(VOV5) - Các bài hát được giới thiệu: Gà gáy le te, Chặt gỗ đóng thuyền, Chim Jil đi tắm, Đi tìm mặt trời.
Dàn hợp xướng Sol Art của Việt Nam vừa tham gia Hội thi và Liên hoan Hợp xướng Quốc tế Johannes Brahms 2017, tại Cộng hòa Liên bang Đức. Việc tiếp tục gặt giải vàng lần thứ ba tại Hội thi hợp xướng quốc tế danh giá này cho thấy nghệ thuật hợp xướng của Việt Nam đang dần từng bước hòa cùng sự phát triển của hợp xướng quốc tế.
Các thành viên trong dàn hợp xướng Sol Art
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Lần thứ ba Sol Art Việt Nam trở lại Hội thi này với tâm thế khác hẳn với những lần trước. Là do Sol Art Việt Nam tự tin hơn vì đã được tiếp cận với khán giả châu Âu là những người khó tính và chuẩn mực. Cũng là do hai lần trước, Sol Art Việt Nam từng tới đây và gặt hái giải Vàng tại Hội thi này.
Ở Hội thi năm nay, bên cạnh bảng thi dân gian, dàn hợp xướng Sol Art Việt Nam lần đầu tiên thử sức ở bảng thi mang tính học thuật hơn là hợp xướng nữ với những tác phẩm bắt buộc và yêu cầu về độ tuổi, chất giọng rất khắt khe. Nhạc trưởng Đặng Châu Anh, đại diện Việt Nam ở Hội đồng Nghệ thuật Hợp xướng Thế giới, Chỉ đạo nghệ thuật của Đoàn hợp xướng Sol Art Việt Nam, cho biết điều này nhằm thử sức, cũng như là nâng cao vị thế của hợp xướng Việt Nam trên trường quốc tế.
"Cũng không kỳ vọng quá cao, đúng như dự định ban đầu, đoàn hợp xướng nữ giành được huy chương bạc với điểm số tương đối cao. Ở bảng thi dân gian, chúng tôi vẫn giữ được phong độ, được huy chương vàng. Và tôi nghĩ là với chất lượng chương trình năm nay, với đội ngũ giám khảo và thành phần dự thi là những đội mạnh và rất uy tín như Đan Mạch, Nauy, Nam phi hoặc Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines, Hongkong, đặc biệt là nước chủ nhà Đức, thì đội Việt Nam, dù đang ở vị trí rất khiêm tốn, thì thành tích như vậy cũng là hài lòng" - nhạc trưởng Đặng Châu Anh chia sẻ.
Không chỉ đến Hội thi và Liên hoan hợp xướng Johannes Brahms lần này, mà hợp xướng Việt Nam đã gây ấn tượng mạnh đối với hội đồng giám khảo của các lần thi trước, cũng như đã chinh phục được công chúng quốc tế. Về lý do hợp xướng Việt Nam gặt hái thành công tại các Hội thi hợp xướng quốc tế và chinh phục khán giả nước ngoài, Nhạc trưởng Đặng Châu Anh cho biết thêm: "Mình luôn đi theo chiến thuật là theo bảng dân gian, ở đó khai thác được tối đa các nét đẹp của văn hóa dân gian, tạo nên sự khác lạ, cũng như là làm cầu nối đưa văn hóa dân tộc Việt Nam ra thế giới, giới thiệu những nét đẹp của các ngôn ngữ nghệ thuật đặc sắc của các dân tộc các vùng miền. Cho nên mỗi năm ra thế giới, chúng tôi cũng tìm tòi các làn điệu dân ca khác nhau. Ví dụ năm đầu tiên là toàn bộ 3 tác phẩm đều liên quan đến âm nhạc Tây nguyên. Năm thứ hai xuất hiện ở Wernigeroder thì chúng tôi mang đến âm hưởng đồng bằng Bắc bộ. Năm nay là dân ca ba miền. Đó là nhiệm vụ mà chúng tôi tự nhận là cầu nối giới thiệu vẻ đẹp của Việt Nam với thế giới".
Hợp xướng là ngôn ngữ, là cầu nối để kết nối con người với nhau, kết nối hòa bình, tình hữu nghị và làm cho thế giới tốt đẹp hơn. Chính vì lẽ đó, từ năm 2011, Việt Nam đã không chỉ tham gia các Hội thi hợp xướng quốc tế ở nước ngoài mà còn định kỳ tổ chức các Hội thi hợp xướng quốc tế tại Hội An (Quảng Nam) để phát triển loại hình nghệ thuật này. Thông qua các Hội thi và Liên hoan này, Việt Nam được tiếp cận với ngôn ngữ nghệ thuật và cách tổ chức hợp xướng mang tính chuyên nghiệp, đẳng cấp quốc tế.