Bản hùng ca những chuyến tàu không số

(VOV5) - "Tàu không số" không phải không có số, mà là có rất nhiều số. Hay nói đúng hơn, là không có số nào cố định.

Ngày 23/10/1961, Bộ Chính trị và quân ủy Trung ương đã quyết định thành lập Đoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 ngày nay với tên gọi Đoàn tàu không số để chi viện cho chiến trường miền Nam. Cũng từ đây, đường Hồ Chí Minh trên biển được hình thành. 61 năm trôi qua, Đoàn tàu không số gắn liền với con đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành huyền thoại của những huyền thoại. Những con người lịch sử ngày đó người còn, người mất, những câu chuyện về Đoàn tàu không số vẫn như khúc tráng ca bất tử minh chứng cho một thời “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Đoàn tàu không số ấy cũng đã trở thành nguồn cảm hứng cho bao thế hệ nhà văn, nhà thơ, những nhà làm phim, và những nhạc sĩ sáng tạo nên những tác phẩm làm lay động con tim biết bao người, dù đã từng, hay chưa một lần sống qua thời máu lửa.

Nghe âm thanh chương trình tại đây:

 
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước của dân tộc, những con tàu không số làm nhiệm vụ chuyên chở vũ khí, lương thực cho chiến trường miền Nam qua tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển.

Là những người lính từng đi qua cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc, nhà thơ Nguyễn Địch Long đã sáng tác bài thơ “Những chuyến tàu không số”, và sau này được nhạc sĩ Hoàng Trọng phổ nhạc thành bài hát cùng tên. Bài hát "Những chuyến tàu không số" như lời nhắc nhở về công lao của những chiến sĩ và nhớ về con đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Bản hùng ca những chuyến tàu không số - ảnh 1Tàu HQ671 hay còn được biết đến với số hiệu C41, 641 đã góp phần làm nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển

Nhà thơ Nguyễn Địch Long chia sẻ: "Tôi là một người lính từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngày tôi hành quân đi B chiến đấu là đi trên đường Trường Sơn. Những chuyến tàu không số cứ ám ảnh tôi trong suốt chặng đường chiến đấu và công tác của mình. Tôi nhớ lần ra thăm lại biển Đồ Sơn. Ở đó vẫn còn những cây cột mà ngày xưa chúng ta dùng để đóng cầu tàu, vận chuyển hàng hóa vào chiến trường. Tôi rất xúc động và nghĩ rằng, bao nhiêu con tàu từ đây ra đi và có rất nhiều con tàu không trở về. Bao nhiêu những chàng trai rời vòng tay mẹ và rất nhiều những chàng trai không nằm được ở nghĩa trang… Tất cả những xúc động đó khiến tôi sáng tác bài thơ “Những chuyến tàu không số”.

Và bài thơ ấy đã được nhạc sĩ Nguyễn Địch Long chắp cánh bởi những giai điệu. "Sau khi đọc bài thơ này, tôi vô cùng xúc động và cảm xúc cứ trào dâng. Tôi cảm thấy cần phải viết ngay thành một bài hát, cũng bởi trong những năm tháng chiến tranh, tôi đã từng là một người lính tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền nam và thống nhất đất nước. “Năm tháng chiến tranh dấu son thời gian” âm nhạc đã nhắc lại câu đó. Chất liệu âm nhạc mà tôi sử dụng có chất biển, mang âm hưởng của miền Bắc. Âm nhạc mang tính chuyển tải, những con tàu ra đi còn rất nhiều bến đậu. Nhất là trong chiến tranh, những con tàu đi đã phải ngừng nghỉ ở rất nhiều chặng khác nhau. Hình ảnh những con tàu nhỏ bé mà kiên cường, những chiến sĩ đã anh dũng ở lại với biển làm tôi rất xúc động…" - nhạc sĩ nói.

Bản hùng ca những chuyến tàu không số - ảnh 2Cựu chiến binh của Đoàn tàu không số thăm tàu HQ671 tháng 7/2016 - Ảnh: Bảo tàng Quân chủng Hải Quân

"Tàu không số" không phải không có số, mà là có rất nhiều số. Hay nói đúng hơn, là không có số nào cố định. Các con tàu này được cải trang thành nhiều tàu khác nhau. Khi thì là tàu đánh cá, khi thì là tàu buôn nước ngoài. Trước khi vào vùng biển tỉnh nào để thả vũ khí, các thuỷ thủ sẽ sơn tàu, đổi số hiệu, rồi mới vào bờ. Sau khi thả xong vũ khí, tàu quay đầu đi ngược trở lại ra hải phận quốc tế, lại sơn phết, thay đổi số xong mới đi sang vùng biển tiếp theo. Vì vậy, dù được thông báo có tàu đổ vũ khí, nhưng các con tàu với số hiệu không cố định sẽ không bị phát hiện. Cứ như vậy, trong suốt 15 năm làm nhiệm vụ vận tải chiến lược quân sự trên biển (1961-1975), Đoàn 125 huy động được gần 1.900 lượt tàu thuyền, vận chuyển hơn 152.000 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh và hơn 80.000 cán bộ, chiến sĩ từ Bắc vào Nam. Bản hùng ca ấy đã đi vào âm nhạc của nhạc sĩ Xuân Nghĩa thật đặc biệt.

Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Nghĩa cho biết: "Tôi viết bài Bản hùng ca trên đại dương vào năm 2011, khi được Trung ương Đoàn tham gia 20 ngày hành trình theo dấu tích đường HCM trên biển nhân kỉ niệm 50 năm đoàn tàu không số huyền thoại. Bài hát được mở đầu với câu “Những con tàu năm ấy đi trong màn đêm, vượt sóng gió với bao người tuổi trẻ”, tức là nhắc tới điểm đặc biệt của những con tàu không số luôn khởi hành vào ban đêm và vào những ngày mưa gió để che mắt địch. Tôi viết bài hát trong khoang thủy thủ tàu HQ 996 của hải trình đó. Ban đầu tôi mất vài ngày để tìm các âm giai và ý tưởng ca từ, cho đến khi tôi tham gia lễ thả vòng hoa tưởng niệm tại vùng biển Hòn Hèo của tỉnh Khánh Hòa – nơi mà thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh đã cho nổ tàu 235 để phi tang và anh dũng hy sinh. Trong không khí đó, tôi đã tưởng tượng bối cảnh cuộc chiến diễn ra như một bản hùng ca, và ngay tối hôm đó tôi đã viết được một đoạn… Những ngày sau đó tôi tiếp tục hoàn thiện bài hát cho đến khi kết thúc hải trình. Tựa đề bài hát về tàu không số là Bản hùng ca trên đại dương, bởi không chỉ nói về những con tàu trên mặt biển mà còn nói về những người đã nằm xuống giữa lòng đại dương bao la".

Đường Hồ Chí Minh vượt dãy núi Trường Sơn khó khăn, ác liệt bao nhiêu thì Đường Hồ Chí Minh trên biển còn hiểm nguy, gian khổ gấp nhiều lần. Mỗi chuyến đi của con tàu không số là một cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt, cảm tử với kẻ thù, với thời tiết. Những chiến sĩ lái tàu không số gây xúc động lòng người về tinh thần quả cảm, khả năng chịu đựng gian khổ, hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Ngợi ca chiến công oanh liệt của các chiến sĩ tàu không số, nhạc sĩ Quỳnh Hợp lại có một hướng tiếp cận khác, khi phổ nhạc cho bài thơ của Đại tác Đoàn Vũ Vinh. Ca khúc Nơi ta viết tình ca nói về tình yêu thủy chung, son sắt của người phụ nữ Nam Bộ – nơi bến bãi đón nhận những chuyến tàu chở vũ khí chi viện cho miền Nam đánh Mỹ. Bài hát để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người nghe bởi giai điệu nhẹ nhàng, thiết tha, nhiều xúc cảm cùng với những ca từ chân thật, giản dị, chứa đựng tình cảm bao la của tác giả trước những hy sinh thầm lặng của người lính biển. 
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác