Tăng vụ trên ruộng bậc thang Mù Cang Chải

(VOV5) - Ruộng bậc thang được đồng bào Mông ở Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái kỳ công tạo nên giữa thiên nhiên hùng vĩ. Trước đây do truyền thống canh tác lạc hậu, bà con chưa phát huy được lợi thế của ruộng bậc thang, nên hiệu qủa kinh tế chưa cao. Những năm gần đây, với sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương, sự vào cuộc mạnh mẽ của đội ngũ cán bộ nông nghiệp trong việc thâm canh, tăng vụ, đời sống người dân vùng cao đã có nhiều đổi thay. 

Tăng vụ trên ruộng bậc thang Mù Cang Chải - ảnh 1
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải


Gia đình ông Khang Súa Hờ, ở bản Háng Tầu Dê, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải có hơn 1000 mét vuông ruộng bậc thang. Trước đây, do chỉ làm 1 vụ, gia đình với 7 thành viên này thường xuyên thiếu đói. Để có gạo cho con mang về trường học, ông bà phải làm nhiều thứ để kiếm từng đồng, thậm chí nhịn ăn cách bữa.


Từ ngày được vận động, hướng dẫn thâm canh, tăng vụ trên ruộng bậc thang, 1000 mét vuông ruộng của gia đình ông Hờ đã được cấy 2 vụ. Cộng thêm đó là sự đầu tư về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên gia đình ông đã thoát khỏi cảnh thiếu ăn, dần dần có dư thóc để bán, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Ông Khang Súa Hờ phấn khởi nói:“Trước đây ruộng chỉ trồng 1 vụ thôi, ăn chưa lâu thì đã hết gạo rồi, đói lắm. Giờ trồng 2 vụ thế này thì đủ cơm ăn rồi".

Chế Cu Nha là môt trong ba xã có ruộng bậc thang đẹp nhất huyện Mù Cang Chải. Toàn xã có gần 540 hộ với trên 2.300 nhân khẩu, 100% là đồng bào Mông. Do thói quen chỉ làm 1 vụ lúa mùa/năm, nên dù có gần 200 héc ta ruộng bậc thang, nhưng số tỷ lệ hộ nghèo, thiếu đói vào mùa giáp hạt thời điểm cách đây 3-4 năm vẫn trên 75%. Từ năm 2010, xã bắt đầu có những diện tích cấy 2 vụ đầu tiên, đến nay hơn 80% diện tích cấy được 2 vụ, ngoài ra còn một số diện tích trồng ngô và cây rau màu. Nhờ đó, thu nhập của người dân trên một đơn vị diện tích tăng dần theo từng năm, đời sống vật chất và tinh thần của bà con đã thay đổi đáng kể; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 60 %, không còn hộ thường xuyên bị thiếu đói. Ông Hờ A Nhà, Phó Chủ tịch UBND xã đánh giá: "Trước đây bà con trên này thiếu ăn tương đối là đông. Tuy nhiên là trong quá trình triển khai trồng 2 vụ và đặc biệt là trồng lúa lai thì hiện nay tỷ lệ đói nghèo cũng giảm và lương thực  đảm bảo hơn so với ngày trước”.


Tăng vụ trên ruộng bậc thang Mù Cang Chải - ảnh 2


Để bà con người Mông vùng cao thay đổi nhận thức, chuyển từ cấy 1 vụ sang 2 vụ như hiện nay, cấp ủy, chính quyền và tiên phong là ngành nông nghiệp huyện Mù Cang Chải đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Huyện đã vận động, hướng dẫn các hộ gia đình cán bộ, Đảng viên làm trước, khi thấy có hiệu quả, những hộ này đã vận động anh em, hàng xóm làm theo và thường xuyên được cán bộ nông nghiệp huyện hướng dẫn, kiểm tra... Ông Hoàng Văn Nguyên, phó Trưởng Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải, người đã hơn 25 năm gắn bó với nông dân vùng cao, cho biết: “Các cơ quan như Trạm khuyến nông, Trạm bảo vệ thực vật và Phòng Nông nghiệp làm những mô hình trình diễn và hướng dẫn nhân dân cụ thể, thậm chí dân đứng trên bờ thấy rét không chịu làm, cán bộ xuống làm thay dân;  qua 1, 2 năm thấy có ăn mới làm theo và qua đó diện tích lúa đông xuân tăng dần theo từng năm”.

Tăng vụ trên ruộng bậc thang Mù Cang Chải - ảnh 3


Huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái hiện có trên 4.300 héc ta ruộng bậc thang, nằm trên địa bàn 14 xã, 1 thị trấn. Trong số các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội đề ra cho từng năm, huyện xác định việc thâm canh, tăng vụ trên ruộng bậc thang là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Sau gần 5 năm thực hiện, đến nay toàn huyện đã có hơn 1.300/1.800 héc ta ruộng cấy 2 vụ  lúa; còn lại hơn 2.000 héc ta do điều kiện không phù hợp cấy lúa, đã chuyển sang trồng các loại khác như ngô, khoai tây, lúa mì, gừng và bước đầu cho kết quả tốt. Ông Lê Trọng Khang, Phó chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái cho biết: “Tới đây đến ngưỡng khoảng 1.800 héc ta là dừng. Chủ trương của huyện là mở ra hướng không nhất thiết phải trồng lúa 2 vụ, mà sẽ chọn một số cây trồng phù hợp, hiệu quả kinh tế để đưa vào. Qua việc thử nghiệm sẽ lập kế hoạch chi tiết trên cơ sở phù hợp với từng loại cây để đưa vào sản xuất cụ thể”.


Ruộng bậc thang không chỉ đem lại cơ hội phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh cho huyện Mù Cang Chải, mà nông dân vùng cao nơi đây còn đã và đang từng bước vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống nhờ hướng đi đúng của việc thâm canh tăng vụ.

Phản hồi

Các tin/bài khác