(VOV5) - Với giống dâu mới và giống tằm mới cùng với kỹ thuật nuôi hiện đại, nghề trồng dâu nuôi tằm đang có cơ hội phát triển.
Huyện miền núi Đức Linh, tỉnh Bình Thuận đang khuyến khích nông dân phát triển mô hình trồng dâu nuôi tằm theo kỹ thuật và giống mới. Hiệu quả kinh tế được đánh giá cao gấp ba lần so với trồng các loại cây màu truyền thống, đang giúp người nông dân ở đây có cuộc sống ngày một khấm khá hơn.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Ông Hồ Doãn Hùng là một trong những nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hiệu quả ở xã Sùng Nhơn, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận.
Tháng Tư năm ngoái, sau chuyến tham quan vùng trồng dâu tằm ở Bảo Lộc – Lâm Đồng, ông Hùng quyết định chuyển diện tích đất màu hiện có sang trồng dâu nuôi tằm. Với giống dâu mới F7, chỉ trồng sau 4 tháng, lá phủ xanh, gia đình ông bắt đầu mua giống tằm về nuôi.
Mỗi năm, gia đình ông Hồ Doãn Hùng thu nhập 120 triệu đồng từ 1 hecta dâu tằm sau khi trừ chi phí. - ArnhL Việt Quốc |
Qua một năm chuyển đổi, ông Hùng nhận thấy hiệu quả mang lại rõ rệt. Cùng một diện tích đất, nhưng nghề trồng dâu tằm cho thu nhập cao hơn nhiều so với trồng cây màu truyền thống. Ông Hùng nhẩm tính: “Một héc-ta dâu trung bình phải được 5 lứa tằm.Mỗi lứa 4 hộp. 4 lần 5 là 20 hộp tằm. Kén thu hoạch bán được 200 triệu. Trừ chi phí công và giống hết khoảng 80 triệu, thì thu nhập từ một héc-ta dâu được 120 triệu.”
Thấy thu nhập từ nghề mới cao gấp 3 lần trồng hoa màu, một số nông dân khác ở xã Sùng Nhơn đã mạnh dạn theo nghề mới. Trên nền đất sản xuất hoa màu trước đây, anh Phan Ngọc Út đã tiến hành cải tạo trồng 4 sào (4.000m2) dâu.
Anh Phan Ngọc Út đang mở rộng thêm diện tích trồng dâu tằm trên cánh đồng Sùng Nhơn. |
Mới đây, anh nuôi thử 1 hộp giống đầu tiên. Trong vòng 13 ngày, tằm cho gần 45 kg kén chất lượng tốt, bán với giá 182.000 đồng một kg, gia đình anh thu về hơn 8 triệu đồng. Chỉ vất vả trong vài ngày mà thu nhập cao hơn so với trồng bắp và đậu, nên anh Út dự tính sẽ mở rộng thêm diện tích: “Trước đây đất này mình trồng cây màu là bắp, rồi đậu. Mới chuyển đổi được mấy tháng. Mình có làm một lứa ít ít, nhưng thấy hiệu quả cao, nên khả năng mình sẽ tiếp tục làm thêm vài ngàn mét vuông nữa”.
Đứng bên dòng La Ngà, ông Trương Quang Đến, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đức Linh kể rằng trước kia Đức Linh cũng là vùng trọng điểm trồng cây dâu. Lúc đó, huyện từng có hợp tác xã phát triển cây dâu tằm. Tuy nhiên, sau đó việc trồng dâu không còn hiệu quả và hợp tác xã dâu tằm đã giải thể trong thập niên 1990.
Gần đây, với giống dâu mới và giống tằm mới cùng với kỹ thuật nuôi hiện đại, nghề trồng dâu nuôi tằm đang có cơ hội phát triển. Giống dâu mới cho nhiều lá, giống tằm mới cũng ít bệnh, dễ nuôi cho kén chất lượng hơn so với giống truyền thống. Cộng với phương pháp mới (tằm được nuôi dưới nền xi măng hoặc trên dàn khung gỗ trải lưới, không cần nong tre), việc cho ăn thay phân rất thuận lợi, tiết kiệm công chăm sóc, nên cho hiệu quả kinh tế rất cao.
: Huyện miền núi Đức Linh đang chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả qua trồng dâu nuôi tằm.
|
Trên tinh thần định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp để đưa chuỗi giá trị hàng hóa tăng, tạo lợi nhuận cho người dân trên đơn vị diện tích, vừa qua huyện Đức Linh đã khuyến khích nông dân xã Sùng Nhơn tiên phong phát triển mô hình, sau đó sẽ nhân rộng ra toàn huyện. Trong đó, việc liên kết với doanh nghiệp, ổn định đầu ra cho nông dân là vấn đề then chốt.
Ông Trương Đến, cho biết: “Cùng với việc phát triển diện tích, chúng tôi tạo chuỗi liên kết, tìm doanh nghiệp để cùng đầu tư bao tiêu sản phẩm cho người trồng dâu nuôi tằm hiện nay. Trên tinh thần đó, ngành nông nghiệp hết sức quan tâm, cùng vận động lôi kéo doanh nghiệp và nông dân tạo mối liên kết chuỗi giá trị này ngày một phát triển hơn”.
Đến nay, trên vùng đất Sùng Nhơn, huyện Đức Linh đã có 16 hộ nông dân trồng dâu tằm với khoảng 10 héc-ta. Thời gian qua, giá thu mua kén tơ ổn định từ 150.000 – 180.000 đồng/kg. Trong một năm, mỗi héc-ta dâu nuôi được khoảng 20 hộp tằm giống, thu được khoảng 1 tấn kén tơ. Trừ chi phí công cán và tiền giống, nông dân thu lợi nhuận hơn 100 triệu đồng. Mô hình hiệu quả đang mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân miền núi huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận.