(VOV5) - Sản xuất cà phê theo hướng bền vững mang lại hiệu quả cho nhiều hộ nông dân ở huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. Toàn huyện đã thành lập được hơn 30 hợp tác xã, câu lạc bộ sản xuất cà phê bền vững. Việc sản xuất cà phê theo hướng bền vững từng bước thay đổi tập quán sản xuất cà phê cũ, giúp nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiết kiệm chi phí đầu vào, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Gia đình ông Ngô Văn Bình, ở thị xã Quảng Phú, huyện Cư M’gar có 1,8 héc ta cà phê kinh doanh. Trước đây, gia đình ông sản xuất theo kinh nghiệm nên năng suất vườn cây không cao, chỉ trên 2,5 tấn cà phê nhân/héc ta. Từ khi tham gia câu lạc bộ phát triển cà phê bền vững, được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quy trình kỹ thuật thâm canh từ trồng đến chăm sóc, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh hại, bón phân cân đối, hợp lý… nên năng suất luôn đạt từ 4 đến 5 tấn cà phê nhân/héc ta. Đặc biệt, trong mùa khô, gia đình ông không còn phải tưới nước lãng phí cho cây cà phê từ 600 - 700 lít nước/gốc/lần tưới mà chỉ cần tưới 350 - 400 lít nước/gốc/lần tưới mà cây cà phê vẫn đảm bảo phát triển. Ông Bình nói: “Khi tham gia sản xuất cà phê bền vững, gia đình tôi được hướng dẫn kỹ thuật và làm theo như thế. Một năm, gia đình tôi bán thêm được mấy trăm ngàn đồng/kg”.
Toàn huyện Chư M’Gar thành lập được hơn 30 hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ sản xuất cà phê bền vững. Tham gia các hợp tác xã, câu lạc bộ cà phê bền vững, người trồng cà phê được chia sẻ, cập nhật thông tin về thời tiết nông vụ, tình hình dịch hại trên cây cà phê. Quan trọng hơn là mô hình này đã kết nối thành công giữa nhà nông, nhà quản lý, nhà khoa học với doanh nghiệp trong việc phối hợp sản xuất cà phê theo hướng bền vững. Nhờ được tập huấn nên các hộ sản xuất cà phê có ý thức hơn trong việc bảo vệ nguồn nước; liên kết trong quá trình thu hái, chế biến để làm ra những sản phẩm có chất lượng cao hơn. Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Dịch vụ Công bằng Ea Kiết, xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, cho biết: "Hàng năm, Hợp tác xã tổ chức 3 đến 4 đợt tập huấn cho bà con xã viên về khoa học kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn lao động để họ nhận thức được về chương trình phát triển cà phê bền vững. Đặc biệt, đối với từng hộ thì từng tháng có chương trình, kế hoạch cụ thể cho từng tổ đội sản xuất, tuyên truyền cho bà con nhận thức về chương trình phát triển cà phê bền vững đảm bảo chất lượng tốt hơn”.
Huyện Cư M’gar có hơn 35.500 héc ta cà phê, trong đó có hơn 15 ngàn héc ta cà phê sản xuất có chứng nhận với gần 10.000 hộ tham gia, hàng năm cung cấp trên 37.000 tấn cà phê theo bộ quy tắc tiêu chuẩn. Phát triển cà phê bền vững đã giúp người dân tiếp cận được khoa học kỹ thuật, giá trị cà phê được nâng lên, môi trường sinh thái được bảo vệ một cách bền vững. Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đánh giá các loại hình chứng nhận này đều hướng đến phát triển cà phê bền vững thông qua việc đầu tư và tác động phù hợp trên vườn cây nhằm bảo đảm sự bền vững về năng suất, chất lượng, bảo tồn được tài nguyên thiên nhiên. Các nông hộ sản xuất cà phê ngày càng nhận thức rõ hơn khi áp dụng sản xuất cà phê có chứng nhận để nâng cao giá trị gia tăng mặt hàng cà phê trong hoạt động tiêu thụ và xuất khẩu. Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cư M’gar, cho biết: “Huyện đang có chủ trương tiếp tục tuyên truyền để kết nạp đông đảo các hội viên tham gia vào hội phát triển cà phê bền vững. Tiếp tục hướng dẫn cho các xã để hình thành thêm một số hợp tác xã nông nghiệp có sự liên kết để sản xuất cà phê giúp đồng bào cũng như mọi người dân có điều kiện tiếp cận phương thức sản xuất mới, nâng cao chất lượng của cây trồng chủ lực này của huyện”.
Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích, hướng dẫn các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê tập trung thâm canh cà phê theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), sản xuất cà phê có chứng nhận. Đồng thời, tỉnh hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững… gắn liền với lợi ích kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường trên địa bàn.