(VOV5) - "Áp lực giữ sức khỏe để thu live đôi khi còn khiến tôi mệt hơn".
Với giọng hát trầm, dày và tình cảm, ca sĩ Tuấn Hiệp được người yêu nhạc nhớ đến như một “lãng tử của những bản tình ca”, khi anh theo đuổi dòng nhạc trữ tình và cho ra mắt các album rất được yêu thích như Bơ vơ, Tình khúc Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Tình khúc Phú Quang – Hà Nội run run heo may...
Sau một thời gian “vắng bóng”, ca sĩ Tuấn Hiệp vừa ra mắt album bằng định dạng đĩa than, mang tên “Như gió heo may” - tuyển tập những tình khúc vượt thời gian, với âm hưởng lãng mạn, trữ tình. Anh cùng các nghệ sĩ trong ban nhạc đến từ nhiều quốc gia (Việt Nam, Mỹ, Đức) thực hiện suốt 6 năm. Đây được xem là “cuộc chơi lớn” của nam ca sĩ khi chạm vào thị trường người nghe khó tính và dường như chỉ dành cho số ít.
Nghe âm thanh chương trình tại đây:
"Với một người nghệ sĩ, để làm sản phẩm đĩa than là điều rất khó khăn và phải phấn đấu. Định dạng đĩa than rất kén người nghe, phải là những người chơi âm thanh hi-end mới trang bị những bộ dàn, những mâm than để nghe nhạc. Họ là những người rất khó tính. Tôi muốn biên tập một không gian âm nhạc của những năm trước 1975.
“Nỗi lòng người đi” của nhạc sĩ Anh Bằng viết về tâm trạng của một người xa xứ. Tôi cũng đã rời Hà Nội đến nay đã 10 năm rồi, sau khoảng thời gian hơn 20 năm gắn bó. Hà Nội luôn mang cho tôi cảm giác khắc khoải và nhớ nhung. Vì vậy hát “Nỗi lòng người đi” là sự tri ân của tôi với khán thính giả Hà Nội, không những tôi chọn đưa vào album lần này mà còn đặt ca khúc ở vị trí số 1 mặt A của đĩa than.
Khi làm đĩa than, thì ngay đầu vào cũng phải là những máy móc hiện đại, đắt tiền. Ví dụ cái micro cũng đã có giá mấy chục ngàn USD. Như thế, việc thu thanh đĩa than thì áp lực nhất là vấn đề sức khỏe, bởi khi có sức khỏe thì có thể xử lý tác phẩm dễ dàng theo đúng ý mình muốn. Bên cạnh đó, nhà sản xuất đã thuê hẳn một căn phòng với cây đàn piano to để phục vụ cho việc thu thanh, cộng với một ê-kíp rất nhiều người. Nếu sức khỏe của mình hôm đó không đảm bảo thì sẽ mất công sức của nhiều người khác, tốn kém cho nhà sản xuất.
Ca sĩ Tuấn Hiệp giới thiệu đĩa than “Như gió heo may” |
Tuấn Hiệp đã thu live cùng với nghệ sĩ piano Vincent Nguyễn – Nguyễn Công Phương Nam, thành viên của Dàn nhạc Jazz quân đội Đức (Die Big Band der Bundeswehr). Thu đĩa than là thu định dạng analog, một lần được là lấy luôn còn nếu không được thì phải thu từ đầu. Chính vì thế chúng tôi đã phải chuẩn bị rất kỹ trước khi vào thu.
Trước kia, Tuấn Hiệp chưa có lần nào gặp nhà sản xuất Viết Thịnh – ông chủ hãng đĩa Tuấn Trinh ở Mỹ. Rồi Viết Thịnh nhắn tin, nói rằng Tuấn Trinh đang muốn làm đĩa than đầu tiên, và mời Tuấn Hiệp cùng 3 ca sĩ khác ở Việt Nam để thử giọng. Trong một lần sang Mỹ biểu diễn, tôi đã đến gặp Viết Thịnh và hát mấy câu trong bài “Cô đơn” của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Hát chưa đến nửa bài, Viết Thịnh đã quyết định mời Tuấn Hiệp hát cho đĩa than đầu tiên của công ty.
Trong đĩa than lần này, Tuấn Hiệp và anh Nguyễn Công Phương Nam đã tập với nhau online vì Hiệp ở Việt Nam còn anh Nam ở Đức, Hiệp ôm ghi-ta còn anh Nam chơi piano. Đến khi sang Mỹ, hai anh em cùng vào phòng thu. Và phần thu âm đã được thực hiện trong vòng 10 ngày.
Tôi rất hài lòng bởi trong khoảng thời gian rất ít mà chúng tôi đã làm được như vậy, tuy vẫn có chút suy nghĩ rằng nếu có nhiều thời gian hơn thì chúng tôi sẽ làm được tốt hơn. Phải nói thật rằng trong 10 ngày đó, áp lực phải giữ sức khỏe đôi khi làm cho tôi cảm thấy như càng mệt hơn. Chúng tôi thu live, và cũng có những chỗ khi nghe lại tôi cũng không hài lòng lắm (nhưng chỉ mình biết thôi). Tuy nhiên, chúng tôi đã thu đĩa than này từ năm 2019, đến bây giờ mới phát hành nên nhà sản xuất cũng đã có nhiều thời gian trau chuốt cho sản phẩm này, từ thiết kế, master âm thanh, rồi in đĩa bên Mỹ. Lần đầu tiên in bị lỗi, nên Viết Thịnh phải đi tìm nhà in ấn số 1 tại Mỹ để in lại. Vì thế nên mặc dù mất nhiều thời gian chờ đợi nhưng sản phẩm này lại được làm cho hay hơn..."
Album Như gió heo may gồm 2 phần: phần 1 khởi đầu từ Nỗi lòng người đi (Nhạc sĩ Anh Bằng); qua những trăn trở trong tình yêu Chỉ chừng đó thôi (Nhạc sĩ Phạm Duy), Tình yêu đến trong giã từ (Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9); khép lại bằng Hà Nội ngày tháng cũ (Nhạc sĩ Song Ngọc) - mảnh đất gắn với những ngày đầu tiên trong sự nghiệp ca sĩ Tuân Hiệp.
Phần 2 diễn tả những bước đường phiêu du của người nghệ sĩ tới những miền đất mới trong Paris có gì lạ không em (Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên), cùng những nỗi niềm riêng trong cuộc đời Tương tư 4 (Nhạc sĩ Mặc Thế Nhân), Bài không tên cuối cùng (Nhạc sĩ Vũ Thành An) và khép lại bằng ca khúc kinh điển về nỗi lòng của người nghệ sĩ Cô đơn (Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9).
Album có 2 ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, cũng là một sự tri ân đặc biệt của Tuấn Hiệp dành cho người nhạc sĩ có nhiều kỷ niệm và sự gắn bó với anh trong giai đoạn Tuấn Hiệp chuyển sang hát dòng nhạc tình ca bất hủ.