Xây dựng vùng sản xuất nông sản trọng điểm: Cách làm hay ở Quảng Ninh
Hoài Lam, Ngọc Thiện -  
(VOV5) - Sau 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Quảng Ninh đã xây dựng những vùng sản xuất nông sản trọng điểm, đầu tư các nhà máy chế biến, phối hợp với doanh nghiệp tìm đầu ra ổn định cho mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản. Nhờ cách làm này, thu nhập cho người dân tăng lên và thương hiệu của các sản phẩm nông sản ở nhiều khu vực trong tỉnh Quảng Ninh đang từng bước được khẳng định.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Trên cánh đồng rộng 30 héc-ta ở phường Cộng Hòa, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, những người nông dân đang nhanh tay thu hoạch những cây rau xanh mướt. Vụ rau này được mùa và được giá. Toàn bộ số rau của phường Cộng Hòa đều được các công ty chế biến nông sản đóng tại địa bàn tới thu mua, đóng gói. Từ đầu vụ đến nay, trung bình mỗi ngày người dân thu hoạch được từ hai tấn rưỡi tới ba tấn rau sạch để bán ra thị trường. Tham gia chương trình hợp tác với các công ty chuyên thu mua nông sản từ nhiều mùa vụ, người dân phường Cộng Hòa đã áp dụng nhiều quy trình chặt chẽ để chất lượng sản phẩm đầu ra đảm bảo. Nhờ vậy, phía công ty cam kết thu mua rau của nông dân với giá cao hơn giá trị thường khoảng 5%.
|
Các hộ trồng rau phường Cộng Hòa dự kiến mở rộng diện tích trồng rau trọng điểm |
Trước đây, người dân trồng rau ở phường Cộng Hòa sản xuất nhỏ lẻ manh mún, kỹ thuật không cao, năng suất thấp nên đời sống gặp khó khăn. Khi chuyển đổi sang sản xuất tập trung, quy hoạch thành vùng chuyên canh rau và đầu ra của sản phẩm được đảm bảo, nhiều gia đình tại phường Cộng Hòa đang dự định đầu tư mở rộng diện tích trồng rau sạch. Chị Phạm Phương Thảo, phường Cộng Hòa, thị xã Quảng Yên, cho biết: “Từ hồi có công ty mua rau thành lập, gia đình tôi chuyển sang trồng rau, chờ đến ngày thu hoạch thì công ty tới thu mua cho gia đình. Giá công ty mua cao hơn so với thương lái đến mua trước đây nên kinh tế của gia đình cũng được tăng lên”.
Từ năm 2012, chính quyền phường Cộng Hòa đã có cơ chế phù hợp để thu hút các doanh nghiệp tới hợp tác, đầu tư nhằm đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới. Theo ông Phạm Văn Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Cộng Hòa, bên cạnh việc bao tiêu sản phẩm cho người dân, doanh nghiệp thu mua nông sản còn đầu tư trên 17 tỷ đồng để xây dựng hệ thống tưới tiêu nước, nhà máy chế biến, khu bảo quản... Các công ty này cũng góp phần tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Hiện sản phẩm rau an toàn của phường Cộng Hòa đang trong quá trình xây dựng nhãn hiệu chứng nhận nhưng đã được thị trường chào đón. Trước đây, mỗi hécta rau chỉ thu được 50 – 70 triệu đồng, nhưng khi thực hiện dự án xây dựng thương hiệu, giá trị kinh tế lên tới 150 triệu đồng/ha. Ông Phạm Văn Sơn cho biết: “Chúng tôi đang xúc tiến xây dựng thêm các nhà lưới để trồng thêm rau trái vụ có giá trị kinh tế cao. Qua đề án quy hoạch vùng rau an toàn này, người dân vẫn phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy trình sản xuất an toàn về thuốc bảo vệ thực vật và phân bón thì mới xây dựng được thương hiệu riêng”.
|
Những người nông dân phấn khởi thu hoạch vụ rau được mùa |
Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục triển khai xây dựng 23 dự án thương hiệu nông sản, bao gồm 5 dự án có nhãn hiệu tập thể, 14 dự án nhãn hiệu chứng nhận và 4 dự án chỉ dẫn địa lý của sản phẩm. Tỉnh Quảng Ninh đã hoàn tất việc lập quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đồng thời thành lập 15 Hội, Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh các sản phẩm được xây dựng thương hiệu. Các Hội, Hợp tác xã này thực hiện vai trò đầu mối tổ chức sản xuất, tiếp thu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm và tìm đầu ra cho sản phẩm. Ông Đinh Sỹ Nguyên, Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ninh, cho biết: “Trong 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới của cả nước thì có 3 tiêu chí về kinh tế là quan trọng và cũng là mục tiêu khó khăn nhất. Thế nhưng, việc xây dựng thương hiệu sẽ giải quyết ngay những vấn đề này. Việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung, quy trình chế biến, các loại tiêu chuẩn chất lượng, nhãn hiệu… phải đảm bảo. Và quan trọng hơn là tìm đầu ra cho người dân nên phải xây dựng các tổ chức Hội và thành phần không thể thiếu là doanh nghiệp đóng trên địa bàn sẽ cùng với bà con để đưa sản phẩm ra thị trường".
Từ cách làm này, các sản phẩm nông sản, thủy sản chủ lực của Quảng Ninh như na dai Đông Triều, mai vàng Yên Tử, ngán Quảng Yên… đang dần có vị trí vững chắc trên thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Quảng Ninh. Xây dựng những vùng sản xuất nông sản trọng điểm đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho hàng ngàn nông dân tại Quảng Ninh, tạo ra những chuyển biến tích cực, cũng như góp phần phát triển kinh tế- xã hội địa phương./.
Hoài Lam, Ngọc Thiện