Lễ chùa đầu năm

(VOV5) - Đầu năm mới, người ta đi chùa là để hướng mình nghĩ đến cái tâm tốt lành, hướng thiện, đức từ bi, trí tuệ của nhà Phật. 

Đầu năm du xuân, lễ chùa – đó đã trở một nét đẹp văn hóa của người Việt. Đi lễ chùa đầu năm không chỉ để ước nguyện mà đó còn là thời gian mọi người tìm về với chốn tâm linh sau những ngày tháng vất vả mưu sinh. 

Lễ chùa đầu năm - ảnh 1

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Đầu năm mới, người ta đi chùa là để hướng mình nghĩ đến cái tâm tốt lành, hướng thiện, đức từ bi, trí tuệ của nhà Phật. Với ca khúc Cầu Phật, nhạc sĩ Lê Mây cũng có những tâm nguyện riêng chung. "Chúng ta có nỗi niềm, chúng ta tìm đến Phật. Lần này tôi tìm đến Phật cũng có những nỗi niềm. Tôi không xin gì cho bản thân mình mà xin 3 điều lớn – đó là cầu cho mưa thuận gió hòa, đừng có úng lụt hay nắng lửa, trái đất một màu xanh tươi. Thứ hai, tôi cầu cho thế giới thái bình, đừng mưa bom bão đạn. Thứ ba tôi cầu cho non sông ta vẹn toàn, đất vẫn thế, biển vẫn thế, tình yêu non sông đất nước vẫn thế, trái tim chúng ta vẫn thế…" - nhạc sĩ chia sẻ.

Cũng là một không gian huyền diệu và linh thiêng, ca khúc Bảng lảng Tây Thiên của nhạc sĩ Minh Quang đậm chất ca trù, và tiếng gõ mõ làm người nghe như phiêu diêu trong cảnh sắc như có, như không của vùng đất Phật…Tây Thiên, vùng đất với cảnh sắc hài hòa và thanh tịnh, nơi giao thoa giữa văn hóa đạo Phật và tín ngưỡng thờ Mẫu, là một trong những điểm du lịch tâm linh được nhiều người lựa chọn trong dịp đầu xuân mới. Vào tháng 2 âm lịch hàng năm, nơi đây tổ chức khai hội Tây Thiên nhằm tưởng nhớ Quốc Mẫu Tây Thiên, đây là một trong những lễ hội lớn nhất của miền Bắc. 

Vùng núi Yên Tử, nơi phát tích của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử và cũng là nơi diễn ra một trong những lễ hội lớn nhất cả nước dịp đầu xuân. Du khách đến hội chùa Yên Tử để được tách mình khỏi thế giới trần tục, thực hiện cuộc hành hương về đất Phật giữa thiên nhiên hùng vĩ... Sau hơn 2 thập kỷ, ca khúc Trên đỉnh Phù Vân vẫn là một trong những sáng tác được yêu mến nhất trong kho tàng ca khúc của nhạc sĩ Phó Đức Phương và được đặt làm chủ đề của đêm diễn kỷ niệm 50 năm chặng đường sáng tác của ông.

Nếu như Trên đỉnh Phù Vân mê hoặc người nghe bởi âm hưởng dân gian đương đại cùng những tiết tấu nhanh - chậm và giai điệu, ca từ ma mị, thì Em đi chùa Hương, tác giả Trung Đức phỏng thơ Nguyễn Nhược Pháp lại là niềm vui, háo hức rất hồn nhiên, nhí nhảnh của một cô gái mới lớn được đi trẩy hội chùa Hương cùng cha mẹ. Ca khúc này, với cảm xúc và giai điệu mượt mà đã đi vào lòng người từ những điều rất giản dị. Nhắc tới chùa Hương là nghĩ tới ca khúc Em đi chùa Hương, và nghe ca khúc Em đi chùa Hương là cũng nhớ ngay đến lễ hội lớn nhất và kéo dài lâu nhất ở miền Bắc, suốt cả mùa Xuân.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác