(VOV5) - AI có thể gây ra mối đe dọa to lớn đối với hòa bình và an ninh quốc tế, đặc biệt khi AI bị lạm dụng để thao túng, định hướng dư luận.
Nhân loại đang chứng kiến sự phát triển chưa từng có của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI). Bên cạnh mặt tích cực, nhiều chuyên gia cũng chỉ ra những nguy cơ, thách thức của công nghệ này, nhất là đối với hòa bình và an ninh toàn cầu. Do vậy, cần có nỗ lực hợp tác quốc tế để đảm bảo AI phát triển bền vững và có trách nhiệm.
Theo các chuyên gia, AI có thể gây ra mối đe dọa to lớn đối với hòa bình và an ninh quốc tế, đặc biệt khi AI bị lạm dụng để thao túng, định hướng dư luận và thực hiện các chiến dịch tấn công mạng. Do vậy, cần có biện pháp bảo vệ toàn cầu để quản lý AI, đồng thời các quốc gia công nghệ hàng đầu cần tăng cường các tiêu chuẩn an ninh để giám sát, ngăn AI bị lạm dụng.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trả lời báo giới tại New York, Mỹ, ngày 19/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN |
Phát biểu tại phiên họp đặc biệt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về AI hôm 19/12, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh những tiềm năng, nguy cơ và thách thức của công nghệ AI đối với hòa bình và an ninh toàn cầu: "Ngày nay, các mô hình AI ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, linh hoạt hơn và dễ tiếp cận hơn, kết hợp không chỉ ngôn ngữ, hình ảnh, âm thanh, video, mà còn tự động hóa các quyết định. AI đang định hình lại thế giới của chúng ta. Sự tăng trưởng nhanh chóng này đang vượt quá khả năng quản lý của con người, đặt ra những thách thức và nếu không có sự giám sát của con người, thế giới sẽ trở nên mù quáng."
Ông Guterres cũng kêu gọi các quốc gia thành viên nhanh chóng thiết lập Khung khoa học quốc tế về AI và khởi xướng Đối thoại toàn cầu về quản trị AI trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc. Ngoài ra, Tổng Thư ký kêu gọi cấm các loại vũ khí tự động gây chết người: "Việc tích hợp AI với vũ khí hạt nhân đặc biệt đáng báo động, với hậu quả thảm khốc, chúng ta phải tránh bằng mọi giá. Con người phải luôn giữ quyền kiểm soát dưới sự hướng dẫn của luật pháp quốc tế, bao gồm luật nhân đạo, luật nhân quyền quốc tế và các nguyên tắc đạo đức. Nhân loại đã tạo ra AI và nhân loại cũng phải hướng dẫn nó tiến về phía trước."
Các quốc gia cũng đã có kế hoạch xây dựng những bộ luật để tăng cường quản lý AI. Chính phủ Anh công bố Sách trắng bao gồm các hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện những quy định liên quan đến AI, trong đó nhấn mạnh 5 nguyên tắc, đó là an toàn, bảo mật và mạnh mẽ; minh bạch và có khả năng giải thích; công bằng; trách nhiệm giải trình và quản trị; khả năng cạnh tranh và khắc phục. Chính phủ Australia cũng ra mắt một mạng lưới nhằm giúp các công ty sử dụng và phát triển AI một cách an toàn, có đạo đức. Ủy ban AI thuộc Phòng Thương mại Mỹ đã thúc giục Quốc hội sớm xây dựng quy định đối với các công cụ AI và nên xem đây là ưu tiên hàng đầu.
Phiên họp đặc biệt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về AI hôm 19/12, do Mỹ chủ trì, cũng đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nỗ lực quốc tế của Mỹ nhằm đảm bảo AI phát triển bền vững và có trách nhiệm, vì lợi ích của toàn thế giới.
Tại đây, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định: "Chúng tôi cam kết thúc đẩy các hệ thống AI an toàn, bảo mật, đáng tin cậy, tôn trọng nhân quyền và tiến bộ kinh tế, xã hội hơn nữa. Với tư cách là quốc gia có các công ty công nghệ hàng đầu thế giới, Mỹ có trách nhiệm thúc đẩy hợp tác từ các quốc gia trên toàn cầu để giải quyết những mối nguy hiểm từ AI, dẫn đầu các nỗ lực quốc tế hướng tới những mục tiêu chung này."
Giới chuyên gia đưa ra dự báo AI có thể đóng góp đến 14,7 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030, nhưng đồng thời cũng mang đến những thách thức lớn. AI có thể gây ra mối đe dọa to lớn khi bị lạm dụng để thao túng, định hướng dư luận, thực hiện các chiến dịch tấn công mạng, chạy đua vũ khí hạt nhân, chiến tranh dữ liệu, thay đổi cân bằng quyền lực hay định hình lại nền tảng của trật tự toàn cầu nếu các chính phủ triển khai những chiến lược AI không minh bạch và bất thường. AI ngày càng chứng minh là một xu hướng không thể đảo ngược của thế giới, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.
Để con người thật sự làm chủ công nghệ, ngăn chặn nguy cơ AI ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh thế giới, cần thiết lập các cơ chế quản lý toàn cầu dưới sự dẫn đầu của Liên hợp quốc, kiểm soát, phát triển các sản phẩm công nghệ cao một cách có trách nhiệm, bao gồm việc thành lập một hội đồng khoa học quốc tế và mở rộng đối thoại về quản trị AI. Trong bối cảnh AI tiếp tục phát triển nhanh chóng, các chuyên gia khẳng định nếu không làm chủ được công nghệ sẽ kéo theo hệ quả khôn lường và những quyết định hiện tại sẽ định hình tương lai của nhân loại.