Những bài ca Cách mạng của nhạc sĩ Ánh Dương

(VOV5) - Cả cuộc đời gắn bó với âm nhạc, "tài sản" mà ông gìn giữ và trân trọng nhất là chiếc đĩa CD về bài hát Chào em cô gái Lam Hồng do Đài PTTH Hà Tĩnh thực hiện.

Nhạc sĩ Ánh Dương - tác giả của ca khúc mà nhiều thế hệ người Việt yêu thích và thuộc nằm lòng ‘Chào em cô gái Lam Hồng’ vừa qua đời sáng 8/11 tại nhà riêng, hưởng thọ 88 tuổi. Lúc sinh thời, ông đã dành trọn cả cuộc đời mình cho dòng âm nhạc cách mạng với chiều dài hơn 60 năm. Điều đó khẳng định tấm lòng của nhạc sĩ với Đất nước, tài năng và tâm huyết của ông dành cho âm nhạc cách mạng.

Những bài ca Cách mạng của nhạc sĩ Ánh Dương - ảnh 1Nhạc sĩ Ánh Dương

BTV Bảo Trang mời quý vị cùng nghe lại những ca khúc được nhiều người yêu mến mà nhạc sĩ Ánh Dương đã để lại cho nền âm nhạc Việt Nam.

Nghe âm thanh chương trình tại đây: 

Chào em cô gái Lam Hồng – một tác phẩm được coi là đỉnh cao trong sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Ánh Dương. Ca khúc được sáng tác vào mùa hè năm 1967 tại Can Lộc, Hà Tĩnh. Đầu năm 1968, trong Đại hội thi đua Quyết thắng toàn Quân khu 4, Đoàn văn công dàn dựng thành tiết mục tam ca để chào mừng Đại hội. Ca khúc lan ra toàn Quân khu và được khán giả cả nước yêu thích thông qua chương trình ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhưng bài hát tiếp tục được yêu thích bởi các thế hệ sau này chính là nhờ vào giọng hát của NSND Trung Đức, người "đóng đinh" tên tuổi mình với ca khúc cách mạng này.

Ngoài nhạc phẩm bất hủ "Chào em cô gái Lam Hồng", nhạc sĩ Ánh Dương còn có một số ca khúc từng được phổ biến một thời như Tiếng trống tòng quân, Tạm biệt em, hợp xướng Vinh quang quân khu chúng ta...

Nhạc sĩ Ánh Dương tên thật là Lê Ánh Dương sinh năm 1935 ở xã Sơn Hải, huyện địa đầu xứ Nghệ Quỳnh Lưu (Nghệ An). Năm 18 tuổi, ông bắt đầu hoạt động cách mạng và bén duyên với nghệ thuật, hoạt động chuyên nghiệp tại Đoàn Văn công Đại đoàn 325 (Quân khu IV), vừa biểu diễn vừa sáng tác.

Trong sự nghiệp âm nhạc hơn 60 năm của mình, nhạc sĩ Ánh Dương sáng tác nhiều ca khúc Cách mạng. Một số ca khúc đã đoạt giải thưởng Hội diễn Ca múa nhạc toàn quốc. Bên cạnh sáng tác nhạc, ông còn viết thơ giao hưởng "Tượng đài chiến thắng" (1979) dành riêng cho dàn nhạc và tác phẩm này đã đoạt Huy chương vàng Hội diễn toàn quốc năm 1980.

Thêm một danh hiệu hiếm hoi khác của nhạc sĩ là tại Hội diễn toàn quốc năm 1981, ông tiếp tục đoạt giải khi viết nhạc cho múa với các thể loại Múa Tày Hạy. Cùng với PGS.TS Ninh Viết Giao, nhà thơ Minh Huệ, nhà thơ Trần Hữu Thung, nhạc sĩ Ánh Dương là một trong những văn nghệ sĩ sống và công tác ở Nghệ An được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt II năm 2007, với cụm tác phẩm: "Chào em cô gái Lam Hồng", "Dốc lũng, Dốc lòng dốc sức giải phóng miền Nam", "Hoa đào nở trên biên giới", "Phu Chăm Xy", giao hưởng "Tượng đài chiến thắng". 

Cả cuộc đời gắn bó với âm nhạc, "tài sản" mà ông gìn giữ và trân trọng nhất là chiếc đĩa CD về bài hát Chào em cô gái Lam Hồng do Đài PTTH Hà Tĩnh thực hiện vào năm 2007. Cùng với đó là những giải thưởng cao quý: Huân chương Quân công hạng ba, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất.

Nhạc sĩ Ánh Dương đã ra đi thanh thản ở tuổi 88, nhưng “Cô gái Lam Hồng” thì còn lại mãi với thời gian trong lòng những người yêu nhạc Việt, gợi nhắc về một thời gian khó mà hào hùng đã qua, những năm tháng mà âm nhạc chính là vũ khí sắc bén của dân tộc Việt Nam…

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác