Ngư dân làng Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận, vươn khơi bám biển

(VOV5) - Lượng tàu cá xã Cà Ná tham gia khai thác đánh bắt cá trên biển chiếm khoảng 80% tàu cá toàn tỉnh Ninh Thuận.
Nghe âm thanh bài tại đây:

Làng Cà Ná thuộc xã Cà Ná, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Địa danh Cà Ná có lịch sử hình thành và phát triển được hơn 200 năm. Theo tiếng Chăm, Cà Ná có nghĩa là “đá ngầm”. Đặt tên như vậy vì vùng đất này núi nhô ra sát biển và vùng biển lại có nhiều đá ngầm. Lập làng ở vùng đất khô cằn nhưng nhờ nghề đánh cá, Cà Ná giờ đây trở thành làng biển giàu có ở tỉnh Ninh Thuận. 

Ngư dân làng Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận, vươn khơi bám biển - ảnh 1Biển Cà Ná. Ảnh: Ngọc Anh

Người dân làng Cá Ná sinh sống chủ yếu dựa vào nguồn đánh bắt, nuôi trồng, chế biến hải sản và dịch vụ du lịch. Lượng tàu cá xã Cà Ná tham gia khai thác đánh bắt cá trên biển chiếm khoảng 80% tàu cá toàn tỉnh Ninh Thuận. Ngư dân địa phương hợp tác khai thác trên biển theo mô hình tổ, đội đoàn kết. Các chủ tàu phân công tàu vận chuyển hải sản về đất liền, tàu chở nhiêu liệu, tàu chở mặt hàng thiết yếu cung cấp cho các tàu đang bám biển khai thác. Từ đó tăng hiệu quả khai thác, tiết kiệm chi phí đánh bắt, ổn định sản xuất.

Ông Trịnh Kim Ánh, ngư dân xã Cà Ná, cho biết: "Mùa đánh cá chính từ tháng 6 đến tháng 9. Cá có đủ loại từ cá cơm, cá nục đến cá ngừ…. Một tàu đánh cá thường có 15 đến 17 người. Tàu nào nhỏ nhất cũng 12 người. Tàu đi xa hơn 100 hải lý theo luồng cá mà đánh bắt rất hiệu quả. Đi đánh cá phải đi theo tổ từ 5, 7 đến 10 tàu chứ không đi lẻ được. Tàu nào bé cũng 5 đến 10 tấn cá. Còn tàu to từ 10 tấn đến 30 tấn cá. Mùa cá tốt thì mỗi chủ tàu kiếm 3 -5 tỷ đồng tiền lãi, thấp nhất cũng lãi 500 triệu đồng."

Ngư dân làng Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận, vươn khơi bám biển - ảnh 2Tàu thuyền đánh cá ở cảng cá Cà Ná. Ảnh: Ngọc Anh

Hiện nay, xã Cà Ná có 2 cảng cá là cảng cá cũ và cảng cá mới. Hệ thống cảng biển được xây dựng hiện đại, đủ chỗ cho 1.200 tàu thuyền neo đậu, đưa Cà Ná trở thành điểm đến của ngư dân khu vực Nam Trung Bộ. Ông Nguyễn Thanh Xuân, tổ trưởng tổ ngư dân khai thác ven biển xã Cà Ná, cho biết: "Cảng cá Cà Ná cũ xây dựng được khoảng 20 năm. Tàu thuyền 2 địa phương, xã Cà Ná và xã Phước Diêm ra vào rất nhiều cho nên Nhà nước đầu tư xây dựng thêm cảng cá mở rộng. Ngư dân tiêu thụ sản phẩm đạt hiệu quả hơn, giúp cho ngư dân thuận tiện đánh bắt hải sản. Năm vừa rồi, nhà nước hút bùn đất, mở rộng thêm luồng lạch Cảng cá Cà Ná, phục vụ cả tàu cá tỉnh Bình Định, tỉnh Khánh Hòa."

Cùng với việc mở rộng thêm cầu cảng, tỉnh Ninh Thuận còn mở rộng khu neo đậu tránh trú bão cho bà con ngư dân ở khu vực Cảng Cà Ná. Chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ngư dân tham gia khai thác vùng biển xa bờ, vừa khai thác ngư trường kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Ông Nguyễn Duy Lân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cà Ná, cho biết: "Chính quyền địa phương tuyên truyền vận động bà con ngư dân duy trì bám biển thường xuyên. Các ngành các cấp hỗ trợ tìm kiếm ngư trường, thời điểm nào có cá thì thông tin cho các chủ phương tiện tàu thuyền để cắt giảm chi phí tìm kiếm nguồn thủy sản, thông tin nhanh, kịp thời cho ngư dân chủ động đánh bắt thủy sản. Hằng năm, chính quyền phát cờ Tổ quốc cho bà con treo trên tàu thuyền để bảo đảm chủ quyền khi bà con đánh bắt xa bờ. Song song với khai thác hải sản, bà con ngư dân có nghề làm nước mắm. Hiện nay, trên địa bàn xã có hơn 60 cơ sở làm nước mắm. Nước mắm cá cơm Cà Ná có hương vị, thương hiệu riêng, bán toàn quốc. Cà Ná có 1 cơ sở nước mắm Quang Minh đã đạt tiêu chuẩn 3 sao của Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP)."

Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền, ngư dân cũng nhận được sự hỗ trợ đảm bảo an ninh, an toàn của các các cán bộ, chiến sĩ biên phòng khi đi đánh bắt xa bờ nên yên tâm bám biển khai thác hải sản. Đại úy Phan Minh Hiếu, Trạm trưởng trạm kiểm soát biên phòng Cà Ná, đồn biên phòng Phước Diêm, bộ đội biên phòng tỉnh Ninh Thuận, cho biết: "Trạm biên phòng hướng dẫn bà con làm giấy tờ, thủ tục liên quan đến pháp luật. Khi có sự cố thiên tai mưa gió bão hướng dẫn bà con vào khu vực neo trú bão an toàn. Vận động bà con ngư dân thành lập những tổ, đội đoàn kết, cùng nhau hỗ trợ đánh bắt trên biển, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo. Thường, những tổ đội đó có từ 5 - 10 tàu cá cùng hoạt động trên biển, nếu gặp thiên tai hỗ trợ nhau, khi gặp tàu lạ báo về cho lực lượng chức năng biết để kịp thời xử lý."

Ngư dân làng Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận, vươn khơi bám biển - ảnh 3Các tàu đánh cá đang được đóng, sửa chữa tại một xưởng đóng tàu xã Cà Ná. Ảnh: Ngọc Anh
Mỗi sáng sớm, tại cảng cá Cà Ná, những chiếc tàu sau chuyến đi đánh cá lại tấp nập cập bến, đem theo những mẻ cá đầy ắp trên khoang. Những chiếc xe lớn nhỏ cũng  chờ sẵn trên bờ để chở cá về lò chế biến. Trên bến dưới tàu, các ngư dân chai sạn với nắng gió biển cả nở nụ cười, chuyện trò rôm rả khiến mọi vất vả đều tan biến. Những hình ảnh bình dị, rất đỗi thân thương đó đã có ở làng chài Cà Ná bao năm nay. 
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác