Đúng vào dịp Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X - năm 2024, nhạc sĩ Quỳnh Hợp và Công ty TNHH PDL Event & Entertaiment mang đến công chúng một dự án âm nhạc liên danh phi lợi nhuận mang tên: “Hát lên tình yêu Đà Lạt - Let’s sing love to Dalat”.
Là người luôn dành tình yêu đặc biệt với thành phố ngàn hoa, đã góp phần vào thành công của các Fesstival hoa qua nhiều lần tổ chức, nhạc sĩ Quỳnh Hợp mong muốn tạo một sân khấu chất lượng để phục vụ miễn phí đối với người dân và du khách, là nơi tôn vinh các tác giả, tác phẩm đã đóng góp vào kho tàng âm nhạc Đà Lạt, đồng thời phát hiện, bồi dưỡng các tài năng âm nhạc mới, nhiều triển vọng tại địa phương.
Nhạc sĩ Quỳnh Hợp, người khởi xướng dự án "Hát lên tình yêu Đà Lạt" |
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
BTV Bảo Trang: Thưa nhạc sĩ Quỳnh Hợp, sau rất nhiều ca khúc cũng như dự án ý nghĩa dành cho Đà Lạt, đến nay chị lại mang tới cho Đà Lạt thêm một “tình yêu” nữa. Chị có thể nói đôi chút về dự án lần này?
Nhạc sĩ Quỳnh Hợp: Nằm trong chuỗi những hoạt động âm nhạc không chỉ đồng hành cùng Festival Hoa Dalat lần thứ X – 2024 đang diễn ra mà còn đồng hành với những hoạt động âm nhạc của “thành phố sáng tạo âm nhạc của UNESCO”, dự án là sân chơi ca nhạc miễn phí mang tính cộng đồng cao được tổ chức ngoài trời trước rạp 3/4 - Khu Hòa Bình trung tâm của thành phố Đà Lạt vào mỗi thứ 6 và thứ 7 hàng tuần Lạt (khán giả tại chỗ và xung quanh xuống đến Hồ Xuân Hương ước tính hàng vài ngàn người cùng theo dõi được). Giờ biểu diễn phù hợp với khán giả từ 19h30 đến 21h vào mỗi tối cuối tuần.
Những đêm diễn này vừa mang tính nghệ thuật vừa có giá trị cộng đồng, giúp tăng sức hút cho Đà Lạt như một điểm đến du lịch nổi bật và đáng nhớ, tạo sự sôi động và sức sống cho thành phố với những bài hát về Đà Lạt từ hơn 130 năm hình thành và phát triển cùng những sáng tác mới.
BTV Bảo Trang: Trong khi Đà Lạt đã có những sân khấu âm nhạc tạo thương hiệu như Mây lang thang. Lululala… thì sân khấu của “Hát lên tình yêu Đà Lạt” sẽ có điểm khác biệt gì?
Nhạc sĩ Quỳnh Hợp: Đó là những sân khấu ngoài trời có view đẹp nhưng sức chứa nhỏ trên dưới 500 khán giả và thường xa trung tâm thành phố nên thường phải diễn ra sớm từ 17h và kết thúc sau 19h chút.
Chuỗi chương trình “Hát lên tình yêu Đà Lạt” được tổ chức tại tại sân khấu ngoài trời khu Hòa Bình – Trung tâm của Đà Lạt (khán giả tại chỗ và xung quanh xuống đến Hồ Xuân Hương ước tính hàng vài ngàn người cùng theo dõi được. Giờ biểu diễn phù hợp với khán giả từ 19h30 đến 21h vào mỗi tối cuối tuần. Mục tiêu của dự án này là: Kết nối cộng đồng, quảng bá văn hóa và nghệ thuật Đà Lạt; Truyền cảm hứng và năng lượng tích cực đến khán giả, kết nối khán giả với nghệ sĩ, giúp tôn vinh bản sắc văn hóa Đà Lạt và Việt Nam; Khích lệ mọi người trong cộng đồng cùng sáng tác và hát về Dalat đồng hành cùng những hoạt động âm nhạc của “thành phố sáng tạo âm nhạc của UNESCO” nhất là giới trẻ; Tạo không gian giải trí cho cộng đồng, thúc đẩy giao lưu văn hóa, tạo thêm một lý do để khách du lịch đến Đà Lạt đông hơn và lưu lại lâu hơn, tăng doanh thu cho các dịch vụ du lịch, kích thích kinh tế địa phương; Thúc đẩy sự quan tâm đến nghệ thuật, bởi thông qua đây, nhiều người có thể tiếp cận với nghệ thuật, nhất là người lao động. Các nghệ sĩ địa phương có nơi biểu diễn thường xuyên, giới thiệu văn hóa và tài năng của mình đến công chúng. Và văn nghệ sĩ khắp nơi có thể giao lưu biểu diễn mỗi khi đến Đà Lạt.
Dự án này có tác động tích cực đến an ninh trật tự xã hội, khi xây dựng hình ảnh văn minh đô thị, gắn kết cộng đồng giúp giảm thiểu các hành vi lệch lạc hoặc tiêu cực, góp phần tạo nên một môi trường xã hội hòa bình và ổn định hơn.
Về hình thức biểu diễn là hát live cùng ban nhạc với các hình thức hợp ca, tốp ca, song ca, đơn ca… không hát múa rầm rập như các sân khấu các lễ hội mà nhẹ nhàng, giản di, gần gũi kể chuyện Đà Lạt qua các bài hát; trang phục biểu diễn đậm phong cách của người Đà Lạt kiểu du ca, “nhỏ” mà có “võ”. Một sân khấu dạng ngẫu hứng (vẫn có kịch bản phần cứng) và mang tính cộng đồng cao có sự tham gia trực tiếp của khán giả, khuyến khích sự ngẫu hứng và sáng tạo. Các nghệ sĩ và khán giả thường chia sẻ những bài hát mới hoặc biến tấu trên nền nhạc quen thuộc với hình thức mới hơn, lạ hơn.
BTV Bảo Trang: “Khích lệ mọi người cùng sáng tác và hát về Đà Lạt” - chị nghĩ mọi người sẽ ủng hộ nhiều chứ?
Nhạc sĩ Quỳnh Hợp: Việc khích lệ mọi người cùng sáng tác và hát về Đà Lạt có nhiều khả năng được ủng hộ rộng rãi, đặc biệt trong bối cảnh Đà Lạt đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận trong lòng nhiều người. Tuy nhiên, sự thành công của ý tưởng này phụ thuộc vào cách triển khai, sự kết nối cảm xúc, và giá trị mà nó mang lại.
Đối tượng tham gia rộng rãi không chỉ nhạc sĩ chuyên nghiệp mà cả những người bình thường, từ du khách, người dân địa phương, đến người yêu Đà Lạt từ xa, đều có thể tham gia nếu họ có khả năng sáng tác và thể hiện dưới mọi hình thức.
Khi mọi người cùng sáng tác hoặc hát về một nơi yêu thương, họ cảm thấy được chia sẻ và gắn kết. Điều này tạo ra một cộng đồng cùng chung tình yêu với Đà Lạt từ đó lan tỏa tình yêu với Đà Lạt – Lâm Đồng.
Việc tham gia sáng tác hoặc hát về Đà Lạt không chỉ giúp phát triển năng lực cá nhân mà còn mở ra không gian cho những ý tưởng mới. Việc có thêm nhiều tác phẩm làm phong phú thêm văn hóa nghệ thuật của “thành phố sáng tạo âm nhạc của UNESCO”.
Tôi tin, việc "khích lệ mọi người cùng sáng tác và hát về Đà Lạt" sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ vì nó khơi gợi tình yêu chung và thúc đẩy sự sáng tạo. Đây không chỉ là một cách để lan tỏa hình ảnh Đà Lạt mà còn là dịp để gắn kết cộng đồng và giữ lửa cảm hứng nghệ thuật.
Mọi việc mới chỉ bắt đầu… tương lai còn phía trước. Có đi thì mới tới!
Ấn bản 102 ca khúc Quỳnh Hợp phổ thơ của nhiều tác giả dành tặng cho Đà Lạt |
BTV Bảo Trang: Chị có thể thống kê chị đã viết bao nhiêu ca khúc cho Đà Lạt? Nhiều như vậy có bị trùng ý tưởng không?
Nhạc sĩ Quỳnh Hợp: Năm 2023 – Thành phố Đà Lạt kỷ niệm 130 năm hình thành và phát triển. Tôi cùng nhà báo Hà Đình Nguyên có tuyển chọn và biên tâp tuyển tập “130 về Đà Lạt’ thì cũng gom những sáng tác về Đà Lạt của mình đủ 130 ca khúc (nhiều thật). Tôi chọn lại và đưa vào 1 tập nhạc của riêng mình 1 tuyển tập có tựa “102 ca khúc về Đà Lạt – Nhạc sĩ Quỳnh Hợp phố thơ nhiều tác giả”. Trong đó hầu hết các ca khúc đã ra mắt khán giả trong 7 albums (riêng và chung) của tôi đã phát hành vào mỗi dịp Festival Hoa.
Việc một tác giả sáng tác hàng trăm ca khúc về một chủ đề hoặc một địa danh cụ thể như Đà Lạt là điều không phổ biến, nhưng nó cho thấy tình yêu sâu sắc và cảm hứng bất tận từ vùng đất này. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra thách thức về việc giữ được sự đa dạng và không bị trùng lặp ý tưởng.
Trước hết, tôi viết ca khúc về Đà Lạt từ đầu những năm 2000. Dịp Lễ hội “sắc hoa Đà Lạt” – 2004, tôi cùng nhạc sĩ Dương Toàn Thiên – Trưởng phòng văn nghệ Đài PTHT Lâm Đồng ra mắt album “Đà Lạt thành phố ngàn hoa”. Nhiều ca khúc trong album này đã rất quen thuộc với không chỉ khán giả Đà Lạt.
Những cảnh sắc độc đáo ấy của Đà Lạt tạo cho mình những cảm xúc đặc biệt. Hơn 100 bài hát, hầu hết là những bài phổ thơ nên mỗi bài hát có thể kể một câu chuyện riêng với tôi và riêng với tác giả bài thơ, phản ánh những cảm xúc khác biệt: nỗi nhớ, tình yêu, niềm vui, hoặc sự cô đơn khi ở Đà Lạt. Sự đa dạng trong cảm xúc giúp tránh sự lặp lại về nội dung. Thời gian sáng tác khác nhau cũng dẫn đến những cách nhìn nhận mới. Một người nhạc sĩ có thể tái hiện Đà Lạt qua lăng kính của tuổi trẻ, trưởng thành, hoặc những hồi ức khi trở lại.
Khi viết nhiều như vậy thì người sáng tác phải đặc biệt quan tâm đến phong cách âm nhạc và thể loại cần thay đổi và đa dạng từ nhạc trữ tình, ballad, đến âm hưởng dân gian hoặc jazz, mỗi thể loại sẽ mang lại cảm giác khác biệt ngay cả khi cùng viết về một chủ đề. đặc biệt là phản tạo ra những bài hát mang dấu ấn cá nhân được thể hiện qua tính chất âm nhạc ở từng bài hát. Ngay cả khi sử dụng những hình ảnh quen thuộc như "rừng thông" hay "sương mù," cách mô tả và liên tưởng của mỗi người sẽ khác nhau.
Tuy nhiên, nguy cơ trùng lặp vẫn có thể xảy ra, vì thế, người sáng tác cần phải biết cách làm mới mình để có thể bắt nhịp được với đời sống âm nhạc đương đại.
BTV Bảo Trang: Tại sao chị dành nhiều tình cảm cho thành phố này đến thế?
Nhạc sĩ Quỳnh Hợp: Đà Lạt với tôi đã trở nên thân thuộc không chỉ bởi vẻ đẹp thiên nhiên mà còn bởi cảm giác yên bình và những giá trị tinh thần mà thành phố này mang lại.
Đà Lạt thường được gọi là "thành phố tình yêu" bởi vẻ đẹp nên thơ, phù hợp cho các cặp đôi tận hưởng khoảnh khắc ngọt ngào, và là nơi lý tưởng để thiền định, sáng tác nghệ thuật, hoặc đơn giản là nghỉ ngơi, có di sản văn hóa phong phú: Những ngôi biệt thự Pháp, các nhà thờ như nhà thờ Con Gà, tu viện cổ kính tạo nên vẻ đẹp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Có sân bay quốc tế, dễ dàng tiếp cận bằng xe khách, xe máy.
Tôi chọn ở lại Đà Lạt không chỉ vì những điều hữu hình mà còn vì cảm giác đặc biệt mà thành phố này mang lại. Đó là cảm giác yên bình, gần gũi với thiên nhiên, và sự kết nối sâu sắc với chính mình bởi Đà Lạt không chỉ là một nơi chốn để khám phá, để yêu mà còn để lưu giữ những ký ức đẹp mãi mãi qua những tác phẩm âm nhạc của mình.
BTV Bảo Trang: Vâng xin cảm ơn nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã trải lòng cùng các thính giả, độc giả của VOV. Chúc dự án “Hát lên tình yêu Đà Lạt”, cùng với tình yêu Đà Lạt của Quỳnh Hợp sẽ mang tới cho thành phố ngàn hoa này thêm nhiều tình cảm của bạn bè bốn phương!
Nhạc sĩ Quỳnh Hợp có 2 ca khúc mới, dành tặng riêng cho Đà Lạt:
Ca khúc "Hát lên tình yêu Đà Lạt" - cũng là ca khúc chủ đề của dự án âm nhạc cùng tên. Bài hát là bức tranh thi vị và tràn đầy cảm xúc về vẻ đẹp thơ mộng của thành phố Đà Lạt. Với những hình ảnh giàu sức gợi cảm, ca khúc mới của NS Quỳnh Hợp phác họa hình ảnh một Đà Lạt dịu dàng, đầy quyến rũ qua thiên nhiên, con người và không gian văn hóa đặc sắc. "Hát lên tình yêu Đà Lạt" không chỉ là lời mời gọi mà còn là một cảm xúc lan tỏa, khuyến khích mỗi người cất lên tiếng hát từ trái tim dành cho xứ sở thiên đường này. Những câu hát ấy như hòa vào tiếng thông reo, sắc hoa muôn màu, làm nên một khung cảnh nên thơ, trữ tình.
Ca khúc "Nụ cười cao nguyên", hay chính là thông điệp hiếu khách của chủ nhà Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X. Bài hát nhấn mạnh hình ảnh du khách như những “du khách vàng,” thể hiện sự trân quý đối với mỗi người ghé thăm vùng đất này. Tấm lòng và nụ cười của người Đà Lạt – Lâm Đồng như gió sương cao nguyên, nhẹ nhàng mà thấm sâu, làm say lòng bất kỳ ai từng ghé qua. Bài hát như một lời mời gọi, khuyến khích du khách đến khám phá và cảm nhận sự quyến rũ không chỉ từ cảnh vật mà còn từ chính con người vùng cao nguyên này.