(VOV5) - Với Giáo sư, nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất năm nào ông cũng phải trở về quê nhà một lần và mỗi lần trong ông luôn tràn đầy cảm xúc nghệ thuật. Gặp ông tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ 2 diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh mới đây, tôi không khỏi ngạc nhiên bởi nếu không biết, khó ai dám nghĩ ông đã ngoài 70 tuổi. Dáng đi, cách nói chuyện, nụ cười và cả những cái bắt tay thân thiện, toát lên ở con người ông một thần thái thánh thoát lạ thường. Ông bộc bạch: Lần trước tôi cũng vinh dự tham dự hội nghị lần thứ nhất. Tôi nghĩ đây là dịp để người Việt Nam toàn thế giới có thể tụ hội vì dù thế nào đi nữa, dù có sống ở nước ngoài hàng chục năm đi nữa thì Tổ quốc mình vẫn là Tổ quốc Việt Nam và mình vẫn là người Việt Nam. Vì thế tôi muốn nói với tất cả đồng bào là khi mình ở nước ngoài mình phải làm thế nào để cho người ta kính trọng mình. Vì kính trọng mình tức là thông qua mình họ kính trọng đất nước của mình. Mỗi người có một tư tưởng, sở trường khác nhau nhưng cơ sở để mình đoàn kết vì mình là người Việt Nam, mình tự hào mình là người VN. Cho dù tôi là nghệ sĩ Công huân LB Nga, nhưng tôi là người Việt Nam, Tổ quốc mình vẫn là Tổ quốc VN.
|
GS nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất được biết tới nhiều không chỉ bởi ông là là con trai cả của của NGND Nguyễn Lân (một gia đinh có đến 8 người con đều là giáo sư, tiến sĩ) và ông cũng là người Việt Nam đầu tiên được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Công huân Liên Bang Nga. Song điều ấn tượng hơn cả là đã hàng chục năm sinh sống và làm việc ở nước Nga nhưng tâm hồn ông và cả những tác phẩm của ông vẫn mang đậm hồn Việt. Ông tâm sự: Người nghệ sĩ không có cái hương của đất nước, không có tâm hồn của đất nước thì không thể sáng tác được. Mình ở nước Nga lạnh giá, xa xôi hàng vạn dặm nhưng mình không thể không nhớ về Tổ quốc. Không thể có nhạc sĩ Lân Tuất khi không có Tổ quốc Việt Nam. Tôi viết bản giao hưởng số 2 cũng là nhớ đến Việt Nam. Sau đó về tôi lại viết Balet Thiên Thai. Tôi cũng đã có bản hợp xướng Hà Nội Thăng Long được biểu diễn nhiều lần ở cả trong nước và cũng đã được chuyển tới nhiều nước. Lần này về tôi muốn viết một bản hợp xướng về Sông Hồng.
|
Nói tới các tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất, người yêu nhạc hàn lâm đều biết và yêu thích những tác phẩm viết cho dàn nhạc giao hưởng, những bản hợp xướng, balett với những tên gọi Việt Nam và mang đậm hồn Việt, nhưng có một tác phẩm thanh nhạc ít người đương thời biết đến, song thế hệ thanh niên Việt Nam những năm 1960 lại biết và thuộc nằm lòng đó là ca khúc Người con gái Việt được ông phỏng theo thơ của nhà thơ Anh Thơ. Ca khúc có giai điệu mượt mà, tha như vẽ nên một bức tranh âm thanh về quê hương Việt Nam tươi đẹp, êm đềm. Sau khi hoàn thành bài hát “Người con gái Việt” của Lân Tuất được thu thanh và phát trên làn sóng Đài phát thanh TNVN, thời gian này, nhạc sĩ Nguyễn lân Tuất đang công tác tại Đài TNVN. Có lẽ cái thú nghe Đài cũng ngấm vào ông từ ngày ấy. Bây giờ, sau hàng chục năm sống ở nước Nga, nhưng ông vẫn luôn hướng về Tổ quốc bằng nhiều sáng tác mang đậm dấu ấn một người yêu nước. Với ông việc nghe radio và xem tin tức mỗi ngày là điều không thể thiếu trong cuộc sống ở nơi xa xứ. Ông bảo: Phải xem VTV4, phải nghe Đài TNVN để biết được thông tin, biết được đất nước thay đổi như thế nào. Tôi không thể dứt được nguồn thông tin về đất nước dù chỉ là một tuần. Trước đây, hàng ngày tôi đều phải nghe Đài TNVN, không hiểu dạo này sóng sang Syberia không được tốt nên tôi nghe qua Internet nhiều hơn. Tuy nhiên tôi vẫn thích sóng radio. Vì tôi là người Việt Nam yêu nước.
Nhấn vào file để nghe âm thanh: