(VOV5) - Sau một thời kỳ trầm lắng, đến nay những làng nghề trồng dâu nuôi tằm ở đây đã hồi sinh phát triển mạnh mẽ nhờ áp dụng kỹ thuật mới, đem lại thu nhập cho hàng nghìn hộ trên địa bàn.
Thiệu Hóa là huyện đồng bằng nằm giữa 2 bên dòng sông Chu và một phần của sông Mã nên đất đai hàng năm luôn được phù sa bồi đắp. Huyện có diện tích đất đai rộng, trong đó có diện tích đất bãi bồi ven sông là loại đất có độ màu mỡ cao rất phù hợp cho trồng trọt nói chung và trồng Dâu cung cấp thức ăn cho việc nuôi Tằm của các hộ trồng Dâu - nuôi Tằm trong địa phương nói riêng.
Thăm vườn dâu ở Thiệu Hóa |
Nghe âm thanh bài viết tại đây
Nghề trồng Dâu - nuôi Tằm có nhiều ưu thế có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao như chi phí đầu tư cho sản xuất thấp, thu hồi vốn đầu tư nhanh, từ 20 đến 25 ngày là hoàn thành một lứa Tằm và cho sản phẩm kén, nguồn thu nhập từ trồng Dâu - nuôi Tằm thường được rãi đều trong gần như cả năm (từ tháng 3 đến tháng 11 hàng năm). Đến nay, toàn huyện có khoảng 1000 hộ nông dân đang tham gia nghề nuôi tằm, hầu hết là các hộ có kinh nghiệm và tâm huyết nên năng suất, hiệu quả kinh tế luôn đạt mức cao. Ngoài ra nghề trồng Dâu - nuôi Tằm còn tận dụng được lao động nhàn rỗi ở mọi lứa tuổi và trình độ cũng như sức khoẻ khác nhau, tiết kiệm và khai thác được kinh phí đầu tư, kinh nghiệm sản xuất cũng như một số nguyên vật liệu sẵn có của các hộ, địa phương, giảm chi phí sản xuất.
Cung đoạn nuôi tằm ở làng ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô |
Trồng Dâu - nuôi Tằm không chỉ cung cấp sợi tơ cho ngành công nghiệp dệt may mà còn cung cấp một số nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến khác như dược phẩm, thời trang, thực phẩm, nguyên liệu cho công nghiệp sản xuất giấy, làm phân bón... vì vậy, đây là một nghề có tiềm năng mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp nông thôn. Việc duy trì, phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm thời gian qua đã được Chính quyền huyện và nhân dân quan tâm nên diện tích trồng dâu trên địa bàn huyện tương đối ổn định tập trung ở một số xã trên địa bàn huyện Ông Lê Thế Ký, cán bộ huyện Thiệu Hóa, cho biết: "Hiện nay chúng tôi đã quy hoạch làng nghề khoảng 29 nghìn m2 và đưa mô hình sản xuất ươm tơ dệt liễu ra khu vực cách xa khu dân cư để đảm bảo an toàn về môi trường cũng như giải quyết khâu lao động việc làm cho nông dân. Nếu duy trì nghề này, hàng năm sẽ giải quyết từ 300-400 lao động và nghề này chiếm thu nhập khoảng 30% thu nhập bình quân của địa phương".
Cung đoạn tằm đã nhả tơ tạo thành kén |
Ông Lê Đình Dũng ở xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa là một trong những hộ làm nghề lâu năm cho biết: những năm gần đây làn nghề đã khởi sắc, đặc biệt từ khi tham gia vào tổ hợp tác Liên minh trồng dâu nuôi tằm, ông Dũng được Hợp tác xã hướng dẫn thay giống dâu mới , nhờ đó đã đạt hiệu quả cao, chất lượng gấp 3 lần so với giống dâu truyền thống: "Những năm gần đây, trồng giống dâu lai mới thì đã đem lại hiệu quả năng suất gấp 3 lần. Trong một tháng1/1 sào với giống dâu cũ chúng tôi chỉ thu được 3 tạ thì nay với giống dâu lai mới, chúng tôi thu được 8-9 tạ".
Theo ông Dũng, nhìn chung việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăm sóc, hái, đốn Dâu và đưa thêm giống mới vào sản xuất nên hàng năm năng suất dâu qua các năm cũng tăng lên đáng kể. Hiện nay, trên địa bàn huyện Thiệu Hóa có khoảng hơn 2.500 hộ gia đình và cơ sở sản xuất nghề truyền thống, tạo việc làm cho khoảng gần 6.200 lao động, thu nhập bình quân mỗi lao động ước đạt 32 triệu đồng/năm, giá trị sản xuất ước đạt 211 tỷ đồng/năm. Để phát triển các nghề truyền thống của địa phương, huyện Thiệu Hóa đã quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình phát triển và xây dựng thương hiệu để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Sản phẩm tơ Hồng Đô của xã Thiệu Đô đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu. UBND huyện cũng đã mời các giáo sư hàng đầu chuyên ngành dâu tằm - Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương hướng dẫn và giảng dạy kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm cho bà con nông dân trong huyện để nâng cao kiến thức, khả năng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong nghề trồng dâu nuôi tằm.
Với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, đến nay nghề truyền thống trồng dâu, ươm tơ dệt liễu ở Thiệu Hóa không chỉ được hồi sinh mà còn là nghề có thế mạnh, phát triển ổn định, mang lại giá trị kinh tế và thu nhập cho người dân.