(VOV5) - Vì nỗi nhớ quê hương thân yêu nên mặc dù không phải là người cầm bút chuyên nghiệp, chỉ vì nhớ quê, yêu quê mà Lê An Tuyên đã viết nên những vần thơ câu hát mang đậm chất dân ca xứ Nghệ.
Cách xa quê nhà vạn dặm, một người con miền Trung đã gửi lòng mình qua những ca khúc mà chị sáng tác, đầy nhớ thương sâu lắng. Đồng cảm với chị, nhiều người Việt ở Đức, nhất là người miền Trung đã coi Lê An Tuyên là nhạc sĩ của riêng họ, bởi chị nói thay họ nỗi lòng khôn nguôi nhớ về quê hương, đặc biệt là khúc ruột miền Trung với chất dân ca quen thuộc ngấm trong từng giai điệu.
Lê An Tuyên - tác giả của những ca khúc đậm chất dân ca xứ Nghệ
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Những ca từ trong ca khúc Thương ơi điệu ví, một sáng tác của Lê An Tuyên, hay cũng chính những lời tự sự của chị: "Mẹ sinh ra em để em ru lời dịu ngọt, mẹ sinh ra em để em hát giọng đò đưa. Câu hát đưa em về trong nỗi nhớ…" – đó là nỗi nhớ của một người con xa luôn giữ hình ảnh quê hương trong trái tim mình. Vì nỗi nhớ quê hương thân yêu nên mặc dù không phải là người cầm bút chuyên nghiệp, chỉ vì nhớ quê, yêu quê mà Lê An Tuyên đã viết nên những vần thơ câu hát mang đậm chất dân ca xứ Nghệ.
Lê An Tuyên tâm sự: "Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình ít nhiều cũng có truyền thống về âm nhạc. Cậu ruột của tôi là nhạc sĩ Võ Văn Di, người đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị cho đất nước. Tôi lại được sinh ra giữa một miền đất giàu bản sắc, truyền thống. Mẹ tôi đã thổi vào tâm hồn con những lời ru đầu tiên bằng chính những câu hò điệu ví thật đằm thắm. Đây cũng chính là những cơ duyên đã buộc chặt tôi với những sáng tạo âm nhạc cho đến tận bây giờ".
Tiếng mẹ ru cũng là một trong những ca khúc nói lên tâm trạng của chị - của những người xa xứ như chị - nhớ quê nhà, nhớ người thân, bạn bè biết bao xa cách. Nỗi nhớ thương ấy, qua những giai điệu ngọt ngào, day dứt mang âm hưởng dân ca ví dặm, càng thêm sâu lắng. Chị - một người đàn bà xinh đẹp đang sống ở CHLB Đức với công việc kinh doanh hàng thời trang. Và giữa những bộn bề công việc, chị đã cho ra đời những ca khúc mang nặng hồn quê.
Chị tâm sự: " Tôi không có nhiều thời gian dành riêng cho công việc sáng tác. Những ca khúc của tôi ra đời hầu hết trong những khi tôi đang làm việc. Đặc biệt những lúc bán hàng cho các cụ già, nhìn sự cô đơn của những người già bên Châu Âu, tôi lại nhớ cha mẹ mình vô hạn. Nỗi nhớ cứ trào dâng, tôi vội xé những mảnh giấy gói hàng để ghi lại những cảm xúc ấy. Như nhạc sĩ Nguyễn An Thuyên đã từng nói, càng đi xa càng muốn về… Thôi thì chưa về được, tôi gửi lòng mình bằng câu ca nốt nhạc đến với cha mẹ, người thân, bè bạn của mình".
Ca khúc Răng anh không về biển ngày ni của Lê An Tuyên được ra đời trong những ngày người dân miền Trung đang nặng trĩu với nỗi buồn khi trải qua cơn bão dữ. Khi ấy, ở bên kia bán cầu, Lê An Tuyên đã nhiều đêm trăn trở khi nghĩ về quê mẹ, và người con xứ Nghệ ấy đã cảm tác viết nên ca khúc này. Lê An Tuyên tâm sự, chính chị cũng đã rất xúc động đến trào nước mắt khi được nghe bản thu âm này lần đầu tiên được thể hiện qua giọng hát luyến láy tự nhiên, da diết đúng chất Nghệ của Lương Nguyệt Anh.
Cứ như vậy, mỗi sự kiện ở quê nhà đều mang đến cho Lê An Tuyên những xúc cảm sâu lắng, để rồi chị lại ngồi xuống bên cây đàn, gõ xuống, và rồi một giai điệu mới lại cất lên.
"Cho tới hôm nay tôi có khoảng 40 ca khúc viết về cuộc sống. Chủ đề mà tôi quan tâm là thân phận con người, mảnh đất, tình yêu và niềm trăn trở đối với quê hương. Với sự đóng góp nhỏ nhoi chưa phải là chuyên nghiệp, chưa bằng lớp cha anh đi trước đã làm nên nhưng tôi viết bằng cảm xúc mãnh liệt, bằng trái tim đồng cảm chân thành… Tác phẩm đã để lại nhiều dấu ấn trăn trở nhất trong sự đam mê sáng tác của mình, đó là Lời cỏ may – đó là đứa con đầu đời, cảm xúc đầu tay, tất cả đều trinh nguyên, mộc mạc, chân thành và tràn đầy khát vọng. Tình yêu nơi chốn quê cứ níu chặt tâm hồn của An Tuyên, tạo thành sự giản dị và niềm thủy chung - vậy thôi"...