Quảng Ninh đi đầu cả nước trong điện khí hóa nông thôn, hải đảo

(VOV5) - Là tỉnh miền núi, biển đảo, địa hình trải dài, dân cư phân tán nhưng Quảng Ninh đã hoàn thành đưa điện lưới quốc gia đến tất cả vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Đưa điện về nông thôn giúp tỉnh Quảng Ninh phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.

Quảng Ninh đi đầu cả nước trong điện khí hóa nông thôn, hải đảo - ảnh 1
Các đại biểu cắt băng khánh thành Dự án đầu tư xây dựng lưới điện nông thôn giai đoạn I, II (ảnh chụp tại xã Đồng Sơn, huyện Hoành Bồ tháng 6-2013) - Ảnh: Báo Quảng Ninh


Nghe âm thanh bài viết tại đây:




Xác định điện khí hóa nông thôn phải đi trước một bước để tạo nền tảng và động lực trong phát triển kinh tế  - xã hội cho người dân khu vực nông thôn, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, nên việc đầu tư điện lưới quốc gia cho những khu vực này được tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm. Tỉnh Quảng Ninh đã huy động mọi nguồn lực để đưa điện tới các xã vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo. Khu vực nào chưa có điện trên đất liền được đầu tư xây mới trạm biến áp, đường dây trung, hạ thế, còn ở các xã đảo đều được tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí để có thể sử dụng điện diezel và pin năng lượng mặt trời. Trong giai đoạn 15 năm thực hiện chương trình điện khí hóa nông thôn (giai đoạn 1998 - 2013), tỉnh Quảng Ninh đã về đích sớm trước 9 năm khi năm 2004 Quảng Ninh đã đạt mục tiêu 100% số xã có điện. Bà Lê Thị Hải, một người dân xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, vui mừng khi điện lưới quốc gia đã thắp sáng những vùng quê: “Chúng tôi không ngờ lại có điện, cứ như mơ. Cuộc sống khó khăn nay đã thay đổi không tưởng tượng được.”


Việc đưa các công trình mới vào sử dụng đã giúp cho cuộc sống của gần 12.000 hộ dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới thay đổi, doanh nghiệp sản xuất không còn cầm chừng, người dân không phải sinh hoạt dưới những bóng đèn dầu. Điện lưới quốc gia không những giúp tỉnh Quảng Ninh thuận lợi trong phát triển triển sản xuất ngành nông nghiệp mà còn giúp tỉnh phát triển ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ… Anh Đỗ Văn Tiến, một người dân ở xã đảo Quan Lạn, cho biết: “Trước không có điện dùng vất vả lắm, phải dùng máy nổ cả ngày, chi phí tiền dầu hàng ngày khá nhiều tiền. Từ ngày có điện dân làm ăn phát triển, có điện sinh hoạt cả ngày. Có điện người dân vui sướng lắm.”

Quảng Ninh đi đầu cả nước trong điện khí hóa nông thôn, hải đảo - ảnh 2
Vận chuyển cột điện để thi công đường điện tại xã Quảng Lâm, huyện Hải Hà (tháng 3 - 2013) - một trong những công trình thuộc Dự án đầu tư xây dựng lưới điện nông thôn giai đoạn II - Ảnh: Báo Quảng Ninh


Tiếp nối ngay sau thành công của Dự án đầu tư xây dựng lưới điện nông thôn, Quảng Ninh bắt đầu đặt ra một mục tiêu lớn hơn, đó là đưa điện lưới quốc gia đến tất cả các huyện đảo. Dự án đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô năm 2013 với tổng mức đầu tư 1.100 tỷ đồng và dự án đưa điện lưới ra 5 xã đảo Vân Đồn năm 2014 với 312 tỷ đồng đã được tỉnh huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với sự đồng thuận của nhân dân. Việc hoàn thành 2 dự án trọng điểm trên đã nâng tỷ lệ số hộ có điện lưới quốc gia của Quảng Ninh lên 99,45%. Ông Vũ Đình Tân, Phó Giám đốc Công ty điện lực Quảng Ninh, cho biết: “Công ty điện lực Quảng Ninh là công ty đầu tiên trong cả nước đã hoàn thành việc đưa điện tới vùng sâu, vùng xa vào năm 2012 và cũng là công ty đầu tiên đưa thành công lưới điện 22KV ra đảo. Sau thành công của Quảng Ninh thì các địa phương khác mới bắt đầu thực hiện. Đó là điều đáng tự hào của ngành điện Quảng Ninh.”


Chỉ sau một thời gian ngắn có điện lưới, bộ mặt nông thôn tại những khu vực này đã thay đổi hoàn toàn, kinh tế phát triển, đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân được nâng cao.


Quảng Ninh đã đi đầu trong cả nước về việc hoàn thiện lưới điện nông thôn và hoàn thành đưa điện ra tất cả các xã đảo. Giờ đây, khi đến những thôn bản xa xôi hay hải đảo trên địa bàn tỉnh rất dễ nhận thấy bức tranh hiện đại hoá vùng nông thôn mới  đã rõ nét hơn bao giờ hết. Không những thế, nhiều dự án của ngành điện Quảng Ninh đã trở thành những mô hình tốt để nhiều địa phương trên cả nước học tập kinh nghiệm. Kết quả này còn góp phần hoàn thành các chỉ tiêu mà tỉnh Quảng Ninh đặt ra và là nền tảng để Quảng Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác