, người dân đã đẩy mạnh áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất như trồng rau trong nhà lưới. 

Qua thí điểm tại địa phương, thu nhập rau trong nhà lưới cao hơn trồng lúa và ngô khoảng 4-5 lần. Trong quá trình triển khai, huyện đã tổ chức một đợt tập huấn về rau an toàn, huớng dẫn nguời dân sản xuất theo quy trình VietGap, rồi về cách sử dụng thuốc, phấn bón và cung ứng giống cho các hộ dân. Theo lộ trình của dự án, từ năm đến năm 2020 sẽ triển khai thêm 7 héc ta trồng trong nhà lưới và 50 héc ta rau sạch.

Nhằm giải quyết đầu ra cho rau an toàn, huyện Quản Bạ đã xây dựng một quầy giới thiệu sản phẩm ở thôn Nậm Lương, xã Quyết Tiến. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện đã tham gia sản xuất rau an toàn phục vụ xuất khẩu. Ðể nhân rộng mô hình sản xuất rau an toàn, tiến tới nền nông nghiệp sản xuất sạch, bền vững, huyện Quản Bạ đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người nông dân hiểu lợi ích khi sản xuất nông nghiệp sạch; có chính sách thu hút đầu tư nhằm thúc đẩy áp dụng rộng rãi mô hình rau VietGap, đồng thời hình thành chuỗi hệ thống phân phối thực phẩm an toàn kết nối đến người tiêu dùng.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác