(VOV5) - Chương trình nghệ thuật “Đất nước và Tình yêu” là đêm thơ nhạc đặc biệt, giới thiệu những tác phẩm thơ của nhà thơ Lê Cảnh được các nhạc sĩ phổ nhạc thành công.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Chương trình mở màn đầy ấn tượng với bản hợp xướng “Tiếng gọi Rồng Tiên” – một trong những tác phẩm thành công và cũng là đánh dấu mối lương duyện thơ - nhạc giữa nhà thơ Lê Cảnh Nhạc và Nhạc sĩ Đức Trịnh. Tác phẩm đã từng được Đoàn nghệ thuật Sơn La dàn dựng, biểu diễn và đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015.
Chương trình nghệ thuật “Đất nước và tình yêu” giới thiệu đến công chúng 16 tác phẩm của các nhạc sĩ: Đức Trịnh, Văn Dung, Quốc Nam, Trương Ngọc Ninh, Nguyễn Thụy Kha, Đặng An Nguyên, Xuân Phương, Tuấn Phương, Hồ Trọng Tuấn, Văn Tiến... phổ từ thơ của nhà thơ Lê Cảnh Nhạc và cả những tác phẩm được các nhạc sĩ đặt viết lời. Đó là: Tiếng gọi rồng tiên, Non nước đàn trời, Đôi bờ ví giặm, Non nước Thiên Cầm, Thắp niềm tin cuộc sống, Về Hương Sơn, Hồn quê hội tụ, Da diết một miền quê, Đêm Phiêng Lơi, Lời ru một mình, Mơ về Hà Nội, Bão giông tình biển, Bão giông lòng mẹ, Áo trắng vùng cao... trong chương trình, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc cũng đã mang đến cho công chúng những vần thơ chất chứ nỗi niềm với Tổ quốc, quê hương và tình yêu như: Miền Trung, Sao em không về quê cùng anh, Con tàu và bến cảng, Hạt bụi..
Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc bộc bạch: “ Thơ của tôi chủ yếu viết về tình yêu quê hương, tổ quốc, tình yêu con người. Mối lương duyên giữa thơ và nhạc mà cuộc sống đã cho tôi gặp gỡ các nhạc sĩ. Ban đầu là những bài thơ lọt vào mắt xanh của các nhạc sĩ, được các nhạc sĩ giao thoa, cộng cảm với tôi và làm cho thơ tôi cất cánh. Tôi đặc biệt cảm ơn các nhạc sĩ trong quân đôi, chính họ là những người gợi mở đề tài, kích hoạt sáng tạo để tôi có thể tham gia viết ca từ cho các ca khúc và sau này chính những bài hát phối hợp cùng các nhạc sĩ, được các nhạc sĩ giao cho viết ca từ là những bài hát thành công nhất. Đấy cũng là những bài thơ tôi rất tâm đắc. Có thể nói: tình cảm giữa tôi và các nhạc sĩ nhiều khi gắn kết như là một. Sự tin cậy, sự gửi gắm, đồng điệu giữa hai tâm hồn đã mang lại hiệu ứng rất tốt cho cả thơ và nhạc".
Nói về nhà thơ Lê Cảnh Nhạc, người đã cộng cảm và cùng cho ra đời gần 20 ca khúc, trong đó có nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng, nhạc sĩ Lê Mây cho biết: “Tôi đã phổ gần 20 bài thơ của Lê Cảnh Nhạc, đầu tiên là bài Xin làm hạt phù sa, sau đó được lấy làm nhạc phim và trở thành một trong những ca khúc rất được quan tâm về đề tài xã hội, đó là trách nhiệm của xã hội đối với việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Sau này có thêm Đêm Phiêng Lơi, Bão giông lòng mẹ, Sắc xuân Long Biên… đó là những kỷ niệm khó quên”.
Tiến sĩ, Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc hiện là Tổng Biên tập Báo Gia đình và Xã hội, đồng thời là Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình. Là con người của công việc, luôn bận rộn với cương vị của người làm công tác quản lý nhưng với ông, mỗi chuyến công tác, mỗi khoảnh khắc chợt đến luôn tạo cho ông những xúc cảm trong sáng tạo. Dường như trong ông luôn thường trực một mạch nguồn ngập tràn nhựa sốn, để mỗi khi chạm vào là tuôn chảy. Nhà thơ Lê Cảnh nhạc đã từng viết:
“Đất nước tôi vỗ sóng khúc đàn trời
Trường Sơn giăng dây độc huyền xanh thắm
Nhịp phách biển đông âm vang sâu lắng
Khúc ví dặm đồng dao ngân trên phím dân ca”.
Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc chia sẻ: “Tôi quan niệm rằng trong cuộc sống mình phải phân thân. Lúc nào làm công tác quản lý thì mình đừng có “Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”, còn khi rời vị trí quản lý, ra với cuộc sống, kể cả trên đường về nhà, mình phải để tâm hồn mình chảy với cuốc sống. Có phân thân được như vậy mình mới có thể có những cảm xúc sáng tạo. Bất kể lúc nào, bất cứ chi tiết nào trong cuộc sống cũng có thể đưa vào thơ. Có một điều tôi nhận thấy, không phải bất cứ bài thơ hay nào cũng có thể phổ nhạc và khi đồng hành cùng các nhạc sĩ thì tôi thấy: để các nhạc sĩ có thể viết nhạc, có thể thả hồn vào thơ thành một ca khúc thì bài thơ phải có nhạc điệu”.
Là nhạc sĩ có tới 18 tác phẩm phổ thơ và được nhà thơ Lê Cảnh nhạc viết lời, Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh, Hiệu trưởng Trường Đại học văn hóa nghệ thuật Quân Đội, Tổng đạo diễn chương trình Đất nước và Tình yêu cho biết: “Tôi quen Lê Cảnh Nhạc gần 10 năm từ một lần hữu duyên trong một lễ khánh thành tượng đài và từ đó chúng tôi bắt duyên nhau. Cho đến giờ chúng tôi đã cùng nhau có được gần 20 ca khúc. Chúng tôi viết nhiều về đề tài xã hội, các sự kiện lớn của đất nước và đặc biết những ca khúc về Hà Tĩnh. Tôi đã vinh dự được kết nạp là hội viên danh dự của Hội đồng hương Hà Tĩnh”.