(VOV5) - Nhạc sĩ Hoàng Vân mất nhưng âm nhạc của ông vẫn còn sống mãi. Thế hệ người yêu nhạc sẽ luôn biết ơn gia tài âm nhạc ông để lại.
Nhạc sĩ Hoàng Vân
|
Nhạc sĩ Hoàng Vân, tác giả của những ca khúc bất hủ như “Tôi là người thợ lò”, “Quảng Bình quê ta ơi”, “Bài ca người giáo viên nhân dân”, “Hò kéo pháo”… vừa qua đời ở tuổi 88. Sự ra đi của nhạc sĩ Hoàng Vân để lại sự tiếc thương và khoảng trống to lớn trong lòng người yêu nhạc, không chỉ bởi sự nghiệp âm nhạc gắn liền với những biến động của lịch sử dân tộc mà bởi với nhạc sĩ Hoàng Vân, âm nhạc là tất cả lẽ sống của cuộc đời. Ông là người làm mới tất cả mọi cấu trúc, hòa thanh, hòa điệu và luôn tìm tòi, sáng tạo không ngừng nghỉ, ngay cả khi nằm trên giường bệnh.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Hò kéo pháo là một tác phẩm được nhạc sĩ Hoàng Vân sáng tác trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Có mặt tại chiến địa, ông đã được tận mắt chứng kiến cảnh các chiến sỹ đẫm mồ hôi trong sương đêm kéo những khẩu đại bác nặng vượt qua những núi cao, đèo dốc hiểm trở. Khi được nghe kể lại câu chuyện “cứu pháo” cảm động của liệt sỹ Nguyễn Văn Chức, Tô Vĩnh Diện… ông quyết đinh ghi lại những hình ảnh, cảm xúc trên chiến trường khi ấy bằng ca khúc “Hò kéo pháo”. Bài hát có ca từ giản dị, trong sáng, viết theo thể loại hò dân gian nên được nhiều chiến sĩ yêu thích, dễ thuộc và nhanh chóng lan truyền khắp chiến trường. Trong một lần trả lời phỏng vấn lúc còn khỏe mạnh, nhạc sĩ Hoàng Vân đã từng kể rằng, hình ảnh các chiến sĩ kéo pháo vượt núi cao đã làm ông thao thức nhiều đêm: "Nói về bài hát đó rất giản dị thôi. Đó là sự xúc động của một thanh niên trẻ ở Hà Nội ra chiến trường. Chứng kiến cảnh kéo pháo của người lính chưa bao giờ thấy. Đêm không ngủ được trăn trở để sáng tác".
Nhờ ca khúc Hò kéo pháo, nhạc sĩ Hoàng Vân được tặng huân chương Chiến công và gặp gỡ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông cũng được Tổng cục Chính trị cử đi học tại Nhạc viện Trung ương Trung Quốc trong sáu năm. Trở về nước, nhạc sĩ tiếp tục sáng tác nhiều ca khúc về đề tài quê hương, đất nước như: Tình yêu Hà Nội, Tình ca Tây Nguyên, Tình ca Vũng Tàu, Hà Nội - Huế - Sài Gòn, Quảng Bình quê ta ơi... Cùng với âm hưởng anh hùng ca hào sảng, các sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Vân trong giai đoạn này còn thấm đượm chất trữ tình. Trong số đó, Quảng Bình quê ta ơi được đánh giá là ca khúc viết về vùng miền hay nhất của ông.
Một mảng đề tài khác nổi bật trong gia tài đồ sộ của nhạc sĩ Hoàng Vân là các sáng tác về ngành nghề. Ông nổi tiếng với Bài ca xây dựng, Bài ca người giáo viên nhân dân, Bài ca người thủy thủ, Bài ca giao thông vận tải... Những nhạc phẩm này được ví như "ngành ca" của nhiều lĩnh vực.
Bài ca xây dựng là một trong những ca khúc rất thành công về một ngành nghề cụ thể trong xã hội của nhạc sĩ Hoàng Vân. Bài hát cũng lý giải tại sao những ca khúc của ông lại được người nghe yêu mến và đồng cảm đến vậy, bởi ông viết về ngành nghề nhưng có tình người, có bóng dáng và cuộc sống thường ngày của con người.
Cùng các ca khúc, hợp xướng, hòa tấu, ông còn viết nhiều ca khúc cho thiếu nhi và cả nhạc cho các bộ phim như Con chim vành khuyên, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội... Trong vai trò người thầy giảng dạy tại Nhạc viện, ông có nhiều học trò thành danh. Có thể kể tới các nhạc sĩ: An Thuyên, Trương Ngọc Ninh, Văn Thành Nho, Phú Quang... Nhạc sĩ Phú Quang chia sẻ: "Những tác phẩm của ông tôi may mắn được chơi nhiều từ hồi tôi còn làm nhạc công. Ông viết nhiều tác phẩm nhạc không lời. Tôi vẫn coi ông ấy là người sáng tác mẫu mực. Tất cả những tác phẩm đều toát lên đầy giai điệu".
Nhạc sĩ Hoàng Vân mất nhưng âm nhạc của ông vẫn còn sống mãi. Thế hệ người yêu nhạc sẽ luôn biết ơn gia tài âm nhạc ông để lại. Và có lẽ ở đâu đó thế giới bên kia, nhạc sĩ vẫn hướng về quê hương, đất nước, về những người thân như trong ca khúc Tình yêu Hà Nội ông từng viết:
"Ðêm pháo hoa nhớ tháng năm xa
Một bản tình ca, máu và hoa!
Ngàn năm tươi sáng mãi!
Và nơi đó có một người, người mà tôi mến yêu..."