NSND Triệu Thủy Tiên - giữ gìn làn điệu hát then trên quê hương xứ Lạng

(VOV5) - "Tôi mong sao lớp trẻ sẽ ngày càng hiểu và yêu các làn điệu then của dân tộc mình".

Nghệ sĩ Triệu Thủy Tiên là người thành danh với bộ môn nghê thuật hát then - đàn tính. Trong những năm qua, với cương vị là Phó Chủ tịch Hội bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Lạng Sơn và là Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát then - đàn tính của Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn, Nghệ sỹ ưu tú Triệu Thủy Tiên không chỉ truyền dạy mà còn mạnh dạn cùng các hội viên, nghệ nhân then trẻ đưa các trích đoạn then cổ lên sân khấu biểu diễn. Mới đây, bà đã vinh dự được nhận danh hiệu NSND, ghi nhận những đóng góp cho sự bảo tồn và phát huy các làn điệu hát then của các dân tộc Tày, Nùng... trên quê hương Xứ Lạng.

NSND Triệu Thủy Tiên - giữ gìn làn điệu hát then trên quê hương xứ Lạng - ảnh 1

NSND Triệu Thủy Tiên

Nghe âm thanh chương trình tại đây:

Ở miền núi cao xứ Lạng, hát then được quần chúng yêu thích bởi âm thanh, làn điệu hết sức phong phú. Nếu hát sli, lượn là làn điệu dân ca giao duyên chỉ có lời thì hát then là hình thức nghệ thuật tổng hợp: có lời, có nhạc, có hóa trang, có biểu diễn... Có lẽ chính những điều đó đã khiến cho người phụ nữ dân tộc Nùng Triệu Thủy Tiên gắn bó với loại hình âm nhạc độc đáo này.

NSND Triệu Thủy Tiên tâm sự: "Tôi sinh ra và lớn lên tại xã Tân Văn (huyện Bình Gia), nơi có gần 100% là bà con dân tộc Nùng, cũng được coi là “cái nôi” hát then của Xứ Lạng. Vì vậy, tôi được thừa hưởng những làn điệu hát then, sli, lượn, phong slư... và những ngón đàn điêu luyện từ bà nội và các nghệ nhân hát then ở vùng sơn cước này. Thế rồi như duyên phận đã định, mới tốt nghiệp phổ thông tôi đã may mắn được tuyển chọn vào làm ở đoàn văn công nghệ thuật của tỉnh. Tôi được nghệ nhân Linh Văn Noọng truyền dạy, sau đó tôi bắt đầu biết gẩy đàn tính và hát then, và chỉ sau 2 tháng thì tôi bắt đầu biết biểu diễn và biết hát các bài then. Tôi đã gắn bó cả cuộc đời mình với Đoàn nghệ thuật ca múa nhạc tỉnh Lạng Sơn cho đến khi nghỉ hưu và trở thành một trong những nghệ sĩ đầu tiên của tỉnh được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú".

Cả một đời gắn bó với Đoàn nghệ thuật ca múa nhạc tỉnh Lạng Sơn, NSND Triệu Thủy Tiên sở hữu nhiều giải thưởng: Năm 1982, lần đầu tiên tham gia Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc đã đoạt Huy chương bạc với bài hát then: “Lạng Sơn quê em”. Tiếp đó là Huy chương vàng năm 1985, rồi năm 1987 với giải người hát hay nhất trong cuộc thi “Hát đơn ca, chuyên nghiệp dòng dân gian toàn quốc”… Giọng ca của NSND Triệu Thủy Tiên đã trở nên quen thuộc với bà con các dân tộc ở mọi vùng quê miền Đông Bắc.

NSND Triệu Thủy Tiên - giữ gìn làn điệu hát then trên quê hương xứ Lạng - ảnh 2

NSND Triệu Thủy Tiên giới thiệu hát Then tới khán giả thủ đô trong chương trình "Câu Then Việt Bắc" - Ảnh: toquoc.vn

Bà chia sẻ: "Đầu tiên phải nói đến là lòng tự tôn dân tộc, mình được sinh ra và lớn lên từ sông từ suối từ núi rừng, mình biết cày bừa, biết hái củi và từ khi lớn lên đã bắt đầu biết nghe những điệu hát Sli, biết nghe Then. Đến nay cũng đã có tuổi rồi cũng đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, vừa làm mẹ và giờ cũng đã làm bà cho nên cũng nghĩ rằng mình phải làm thế nào để cho nhiều người, nhiều dân tộc cùng nhau biết và cùng nhau giữ gìn lại những làn điệu của Then, Lượn mãi mãi không bị mai một, làm sao để cho những làn điệu Sli - Then - Lượn của mình sẽ mãi mãi ngân vang như núi rừng của mình mãi mãi xanh tươi vậy".

Hiện tại NSND Triệu Thủy Tiên luôn bận rộn với những buổi truyền dạy kỹ năng hát then, đàn tính cả ở trong tỉnh cũng như các địa phương khác. Cùng với đó, bà cũng nỗ lực sưu tầm, biên soạn hàng trăm bài ca về những làn điệu then cổ, những làn điệu sli, lượn, phong slư của các dân tộc Tày, Nùng... để gìn giữ cho thế hệ mai sau. Người nghệ sĩ vẫn đau đáu tình yêu với âm nhạc cổ truyền dân tộc: "Tôi sắp 70 tuổi rồi, mà vẫn còn nhiều dự định mong muốn có thể làm được. Tôi mong sao các cháu mà tôi đã truyền dạy sẽ giữ được những làn điệu then cổ, đặc biệt là lớp trẻ sẽ ngày càng hiểu và yêu các làn điệu then của dân tộc mình. Điều này tôi thấy rất mừng, nhưng vẫn mong muốn làm sao các cháu sẽ làm được nhiều hơn nữa, mong các cháu nói nhiều tiếng Nùng, tiếng Tày mình nữa thì mới hiểu được và nắm được những từ cổ mà cha ông ta để lại".

Tin liên quan

Phản hồi

Ma thị thương

Cháu là người bình gia, cháu muốn theo học, nhưng k biết địa chỉ nhà cô

Các tin/bài khác