Về Quảng Bình nghe hò khoan Lệ Thủy

(VOV5) - Trên cánh đồng, bên cối gạo đêm trăng, giữa sân đình, hay dưới bến sông, ở đâu những làn điệu hò khoan Lệ Thủy cũng có thể được ngân lên, xua tan nỗi vất vả nhọc nhằn của công việc...

Quảng Bình, vùng đất với nhiều danh thắng và những làn điệu dân ca dân vũ đặc sắc. Trong dó, hò khoan Lệ Thủy là một thể loại dân ca có từ ngàn xưa và đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân Quảng Bình. Trên cánh đồng, bên cối gạo đêm trăng, giữa sân đình, hay dưới bến sông, ở đâu những làn điệu hò khoan Lệ Thủy cũng có thể được ngân lên, xua tan nỗi vất vả nhọc nhằn của công việc để tâm hồn con người được bay bổng thăng hoa trong từng lời ca điệu hát.

Về Quảng Bình nghe hò khoan Lệ Thủy - ảnh 1

Trình diễn hò khoan Lệ Thủy bên dòng Kiến Giang (Lệ Thủy) - Ảnh: nhandan.com.vn

BTV Bảo Trang trò chuyện với nhạc sĩ Ngọc Tân, Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh Quảng Bình về việc bảo tồn và phát huy vốn dân ca dân vũ đặc sắc của địa phương. Chương trình cũng có một số tiết mục của đoàn nghệ thuật quần chúng thuộc Trung tâm văn hóa tỉnh Quảng Bình.

Nghe âm thanh chương trình tại đây:

BTV: Chào Nhạc sĩ Ngọc Tân. Quảng Bình sở hữu rất nhiều danh thắng thu hút du khách, và cũng là nơi có những làn điệu dân ca dân vũ đặc sắc. Xin ông cho biết tỉnh đã có những chương trình gì để mang những nét đẹp văn hóa đó lan tỏa hơn nữa?

Nhạc sĩ Ngọc Tân: Với chức năng nhiệm vụ của một trung tâm văn hóa là phát triển, bảo tồn, lưu giữ những làn diệu dân ca, dân vũ của địa phương, hiện nay chúng tôi đang kết nối với các trường học để đưa những làn điệu dân ca dân vũ vào học đường, giúp các em hiểu thêm và nhân rộng mô hình này ra. Ở Quảng Bình, người lớn đến trẻ con đều biết hát dân ca, làm gì cũng có những làn điệu dân ca để tăng thêm tinh thần lao động sáng tạo, đặc biệt là trong phát triển du lịch quê hương vì hiện nay Quảng Bình đã chọn du lịch là 1 trong những mũi nhọn để phát triển kinh tế.

BTV: Như ông vừa chia sẻ, việc đưa dân ca vào học đường là một cách làm rất hay…

Nhạc sĩ Ngọc Tân: Chúng tôi đã đưa hò khoan Lệ Thủy vào học đường từ 3 năm nay, từ cấp tiểu học đến trung học cơ sở, và hầu như năm nào chúng tôi cũng có liên hoan hội diễn tiếng hát học sinh, sinh viên, có sự tham gia của các nghệ nhân nhằm lưu giữ, phát triển và bảo tồn làn điệu dân ca hò khoan Lệ Thủy là giá trị di sản phi vật thể quốc gia.

Về Quảng Bình nghe hò khoan Lệ Thủy - ảnh 2

Hò khoan Lệ Thủy  là loại hình diễn xướng dân gian, nên bất cứ ở đâu có làm việc tập thể, ở đó có hò khoan - Ảnh: phongnhaexplorer.com

BTV: Cùng với việc đưa dân ca vào học đường thì phong trào hát dân ca ở Quảng Bình được hưởng ứng như thế nào, thưa ông?

Nhạc sĩ Ngọc Tân: Hiện nay chúng tôi thành lập nhiều dân ca trên địa bản tỉnh. Đây là sân chơi được mọi người rất yêu thích, muốn đến để sinh hoạt và giới thiệu giọng hát của mình qua những làn điệu dân ca. Đặc biệt, để động viên các nghệ nhân, các diễn viên đến với các CLB đó là việc không khó vì mọi người đều rất nhiệt tình. Trung tâm văn hóa tỉnh có 3 CLB, trong đó CLB dân ca làm nòng cốt. Để nhân rộng mô hình này, chúng tôi đã có đề án kết hợp với Sở du lịch nhằm tạo công việc thêm cho diễn viên. CLB hò khoan Lệ Thủy đã đi lưu diễn ở khắp nơi.

BTV: Cùng với hò khoan Lệ Thủy là di sản vật thể cấp quốc gia, Quảng Bình còn có nhiều loại hình dân ca đặc sắc khác phải không thưa ông?

Nhạc sĩ Ngọc Tân: Trong loại hình dân ca dân vũ của Quảng Bình, khi có lễ hội thì các địa phương đều có các tiết mục như múa bông, chèo cạn, hát ru… Đặc biệt các ngư dân vùng biển, họ thường trình diễn các trò chơi dân gian trong các lễ cầu mùa và hát những làn điệu truyền thống của quê hương. Các sự kiện này được tổ chức đều đặn hàng năm.

Về Quảng Bình nghe hò khoan Lệ Thủy - ảnh 3

Hò “Cấy lúa” gắn liền với đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân Lệ Thủy - Ảnh: phongnhaexplorer.com

BTV: Thưa nhạc sĩ Ngọc Tân, ông có điều gì đó để chia sẻ với thính giả của VOV, đặc biệt là những thính giả ở nước ngoài – những người có thể cũng chưa từng được đặt chân đến vùng đất Quảng Bình?

Nhạc sĩ Ngọc Tân: Trước đây Viện âm nhạc đã vào điền dã để sưu tầm các làn điệu dân ca của Quảng Bình. Mảnh đất Quảng Bình tuy hẹp nhưng chan chứa tình thương. Chúng tôi muốn quảng bá, mời gọi du khách đến với Quảng Bình để chiêm ngưỡng những làn điệu dân ca Quảng Bình, đặc biệt là làn điệu hò khoan Lệ Thủy.

BTV: Cảm ơn nhạc sĩ.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác