Sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap ở tỉnh Tuyên Quang

(VOV5)- Cây chè ở Hàm Yên trở thành loại cây giúp bà con làm giàu bằng cách áp dụng khoa học kỹ thuật, làm ra những sản phẩm an toàn, chất lượng cao. 


Sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap ở tỉnh Tuyên Quang - ảnh 1
Mô hình trồng chè sạch mang lại giá trị cao ở huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang


Nghe âm thanh bài viết tại đây



Cây chè ở huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, từ bao bao đời nay gắn bó mật thiết và là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình. Giờ đây cây chè ở Hàm Yên không chỉ giúp người dân thoát nghèo mà đã trở thành loại cây giúp bà con làm giàu bằng cách áp dụng khoa học kỹ thuật, làm ra những sản phẩm an toàn, chất lượng cao, được người tiêu dùng tin tưởng. 


Huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, có trên 2 nghìn héc-ta chè, trong đó có gần 1.900 héc-ta chè đã cho thu hoạch. Để nâng cao giá trị của cây chè, tại nhiều xã của huyện Hàm Yên, người trồng chè đang chuyển hướng trồng và chế biến chè từ phương pháp truyền thống sang trồng và chế biến chè an toàn theo tiêu chuẩn Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam (VietGap). Gia đình ông Phạm Văn Luận, ở thôn 3 Làng Bát, có 3 héc-ta chè tham gia mô hình chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap do Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh và UBND huyện Hàm Yên triển khai từ đầu năm 2013. Ông Luận cho biết: Tổ hợp tác trồng chè an toàn có 30 hộ tham gia với diện tích hơn 16 héc-ta. Gia đình ông được Dự án hỗ trợ đầu tư nhà xưởng, thiết bị sao sấy, máy hút chân không... để chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho các hộ trồng chè. Để đảm bảo sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, các hộ gia đình trong Tổ hợp tác phải ký cam kết thực hiện theo nguyên tắc “4 đúng” là: đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng và đúng thời gian: Để có chè an toàn theo quy định thì thành viên tổ hợp tác tuyệt đối tuân thủ quy định trồng, hái chăm sóc cũng như thu hái chế biến sản phẩm mới đảm bảo được chất lượng an toàn. Từ giống chè, vùng đất, nguồn nước tới chế độ chăm sóc chúng tôi hoàn toàn tuân thủ theo những quy định được phép dùng trên sản phẩm an toàn. Việc thu hái và cơ sở chế biến phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.


Gia đình chị Phạm Thị Hường, thôn 5 Làng Bát, xã Tân Thành, huyện Hàm Yên, tham gia tổ hợp tác sản xuất chè sạch. Sau gần 3 năm, đời sống vật chất của gia đình chị Hường được cải thiện và xây được ngôi nhà 2 tầng khang trang. Từ khi tham gia mô hình sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGap, chị được tập huấn kỹ thuật, được đi tham quan các mô hình ở Thái Nguyên và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc, thu hái, bảo quản sản phẩm chè theo tiêu chuẩn VietGap nên giá trị của cây chè được nâng cao. Hiện nay, giá 1 kg chè búp khô theo tiêu chuẩn ViepGap cao hơn từ 30 nghìn đến 50 nghìn đồng so với chè sản xuất thông thường. Với hơn 0,3 héc-ta chè sạch, mỗi năm gia đình chị Hường thu nhập trên 150 triệu đồng. Chị Hường cho biết: Trước đây gia đình làm theo truyền thống giá rẻ và bán cũng khó. Từ ngày làm chè sạch bán giá cao hơn. Đến bây giờ thì cuộc sống gia đình cũng ổn định hơn trước rất nhiều. 


Xác định cây chè là thế mạnh trong phát triển kinh tế, huyện Hàm Yên đã đồng hành cùng người dân  xây dựng các giải pháp nâng cao chất lượng cũng như giá trị của cây chè bằng các giống chè mới chất lượng cao và phương pháp sản xuất chè theo hướng an toàn. Các xã có diện tích trồng chè lớn được đầu tư xây dựng để đảm bảo vệ sinh môi trường, sản xuất an toàn, không chứa tác nhân gây bệnh như chất độc sinh học và hóa chất. Ông Nông Huy Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên, cho biết: Chủ trương của huyện, cây chè thâm canh là chính, chất lượng và sản xuất hàng hóa tập trung, sản xuất chè thực sự an toàn và trở thành chè đạt tiêu chuẩn Việt Gap. Điển hình là điểm chè Làng Bát, xã Tân Thành, Hàm Yên chúng tôi đã xây dựng được mô hình chè Việt Gap. Chất lượng hiện nay ngày càng nâng lên, người tiêu dùng ngày càng biết đến. Chúng tôi luôn mang sản phẩm chè để giới thiệu. Nhiều khách hàng trong nước và thế giới hiện nay đã biết đến chè Làng Bát Tân Thành. 


Việc hướng nông dân tham gia sản xuất chè an toàn theo VietGAP hiện là hướng đi tích cực nhằm đưa cây công nghiệp chè trở thành cây trồng mũi nhọn ở huyện Hàm Yên. Cùng với đó, việc áp dụng kiến thức, khoa học kỹ thuật trong sản xuất chè an toàn đã thực sự giúp người dân thay đổi hình thức canh tác truyền thống, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất, là cơ hội để người dân phát triển kinh tế bền vững.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác