Nước sạch và mục tiêu xây dựng nông thôn mới

 (VOV5)- Sử dụng nguồn nước từ ao làng hoặc sông suối cho các sinh hoạt thường ngày lâu nay không qúa xa lạ với các vùng nông thôn Việt Nam. Tuy nhiên, thói quen này đang dần thay đổi kể từ khi nhà nước phát động chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Sử dụng nước giếng khoan và nước mưa cho sinh hoạt hàng ngày, thay vì nước lấy từ ao, hồ đã được nhiều địa phương áp dụng, trong đó có người dân của xã Song Phượng, một xã ngoại thành Hà Nội. Nhưng nguồn nước này có đủ đáp ứng cuộc sống của họ và quan trọng hơn, có hợp vệ sinh?

 

Chúng tôi đến thăm xã Song Phượng, một xã nông nghiệp cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 20 km, vào một ngày đầu hè. Cái nắng chói chang và hơi nóng bốc lên từ mặt đường bê tông khiến cho không khí trở nên ngột ngạt. Tuy nhiên, cảm giác nóng chợt dịu đi khi chúng tôi bắt gặp chiếc ao làng thấp thoáng những bông lục bình tím ẩn hiện dưới làn nước trong xanh. Chiếc ao giờ đây chỉ đóng vai trò như một chiếc máy điều hòa không khí cho dân làng, chứ không còn là nguồn cung cấp nước sinh hoạt như trước đây. Bởi người dân Song Phượng giờ đây đã tìm cho mình một nguồn nước khác.

 Nước sạch và mục tiêu xây dựng nông thôn mới - ảnh 1
Bể chứa nước mưa nhà anh Bùi Anh Tuấn

Anh Bùi Anh Tuấn ở thôn Thập Thượng, xã Song Phượng đang rửa rau để chuẩn bị cho bữa cơm trưa. Dòng nước mát lạnh và trong vắt chảy ra từ vòi theo lời anh Tuấn là được lấy từ chiếc giếng khoan mà gia đình anh đã khoan từ mười năm nay. Nước giếng được lọc qua một bể lọc và bơm lên một chiếc bể được đặt trên sân thượng. Nguồn nước khá dồi dào và đủ cho sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Tuy nhiên, anh Tuấn vẫn xây thêm một chiếc bể khá to để chứa nước mưa. Anh cho biết: Nước sạch của nhà nước chưa tới được đến đây. Chúng tôi chủ yếu dung nước giếng khoan và nước mưa. Nhưng để ăn, uống thì chỉ dung nước mưa, vì nước mưa thì tốt hơn. Khi nào mưa hạn không có nước thì chúng tôi dùng nước giếng. Hiện tại thì nước mưa thoải mái.”

 

Chi phí cho một chiếc giếng khoan vào khoảng 3 triệu đồng, một mức gia không qúa cao so với thu nhập của người dân ở đây. Vì vậy, không chỉ gia đình anh Tuấn mà gần như tất cả các hộ dân ở xã Song Phượng đều sở hữu một chiếc giếng như vậy. Nguồn nước luôn sẵn có nên từ trước tới nay người dân hầu như không nghĩ đến việc tiết kiệm nước. Tuy nhiên dần dần họ cũng nhận ra nguồn nước tự nhiên này không phải là vô tận. Mực nước giếng năm sau cạn hơn năm trước. Lượng mưa cũng ít đi. Hơn ai hết những người trẻ như em Bùi Thu Hương đã ý thức được tầm quan trọng của việc sử dụng nước tiết kiệm.“Nước là một nguồn tài nguyên quý. Chúng ta phải sử dụng nước tiết kiệm, nếu không nước sẽ cạn. Bố mẹ cũng nhắc nhở bọn cháu sử dụng hạn chế, tiết kiệm.”

 

So với nhiều làng quê khác, người dân xã Song Phượng không phải canh cánh nỗi lo thiếu nước sinh hoạt. Nhưng quan trọng là nguồn nước họ đang sử dụng liệu có hợp vệ sinh? Điều này không chỉ có ý nghĩa với chất lượng sống của người dân trong xã, mà còn bởi Song Phượng là một trong ba xã nông nghiệp của thủ đô được chọn để thí điểm mô hình xây dựng nông thôn mới.

 Nước sạch và mục tiêu xây dựng nông thôn mới - ảnh 2
Bể lọc ở Song Phượng

Ông Nguyễn Minh Châu, cán bộ văn hóa xã, cho biết việc cung cấp nước sinh hoạt sạch và hợp vệ sinh cho người dân là một trong những tiêu chí quan trọng để xây dựng nông thôn mới. Bởi vậy chính quyền xã rất quan tâm đến vấn đề bảo đảm chất lượng nguồn nước. “Xã đã đầu tư cơ sở vật chất như các hệ thống xử lý nước, chứa nước…và trong quá trình sử dụng của người dân thì chính quyền đã phối hợp với y tế để kiểm tra chất lượng nguồn nước, hỗ trợ diệt khuẩn, đảm bảo người dân được sử dụng nước tốt nhất.”

 

Dù nguồn nước sinh hoạt hiện giờ đủ và hợp vệ sinh song người dân xã Song Phượng vẫn mong hệ thống nước sạch của nhà nước sẽ sớm được cấp đến xã. Và đó không chỉ là mong muốn của họ, mà còn là của chính quyền xã, như ông Minh, bí thư Đảng ủy xã, bày tỏ: “Chương trình nước sạch là niềm mơ ước của cả đảng bộ và nhân dân địa phương xã Song Phượng. Tôi mong là nước về làng càng sớm càng tốt.”

 

Niềm mong ước của ông Minh là hoàn toàn có cơ sở, bởi xã Song Phượng nằm trên trục đường ống cấp nước sông Đà hiện đang cấp nước cho toàn bộ huyện Đan Phượng và thành phố Hà Nội. Một hệ thống nước sạch cấp đến từng làng, xóm, hộ gia đình sẽ hoàn thiện hơn bộ mặt nông thôn mới ở xã Song Phượng. Và những bể nước mưa khi đó có lẽ sẽ chỉ còn để phục vụ cho việc đun nước pha chè, thứ chè xanh mát dịu giúp làm giảm cái nóng bức trong những ngày hè.

 

Phản hồi

Các tin/bài khác