Tuần qua, gửi thư về chương trình, thính giả bày tỏ tình cảm với Đài TNVN, với các chương trình của Ban đối ngoại. Thính giả cũng muốn tìm hiểu về một số địa danh của cũng như tình hình đời sống xã hội của Việt Nam.
Nghe âm thanh tại đây:
Rất nhiều thính giả thích thích nghe các chương trình của VOV5. Ngoài những thông tin cập nhật về Việt Nam, thính giả còn rất thích nghe các chương trình về ca nhạc Việt Nam.
Thính giả Paul Jamet, ớ Pháp, gửi thư tới chương trình tiếng Anh bày tỏ rất thích bản tin của VOV. Các thông tin không chỉ giúp ông hiểu hơn về Việt Nam mà còn được cập nhật nhanh chóng các thông tin thế giới thông qua bản tin của VOV. Thính giả Kariane Modelski, ở Brazil chia sẻ: “Đến nay, tôi vẫn giữ một món quà kỷ niệm nhỏ mà VOV gửi cho tôi khi lần đầu tiên tôi viết thư và gửi báo cáo nghe đài cho các bạn”.
Từ Chile, thính giả Manuel Arismendi Poblete đánh giá: Việt Nam luôn trở nên thú vị hơn nhờ các chương trình phát thanh của VOV. Thính giả Chiu Wai Yin ở Hongkong (lần đầu tiên gửi thư về Đài) gửi 1 tấm postcard viết: “Tôi là một người Trung Quốc thích đi du lịch. Việt Nam với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, di sản văn hóa phong phú đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp. Qua chương trình của các bạn, bạn bè quốc tế hiểu biết thêm về Việt Nam, cảm nhận được vẻ đẹp và sự cuốn hút của Việt Nam. Từ Kagoshima, Nhật Bản, thính giả Nakahara Shouta viết: với những thính giả như chúng tôi, ngoài nghe, xem hàng ngày qua sóng phát thanh, truyền hình, chúng tôi còn có thể cập nhật thêm nhiều thông tin qua mạng xã hội như: facebook, youtube… Chân thành cảm ơn những nỗ lực của các bạn.”Một số thính giả gửi email báo cáo nghe đài, đó là các thính giả Vương Vĩnh Trí, Đinh Lộ, từ Trung Quốc, thính giả Ratan Kumar, từ Ấn Độ; thính giả Tomas Kotaz, từ Ba Lan gửi 6 báo cáo nghe đài. Sau khi đọc thông tin về chuyến thăm của CLB nghe Đài Borneo, Indonesia thính giả Kasem Thangthong cho biết: Tôi đã xem những bức ảnh chụp của các bạn và rất muốn có cơ hội được sang Việt Nam như các thành viên CLB nghe Đài Borneo. Các thính giả cũng qua trang web tiếp tục gửi bình luận, ý kiến về các bài viết trong các chuyên mục như Văn hóa, Đời sống xã hội, Chuyện của làng, Quốc gia khởi nghiệp…
Thính giả Heng Vuthy, Campuchia muốn tìm hiểu về cột mốc ngã ba biên giới 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia (Ngã ba Đông Dương).
Ngã ba Đông Dương nằm ở khu vực biên giới của tỉnh Kon Tum, tọa lạc tại xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Cột mốc ngã ba Đông Dương được chính quyền tỉnh Kon Tum xây dựng vào năm 2007. Đến năm 2009, cột mốc này được hoàn thiện trên một đỉnh núi có độ cao 1.086m so với mặt nước biển. Cột mốc ngã ba Đông Dương có hình trụ tam giác. Chất liệu để làm nên cột mốc chính là đá hoa cương có độ sáng đẹp và lấp lánh dưới ánh nắng. Xung quanh 3 mặt tam giác chính là quốc huy của 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Cột mốc có một vị trí đặc biệt, nơi mà “một tiếng gà gáy ba nước cùng nghe”. Vì vậy, sau khi được hoàn thành, cột mốc ngã ba Đông Dương trở thành một địa điểm check-in thú vị của cộng đồng mê du lịch và cả người dân bản địa.
Thính giả Shivendu Paul, ở Westbengal, Ấn Độ, muốn biết thông tin về nơi bảo tồn động vật hoang dã và rừng ở Việt Nam.
Nhiều khu bảo tồn động vật đã được thành lập để chung tay bảo về và duy trì sự đa dạng sinh học của các loài động vật. Đó là, Công viên chăm sóc và bảo tồn động vật bán hoang dã Vinpearl Safari Phú Quốc, nơi ở chung của hàng nghìn cá thể động vật, với rất nhiều loài quý hiếm trên toàn thế giới như hổ Bengal, tê giác trắng, sư tử, hắc tinh tinh, khỉ đầu chó mặt xanh, sếu đầu đỏ và nhiều loài bò sát quý hiếm như rùa sao Ấn Độ. Thứ hai là Trạm bảo tồn động vật hoang dã Dầu Tiếng-tỉnh Bình Dương, nơi tập trung các loài động vật nguy cấp thuộc các nhóm lưỡng cư và bò sát, vượn, thú nhỏ, cu li, khỉ và chà vá, ưu tiên cho các loài động vật hoang dã ở khu vực phía Nam Trung bộ. Thứ ba, Vườn thú King’s Garden Nha Trang, với thế giới chim là điểm đến không thể bỏ qua với gần 30 loài chim thuộc 15 họ nhà lông vũ từ nhiều quốc gia trên thế giới, tạo nên một bức tranh rực rỡ, đa màu sắc. Thứ 4, là Khu bảo tồn động vật bán hoang dã trên sông River Safari Nam Hội An. Tại đây, du khách có thể tìm hiểu và chiêm ngưỡng 50 loài động vật với hơn 500 cá thể đang được bảo tồn và phát triển.
Thính giả Ralf Urbanczyk, ở Eisleben, Đức, hỏi về lịch sử ngành điện ảnh Việt Nam.
Điện ảnh Việt Nam hay phim điện ảnh Việt Nam (tức phim lẻ Việt Nam) là tên gọi ngành công nghiệp sản xuất phim của Việt Nam từ 1923 đến nay. Điện ảnh bắt đầu du nhập vào Việt Nam từ cuối thập niên 1890, nhưng mãi đến năm 1923, mới xuất hiện bộ phim đầu tiên Kim Vân Kiều do người Pháp và người Việt cùng thực hiện. Từ năm 1925, xuất hiện những hãng phim Việt Nam, có những bộ phim Việt Nam hợp tác với nước ngoài. Ngày 15/3/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập “Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam,” chính thức đặt một dấu mốc quan trọng cho nền điện ảnh cách mạng còn non trẻ của nước ta thời bấy giờ. Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, nền điện ảnh nước nhà đã đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực vào công cuộc chấn hưng văn hóa, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thính giả Khăm phăn, Lào, muốn tìm hiểu về cách trồng chè hữu cơ tại Việt Nam.
Chè hữu cơ là loại chè đã được canh tác theo quy trình nông nghiệp hữu cơ. Quy trình này không sử dụng các chất hóa học như phân hóa học, thuốc trừ sâu hay thuốc trừ cỏ. Nông dân sử dụng các chất thải tự nhiên ví dụ như phân ủ để tạo chất màu cho đất và dùng các phương pháp tự nhiên để kiểm soát sâu bệnh và cỏ dại. Người trồng chè hữu cơ không sử dụng bất kỳ một loại phân hóa học hay thuốc trừ sâu nào cả. Thay vào đó họ dựa vào phân ủ và các loại phân hữu cơ khác nhằm tăng độ phì nhiêu cho đất vườn chè. Để kiểm soát sâu bệnh, họ dùng các chất chiết xuất từ cây xanh hoặc dùng tay để bắt sâu hay cắt tỉa những cành có sâu hại ăn. Ngược lại, người trồng chè thông thường sử dụng rất nhiều phân hóa học ví dụ như phân đạm và các loại thuốc kích thích. Nếu nương chè hữu cơ giáp với nương chè trồng thường thì người trồng chè hữu cơ phải tiến hành các biện pháp để ngăn không cho các chất hóa học dính bám vào nương chè của họ. Ngoài ra, nương chè hữu cơ phải trải qua quy trình kiểm định và chứng nhận hữu cơ của một tổ chức cấp giấy chứng nhận độc lập. Chè chỉ được chứng nhận là chè hữu cơ sau khi đã trồng theo quy trình hữu cơ ít nhất là 18 tháng.
Thính giả người Nhật Bản Kadoya Tooru hỏi tình hình xuất khẩu vải Bắc Giang năm nay như thế nào?
Tính đến hết ngày 26/5, tổng sản lượng vải thiều của tỉnh Bắc Giang đã thu hoạch, tiêu thụ được hơn 11.400 tấn. Năm 2024, tỉnh Bắc Giang dự kiến trồng hơn 17 ngàn ha vải thiều phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Thái Lan.