Cây cao su được trồng chủ yếu ở các huyện Huyện Điện Biên, Mường Chà và Tuần Giáo và sau 8 năm triển khai, đến nay, Công ty cổ phần cao su Điện Biên đang bắt đầu khai thác mủ cao su ở những diện tích cao su đầu tiên. Từng giọt mủ cao su tuôn chảy không chỉ mang đến niềm vui, mà còn phần nào xóa đi những lo âu của người nông dân về sự thích nghi điều kiện tự nhiên của cây cao su được trồng ở vùng đất Điện Biên. Anh Sìn Văn Minh, dân tộc Khơ Mú, ở bản Hin 1, xã Na Sang, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên, cho biết: "Cao su về đây cũng gần 10 năm nay rồi. Bây giờ cây cao su đã cho thu hoạch mủ rồi. Hy vọng xóa đói giảm nghèo của bà con ở đây chắc chắn sẽ thành công".
Không riêng anh Minh, nhiều bà con vùng trồng cao su ở Điện Biên đều vui mừng khi tận mắt chứng kiến những giọt nhựa "vàng trắng" đầu tiên tuôn chảy sau gần 10 năm chờ đợi. Trước đây, cuộc sống của họ chỉ trông chờ vào việc làm nương, ruộng, cuộc sống khó khăn, bấp bênh. Khi cây cao su được đưa về trồng, không ít người cho rằng cao su là cây trồng ở miền Nam, đưa ra miền Bắc thì không có mủ, hơn nữa góp đất trồng cao su thì sẽ lấn át đất trồng cây lúa, cây ngô… Tuy nhiên, sau khi được tuyên truyền, giải thích, bà con đã tích cực tham gia trồng, chăm sóc. Hôm nay, niềm vui như vỡ òa khi những xô mủ cao su đầy ắp được đưa ra xe ô tô vận chuyển về nơi chế biến.
|
Rừng cao su tại xã Hua Thanh, huyện Điện Biên (Ảnh: dienbientv.vn) |
Tại nông trường Cao su Điện Biên thuộc xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên, không khí vui tươi, phấn khởi hiện rõ không chỉ trên nét mặt, mà qua cả tiếng nói, cười rộn rã của gần 100 học viên đang được tập huấn cạo mủ cao su. Nhiều người trong số này là công nhân, nhiều người khác là người dân đến từ các xã, bản lân cận. Cạo mủ cao su là nghề mới, lần đầu được tiếp cận, vì vậy, ai ai cũng háo hức, hồi hộp khi đưa dao mở những đường cạo đầu tiên. Chị Chớ Thị Sinh, dân tộc Mông, ở bản Sa Lông 2, xã Sa Lông, huyện Mường Chà, chia sẻ: "Việc cạo mủ cao su không dễ như tôi tưởng. Rất vui vì được các cán bộ kỹ thuật ở đây hướng dẫn rất tỉ mỉ. Tôi sẽ cố gắng học tốt, để khi cao su khai thác nhiều thì mình sẽ có việc làm ổn định".
Đến nay, diện tích cao su ở tỉnh là trên 5.100 héc ta, chủ yếu tại các huyện Điện Biên, Mường Chà, Mường Nhé và Tuần Giáo. Ông Phan Văn Lợi, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần cao su Điện Biên, cho biết: Trong năm 2016, Công ty đưa 42 héc ta cao su trồng tại xã Thanh Nưa và Mường Pồn, huyện Điện Biên vào khai thác mủ. Đây là những vườn cây trồng năm 2008, giống cây tốt và sinh trưởng đảm bảo theo các tiêu chí đưa vào khai thác của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
Ông Lợi cho biết: "Bước đầu khai thác thử thấy sản lượng mủ khá tốt. Đây cũng là một hứa hẹn cho 8 năm đầu tư trồng, phát triển Cao su của các công ty Cao su Tây Bắc nói chung và Công ty cổ phần Cao su Điện Biên nói riêng. Từ năm 2017 chúng tôi sẽ đưa diện tích Cao su đủ tuổi vào cạo mủ. Để làm tốt việc này thì quan trọng nhất là phải đào tạo nghề cho công nhân, rồi cho các hộ dân, làm thế nào có một lượng lao động tham gia sản xuất cùng Công ty, đảm bảo giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho bà con nhân dân góp đất trồng Cao su trên địa bàn tỉnh Điện Biên".
Trước mắt, diện tích cao su khai thác trong năm 2016 sẽ xuất bán mủ tươi và đến năm 2017 sẽ khởi công xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su. Trong năm tới, Công ty sẽ đưa gần 600 héc ta vào khai thác mủ cao su. Dự kiến, năng suất năm đầu đạt khoảng 630 kg mủ trên một héc ta. Khi khai thác mủ, người dân sẽ được chia 10% lợi nhuận sản phẩm. Từ những tín hiệu vui của cây cao su, cùng với cam kết của doanh nghiệp, người dân Điện Biên có thể tin tưởng và hy vọng vào cao su sẽ thay đổi cuộc sống, tạo thu nhập ổn định.