Tận dụng EVFTA và EVIPA để tăng cơ hội phát triển và hội nhập

(VOV5) - Khi Hiệp định có hiệu lực, người tiêu dùng Việt Nam có điều kiện mua sắm hàng hóa chuẩn châu Âu nhưng miễn thuế. Đây là điểm rất có lợi.

Ngày 8/6, Quốc hội Việt Nam chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nan và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA). Đây là thành quả lịch sử, là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - EU nói chung, mở ra cơ hội phát triển và hội nhập của Việt Nam trong thời gian tới.

EVFTA và EVIPA đại diện cho những cơ hội to lớn dành cho tăng trưởng thương mại và đầu tư, cũng như gia tăng phúc lợi  xã hội.  Khi EVFTA, EVIPA đi vào thực thi, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ được cải thiện trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Tận dụng EVFTA và EVIPA để tăng cơ hội phát triển và hội nhập   - ảnh 1 Ảnh minh họa TTXVN

Bù đắp sự suy giảm của nền kinh tế trong giai đoạn dịch bệnh

Dịch COVID-19 tác động đến tình hình sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam và các đối tác của Việt Nam trên toàn cầu. Trong bối cảnh đó, việc Hiệp định EVFTA có hiệu lực mang ý nghĩa quan trọng, giúp bù đắp sự suy giảm của nền kinh tế trong giai đoạn dịch bệnh. Từ phía doanh nghiệp, EVFTA sẽ mang đến cơ hội thị trường đa dạng hơn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng hậu dịch bệnh. 

Thực tế thời gian qua, tại thị trường châu Âu, doanh nghiệp Việt Nam chịu sự cạnh tranh từ nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới. Do vậy, thị phần hàng hóa của Việt Nam tại EU còn khiêm tốn. Đáng chú ý, chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Do đó, theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế trong EVFTA, cơ hội gia tăng xuất khẩu của ViệtNam là rất lớn, nhất là khi đã Việt Nam đã cơ bản khống chế được dịch COVID-19, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội, chủ động hơn so với các doanh nghiệp ở nhiều quốc gia khác.  Ông Trần Thanh Hải cho rằng: "EU là thị trường lớn và cũng đang tạo ra những giá trị rất cao trong hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Đây cũng là thị trường của những mặt hàng truyền thống, có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ... Trong thời gian qua, Việt Nam đã thâm nhập và mở rộng được kim ngạch ở thị trường này. Với việc Hiệp định EVFTA có hiệu lực, chúng ta sẽ thuận lợi hơn nữa trong việc tiếp cận thị trường khi mà hầu hết các mặt hàng xuất khẩu sang khu vực này thuế suất sẽ được đưa về 0%.."

Về nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ được lợi từ nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu với chất lượng tốt và ổn định với mức giá hợp lý hơn từ EU.

Ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: "Việt Nam không chỉ xuất khẩu sang châu Âu mà còn nhập khẩu từ châu Âu và người tiêu dùng cũng sẽ được mua hàng hóa châu Âu với thuế suất 0%. Hiện nay trong kim ngạch xuất khẩu 2 chiều 57,2 tỷ USD, Việt Nam nhập 15 tỷ, phần lớn là máy móc thiết bị, hàng dược phẩm, mỹ phẩm. Khi Hiệp định có hiệu lực, người tiêu dùng Việt Nam có điều kiện mua sắm hàng hóa chuẩn châu Âu nhưng miễn thuế. Đây là điểm rất có lợi. Cho nên ngày hôm nay đem lại niềm vui chung của doanh nghiệp và người dân.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế nhằm cải thiện môi trường đầu tư

Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA) quy định một số nguyên tắc nhằm bảo đảm để Việt Nam phát triển quan hệ với EU trên tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phù hợp với những mục tiêu đã được các bên thỏa thuận theo hiệp định hợp tác và đối tác toàn diện Việt Nam- EU. Cùng với Hiệp định EVFTA, việc thực hiện các cam kết theo hiệp định EVIPA sẽ là động lực thúc đẩy Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi bình đẳng, an toàn, minh bạch và thân thiện hơn đối với nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế. Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết: "Việc phê chuẩn Hiệp định sẽ mang lại cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tiếp cận nền công nghiệp hiện đại, công nghệ mới và công nghệ sạch từ các nước Châu Âu. Cùng với Hiệp định Thương mại tự do, Hiệp định Bảo hộ đầu tư đem lại nhiều lợi ích về thu hút đầu tư nước ngoài từ các nước thành viên Liên minh Châu Âu, tạo cơ hội cho nhà đầu tư Việt Nam vào thị trường Châu Âu. Hiệp định cũng tạo ra khuôn khổ pháp lý cho phép Nhà nước Việt Nam và nhà đầu tư Việt Nam đưa tranh chấp ra giải quyết khi quyền lợi bị xâm phạm.

Liên minh châu Âu (EU), thị trường với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) lên đến khoảng 18.000 tỷ USD thực sự là một thị trường đầy tiềm năng và không thể bỏ qua của Việt Nam. Với việc Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu, Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và các nước thành viên Liên minh châu Âu, con đường để Việt Nam tiếp cận với thị trường EU đã trở nên rộng mở hơn rất nhiều, tăng cơ hội cho phát triển kinh tế.

Phản hồi

Các tin/bài khác