(VOV5) - Việc nước chủ nhà Brazil đặt ưu tiên cao nhất vào các vấn đề xã hội của các nước đang phát triển, đặc biệt là đói nghèo, là sự tiếp nối cách tiếp cận trong vài năm qua của Indonesia và Ấn Độ.
Diễn ra từ 18-19/11 tại Rio de Janeiro, Brazil, Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế mới nổi và hàng đầu thế giới – G20 năm nay đề ra tham vọng thúc đẩy các chương trình hành động lớn về các vấn đề xã hội cũng như cải tổ nền quản trị toàn cầu. Giới chuyên gia nhận định nước chủ nhà Brazil có nhiều lợi thế để thúc đẩy các ưu tiên này, dù sẽ gặp một số thách thức.
Năm 2024, Brazil lần đầu tiên chính thức đảm nhiệm vai trò Chủ tịch G20. Nguồn: Litci |
Với chủ đề “Xây dựng một thế giới công bằng và 1 hành tinh bền vững”, Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay tại Brazil xoay quanh 3 chủ đề chính, gồm: Sự bao trùm xã hội; Cải tổ các thiết chế quốc tế; Chuyển đổi năng lượng. Đây là các ưu tiên được nước chủ nhà Brazil thúc đẩy ngay từ đầu năm nay, sau khi nhận chuyển giao vai trò Chủ tịch G20 từ Ấn Độ. Minh hoạ cho các ưu tiên này, ngay trước thềm Thượng đỉnh G20, nước chủ nhà Brazil đã tổ chức một Hội nghị Thượng đỉnh riêng mang tên “G20 Xã hội” từ ngày 14-16/11, quy tụ hàng chục ngàn người đến từ các hiệp hội xã hội dân sự của quốc gia G20 để thảo luận các vấn đề xã hội nổi bật nhất hiện nay trên thế giới, như: đói nghèo, bất bình đẳng thu nhập, sự huỷ hoại môi trường thiên nhiên… Hội nghị này được xem là bước khởi động cho một kế hoạch lớn hơn mà Brazil muốn thông qua ngay trong ngày họp Thượng đỉnh G20 đầu tiên, hôm 18/11, đó là công bố Liên minh toàn cầu chống đói nghèo. Đây là sáng kiến của Brazil nhằm huy động, thúc đẩy các quốc gia và tổ chức quốc tế hành động mạnh mẽ hơn để đạt mục tiêu xoá bỏ đói nghèo vào năm 2030.
Theo ông Habib Abiyan Dzakwan, chuyên gia kinh tế quốc tế tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) Indonesia, việc nước chủ nhà Brazil đặt ưu tiên cao nhất vào các vấn đề xã hội của các nước đang phát triển, đặc biệt là đói nghèo, là sự tiếp nối cách tiếp cận trong vài năm qua của Indonesia (nước chủ nhà G20 năm 2022) và Ấn Độ (chủ nhà G20 năm ngoái) trong việc nâng cao vai trò và các vấn đề ưu tiên của thế giới phương Nam trong nội bộ G20. Habib Abiyan Dzakwan đánh giá đây là cách tiếp cận hợp lý bởi hiện đang có một nhận thức rõ ràng trong G20 về việc cần củng cố sự gắn kết giữa các nước đang phát triển trong nội bộ G20, qua đó thiết lập lộ trình thuận lợi cho thế giới phương Nam trước các biến động chính trị dẫn đến thay đổi ưu tiên chính sách từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt sau cuộc bầu cử Tổng thống năm nay tại Mỹ.
Ngày 15/11, Brazil đã ra mắt Liên minh toàn cầu chống đói nghèo. (Trong ảnh: Trẻ em nhận thức ăn từ các tổ chức phi chính phủ và tổ chức xã hội sau vụ hỏa hoạn tại một trại tị nạn ở Ukhia, Cox’s Bazar, Bangladesh. Ảnh: Getty) |
Ưu tiên lớn thứ 2 của Thượng đỉnh G20 là cải tổ các thiết chế quản trị toàn cầu, như: Liên hiệp quốc, đặc biệt là Hội đồng bảo an LHQ; Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB). Nhằm thúc đẩy nghị trình này, hồi tháng 9 vừa qua, Brazil đã tổ chức Hội nghị Ngoại trưởng G20 ngay trong khuôn khổ tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ lần thứ 79 (UNGA-79) ở New York, Mỹ nhằm thu hút sự quan tâm của các quốc gia đối với vấn đề cải tổ tổ chức đa phương lớn nhất thế giới. Nhà ngoại giao Mauricio Lyrio, đặc phái viên Brazil tại G20, cho biết: “Chúng ta đang ở trong một tình thế hết sức khó khăn. Năm ngoái, chúng ta có số lượng xung đột kỷ lục trên thế giới, 183 xung đột, giữa các quốc gia và trong nội bộ các quốc gia, ngang với con số thời Chiến tranh Lạnh. Vì thế, chúng ta cần có 1 LHQ mạnh mẽ, vì LHQ được tạo ra là để duy trì hoà bình và tránh chiến tranh”.
Theo ông Ajay Bisaria, nhà ngoại giao Ấn Độ, ưu tiên này của Brazil sẽ gặp các thách thức tại Thượng đỉnh G20 năm nay, giống như tại các diễn đàn LHQ nhưng Brazil có thể nghiên cứu kinh nghiệm của Ấn Độ năm ngoái, khi tập trung nhiều hơn vào việc thu hẹp chia rẽ giữa nhóm các nước phát triển với các nước đang phát triển (mâu thuẫn Bắc-Nam), thay vì chỉ cố gắng thúc đẩy ưu tiên này trong nhóm thế giới phương Nam. Bà Eliza Keogh, nhà nghiên cứu thuộc Nhóm Chính sách đối ngoại Anh (BFPG), cũng cho rằng ưu tiên này của Brazil có thể được thúc đẩy hiệu quả hơn thông qua nhóm “Bộ Tam G20” (G20 Troika), gồm: Ấn Độ (chủ nhà G20 năm ngoái; Brazil và Nam Phi, chủ nhà G20 năm sau) bởi 3 quốc gia này có nhiều ưu tiên chính sách tương đồng và đều là thành viên nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS). Ngoài ra, Brazil còn có một thuận lợi lớn hơn để thúc đẩy các ưu tiên này khi vào năm sau sẽ đăng cai Thượng đỉnh BRICS.
Đối với ưu tiên hành động thứ 3 của Brazil là “Chuyển đổi năng lượng”, bà Stela Herschmann, chuyên gia về chính sách khí hậu tại Viện quan sát khí hậu Brazil, cho rằng không nên kỳ vọng nhiều vào các kết quả đạt được tại Thượng đỉnh G20 năm nay bởi các cuộc họp G20 trong năm nay cho thấy các nước thành viên còn tương đối dè dặt trong đẩy mạnh việc loại bỏ nhiên liệu hoá thạch, thậm chí có thể sẽ không nêu ra trong dự thảo tuyên bố cuối cùng của Hội nghị.
Bên cạnh đó, Thượng đỉnh G20 diễn ra cùng thời điểm với Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu – COP29 tại Baku, Azerbaijan nên nước chủ nhà Brazil sẽ tập trung nhiều hơn vào việc gia tăng năng lực tiếp cận của các nước đang phát triển với năng lượng sạch, thay vì thúc đẩy một chủ đề rất khó đạt được đồng thuận. Ông Shreeshan Venkatesh, chuyên gia chính sách toàn cầu tại tổ chức Mạng lưới hành động khí hậu (CAN), cũng cho rằng dù việc G20 không thúc đẩy đột phá trong vấn đề loại bỏ nhiên liệu hóa thạch là “điều đáng tiếc” nhưng Brazil vẫn có cơ hội quay trở lại với ưu tiên này một cách rõ ràng hơn vào năm sau, khi quốc gia Nam Mỹ này cũng là chủ nhà của Hội nghị lần thứ 30 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu – COP30.