Sức sống Đại Phong

(VOV5)- Hơn 50 năm trước, Hợp tác xã Đại Phong, ở xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, vang tiếng khắp miền Bắc với thành tích lá cờ đầu trong hợp tác hóa nông nghiệp và Hợp tác xã 2 lần được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi. Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, Hợp tác xã Đại Phong vẫn là điểm sáng, là lá cờ đầu trong phong trào phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng Nông thôn mới của tỉnh Quảng Bình nói riêng và của đất nước nói chung.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Ngày 22/11/1959 trở thành ngày đáng nhớ đối với người dân làng Đại Phong khi sáp nhập ba Hợp tác xã quy mô nhỏ, sản xuất manh mún thành Hợp tác xã Đại Phong theo mô hình Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp kiểu mẫu đầu tiên trên miền Bắc Xã hội chủ nghĩa, khi đất nước còn tạm chia cắt 2 miền. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, ông Phạm Ngọc Đính, nguyên Chủ nhiệm Hợp tác xã Đại Phong ngày ấy, nay đã ở tuổi 86, vẫn không quên khí thế thi đua lao động trên làng quê mình. Làng Đại Phong hồi đó vui như trẩy hội. Người Đại Phong từ cụ già, thanh niên, phụ nữ đến các em học sinh đều hăng hái tham gia đắp đê ngăn mặn, cải tạo ruộng đồng, làm thủy lợi. Bà con xã viên Đại Phong còn đi ngược lên vùng Bến Tiến miền Tây huyện Lệ Thủy, cách hàng chục cây số để vỡ hoang đất trồng mía, chăn nuôi trâu, bò đàn. Chỉ sau hai năm tập trung cải tạo, khai hoang phục hóa, đất canh tác của Đại Phong từ chỗ 1 nhân khẩu chỉ có 2 sào đã tăng lên 7 sào; sản lượng lương thực bình quân tăng từ 650 kg lên 880 kg/đầu người, rồi tăng dần những năm sau đó. Phong trào thi đua sản xuất đó không những đẩy lùi được cái đói, cái nghèo, mà lúa gạo của Đại Phong còn được đưa ra miền Bắc để phân phối. Ông Phạm Ngọc Đính nhớ lại: “Lúc đó phát động một người làm việc bằng hai, cố gắng làm ngày chưa đủ tranh thủ làm đêm. Thanh niên, xã viên, phụ nữ, thậm chí phụ lão, có những cụ bảy, tám mươi tuổi rồi vẫn xung phong. Đặc biệt trong chiến tranh chống Mỹ, anh em thanh niên vừa sản xuất vừa chiến đấu.”


Với phong trào thi đua ấy, làn gió mát "Đại Phong" đã lan tỏa đến từng làng quê, cánh đồng của miền Bắc. Học tập Đại Phong, nhiều địa phương lấy “Đại Phong” đặt tên cho phong trào thi đua trên quê hương mình như: “Đồi chè Đại Phong”, “Con đê Đại Phong”, “Thửa ruộng Đại Phong”... Chủ tịch Hồ Chí Minh, với bút danh Trần Lực, đã viết bài đăng trên báo Nhân Dân số ra ngày 15- 4-1961, ca ngợi Hợp tác xã Đại Phong như sau: "Từ ngày Trưởng Ban Nông nghiệp của Trung ương Nguyễn Chí Thanh nêu những ưu điểm và tiến bộ của Hợp tác xã Đại Phong, đến nay chưa đầy hai tháng, mà khắp cả miền Bắc đã có ngót một nghìn Hợp tác xã nhận thi đua “Học tập Đại Phong, đuổi kịp Đại Phong, vượt qua Đại Phong”. Đó là một phong trào rất tốt và rất mạnh mẽ, nó chứng tỏ tinh thần hăng hái, lực lượng to lớn và khả năng dồi dào của nông dân Việt nam...".

Sức sống Đại Phong - ảnh 1
Lá cờ đầu trong nông nghiệp do Quốc hội tặng HTX Đại Phong. - (Ảnh:Báo Quân đội nhân dân)



Năm 1961, Hợp tác xã Đại Phong vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng một chiếc máy kéo DT.54. Chiếc máy này do Ban Thanh niên Cộng sản Côm-xô-môn của Liên Xô tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch tặng lại cho bà con nơi đây. Ông Phạm Ngọc Đính, nguyên Chủ nhiệm HTX Đại Phong kể lại: bà con Đại Phong rất biến ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh bởi chiếc máy làm một ngày bằng cả làng cuốc cày cả tháng: “Chính phủ tặng lá cờ đầu thì tổ chức đón nhận lá cờ đầu, tổ chức đón nhận máy cày của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho nên phong trào phấn khởi. Nhân dân làm chủ thi đua nhau lao động sản xuất.”


Trong những năm chiến tranh, với khẩu hiệu “tay cày tay súng”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, bà con xã viên Đại Phong ngày đêm bám lấy đồng ruộng, thi đua sản xuất. Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, nhiều Hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả phải giải thể thì Hợp tác xã Đại Phong vẫn giữ vững lá cờ đầu trong sản xuất nông nghiệp. Bây giờ, Hợp tác xã Đại Phong vẫn là "con chim đầu đàn" về năng suất lúa ở tỉnh Quảng Bình, một Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp kiểu mới điển hình của cả nước. Ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ nhiệm Hợp tác xã Đại Phong, khẳng định muốn giữ được Hợp tác xã phải mạnh dạn đột phá trong nhiều khâu dịch vụ, sản xuất nhưng phải gắn liền với lợi ích thiết thực của xã viên: “Nếu HTX nông nghiệp mà duy trì theo cơ chế thuần  nông thì HTX vẫn tồn tại nhưng để phát triển rất khó. Quan trọng nhất là tạo  được nguồn vốn, chủ yếu là tự  hạch toán kinh doanh, nhất là các dịch vụ vật tư, phân bón và những gì có  lợi cho xã viên.”

Sức sống Đại Phong - ảnh 2

Về Đại Phong hôm nay, đi đến đâu cũng nghe bà con nói chuyện tự nguyện phá dỡ tường rào cổng ngõ, để nhường đất xây dựng các công trình nông thôn mới. Hợp tác xã Đại Phong cũng đã trích gần 25 tỷ đồng từ quỹ phúc lợi để bê tông hoá kênh mương, cống thuỷ lợi, làm đường giao thông liên thôn, liên xóm, xây dựng nhà văn hoá thôn, trường học cùng nhiều công trình dân sinh khác. Cả xã Phong Thủy có tới 70% số hộ khá và giàu, hộ nghèo chỉ còn 5%... Ông Nguyễn Cao Côi, Chủ tịch UBND xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, cho biết:“Một xã có hai Hợp tác xã hoạt động rất mạnh và rất đều trong thời gian qua, vì vậy góp phần đưa Phong Thủy là xã đầu tiên của tỉnh có hai làng đều đạt làng văn hóa cấp tỉnh.”


Hơn 50 năm đón nhận lá cờ đầu trong sản xuất nông nghiệp, bây giờ “Gió Đại Phong” vẫn thổi mạnh. Sức sống Đại Phong làm giàu thêm niềm tự hào; nó như một dòng chảy liên tục, tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác của người dân xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình./.

Phản hồi

Các tin/bài khác