Thông tin về làng nghề truyền thống; nhạc ngũ âm của người Khmer; xuất khẩu cà phê Việt Nam

(VOV5) - Trong những lá thư gửi về các chương trình, thính giả đều bày tỏ sự thú vị và luôn mong muốn được đồng hành với Đài TNVN, với VOV5.

Tuần qua, gửi thư về chương trình, thính giả mong muốn được tìm hiểu  những lĩnh vực đời sống, xã hội của Việt Nam như: việc bảo tồn và phát huy các giá trị làng nghề truyền thống; quỹ đầu tư xanh vì môi trường; nhạc ngũ âm của người Khmer và sản phẩm cà phê Việt Nam.

Nghe âm thanh tại đây:
 

Chào quý vị, chào các bạn,

Trong những lá thư gửi về các chương trình, thính giả đều bày tỏ sự thú vị và luôn mong muốn được đồng hành với Đài TNVN, với VOV5.

Thính giả M Saleem Akhtar Chadhar, ở Pakistan, gửi thư với nội dung:“VOV cung cấp những thông tin giá trị về Việt Nam và đó là sự phong phú về văn hóa cũng như về triển vọng toàn cầu của Việt Nam. Thính giả Ngô Lỗi Khoa ở Mậu Danh, Quảng Đông, Trung Quốc, viết: “Chương trình của các bạn không chỉ làm phong phú thêm tâm hồn tôi, còn cho tôi cảm nhận được sự ấm áp và sức mạnh của sóng phát thanh. Một lần nữa xin cảm ơn vì tất cả những gì các bạn đã làm cho thính giả, và rất mong các bạn tiếp tục mang đến cho chúng tôi những chương trình phát thanh hay hơn nữa!”

Trên trang web, các thính giả tiếp tục có những bình luận sau khi theo dõi các tin, bài và ảnh. Thính giả Phạm Minh Anh ca ngợi những việc làm của Vinapunu, ở Cộng hòa Liên bang Đức với các hoạt động cứu trợ thiên tai. Thúy Nga, Phạm Kỳ Thanh chúc mừng nhạc sĩ Đặng Ngọc Long ra album kỷ niệm 50 năm sự nghiệp âm nhạc. Lê Thị Bích Hiền, Lan Anh, Lê Ngọc Hùng thú vị với các bài viết về văn hóa truyền thống của người Việt. Lê Hồng Thăm mong muốn hỗ trợ công dân Việt Nam từ Campuchia về nước.

Quý thính giả thân mến, thính giả Phạm Hồng Kiệt gửi thư muốn được biết thông tin, chính phủ và các địa phương đã có những hành động gì nhằm bảo vệ, phát triển các làng nghề truyền thống?

Hơn 1.200 làng nghề truyền thống ở Việt Nam góp phần giải quyết vấn đề việc làm cho một số lượng lớn lao động. Các làng nghề ở Việt Nam hiện nay đang thu hút khoảng 11 triệu lao động thường xuyên và không thường xuyên. Nhờ đó, khắc phục được tình trạng thất nghiệp tạm thời của người dân trong thời gian nông nhàn như nghề đan lát, nghề bó chổi, dệt chiếu…Chính phủ đã có những giải pháp để bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống một cách bền vững. Đó là xây dựng quy hoạch tổng thể cho các làng nghề truyền thống trong phạm vi cả nước; Xây dựng vùng nguyên liệu ổn định cho các làng nghề truyền thống; Tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm của làng nghề truyền thống; Xây dựng nguồn nhân lực cho các làng nghề truyền thống; Phát triển làng nghề truyền thống gắn với việc bảo vệ môi trường sinh thái; Phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch; Có chính sách hỗ trợ về vốn, mặt bằng và thông tin để làng nghề tiếp tục phát triển

Thính giả Chan Nari, ở tỉnh Keb, Campuchia, muốn tìm hiểu về kỷ lục trình diễn nhạc ngũ âm của người Khmer ở Sóc Trăng?

Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã công bố quyết định xác lập kỷ lục trình diễn nhạc ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng có quy mô lớn nhất Việt Nam, quy tụ 20 dàn ngũ âm với khoảng 200 diễn viên, nhạc công tham gia trình diễn. Đại diện Tổ chức kỷ lục Việt Nam cho rằng, nhạc Ngũ âm là loại hình âm nhạc cổ truyền mang tính phổ biến và lâu đời của nguời Khmer Nam Bộ; trải qua quá trình hình thành tồn tại và phát triển, loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian này đã lưu giữ và thấm đẫm trong đó nhiều giá trị và ý nghĩa to lớn và hết sức đặc biệt. Việc xác lập kỷ lục sẽ góp phần tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các di sản văn hóa của địa phương đến gần hơn đến du khách trong và ngoài nước.

Nhiều thính giả muốn tìm hiểu thông tin, hiện nay doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư ra bao nhiêu thị trường nước ngoài?

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, Việt Nam đã có hơn 1700 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 22 tỷ USD. Doanh nghiệp đầu tư rộng khắp các lĩnh vực ở khu vực đông nam á, Mỹ và Châu âu. Riêng năm nay, có 27 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam; trong đó, Hà Lan là nước dẫn đầu với gần 55 triệu USD, chiếm hơn 28% tổng vốn đầu tư. Lào nhận khoản đầu tư hơn 43 triệu USD, chiếm 22,9%. Các quốc gia nhận vốn đầu tư tiếp theo lần lượt là: Hoa Kỳ, Campuchia, Vương quốc Anh,  Indonesia…

Thính giả Matsumoto Takuya, người Nhật Bản, bày tỏ muốn được nghe giới thiệu nhiều hơn về các loại café của Việt Nam. Thính giả hỏi hiện café Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường những nước nào?

Những loại cà phê của Việt Nam là Robusta, Arabica, Liberica, Moka và Culi. Nửa năm nay, Việt Nam xuất khẩu cà phê đến hơn 80 quốc gia, thu về 3,1 tỉ USD. Trong đó có 10 thị trường đạt kim ngạch trên 100 triệu USD. Vượt lên thị trường Itaalia, Đức.

Thính giả Pháp Paul Jamet muốn tìm hiểu về việc ứng dụng  trí tuệ nhân tạo AI trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam.

Tại Việt Nam, ứng dụng AI vào nông nghiệp vẫn còn khá mới mẻ nhưng đang thu hút được sự quan tâm của Chính phủ cũng như của các doanh nghiệp sản xuất vì những ưu thế mà nó mang lại so với nông nghiệp truyền thống. Thực tế hiện nay, đã có một số ứng dụng của AI được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam. Đó là ứng dụng AI trong dự báo thời tiết và mô hình hóa tài nguyên nước. Trong đó, để dự báo thời tiết, các mô hình máy học có thể sử dụng dữ liệu lịch sử để đưa ra dự đoán về thời tiết trong tương lai. Đối với mô hình hóa tài nguyên nước, AI cũng được sử dụng để phân tích dữ liệu về nhu cầu sử dụng nước và khả năng cung cấp nước trong một khu vực. Thứ hai, đó là AI theo dõi sức khỏe cây trồng và phát hiện bệnh tật. AI đang được sử dụng để giám sát sức khỏe cây trồng và phát hiện bệnh tật một cách nhanh chóng và chính xác hơn. Thứ ba, ứng dụng robot tự động hóa trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Thứ nữa, AI giúp tăng cường quản lý đàn gia súc và giảm thiểu tác động đến môi trường. Đặc biệt, đó là tiếp tục đưa các công nghệ AI ngày càng gần hơn với nông dân thông qua các buổi giới thiệu, tập huấn để người nông dân thấy được những lợi ích, công dụng mà AI mang lại trong tăng năng suất cho cây trồng, vật nuôi, giảm thiểu sức lao động cho con người,…

Từ tỉnh Hyogo, Nhật Bản, thính giả Yagura Tetsuya hỏi: Ở Việt Nam có quỹ xanh hành động vì môi trường, như ở Nhật Bản không?

Quỹ Vì Tương lai xanh thành lập vào ngày 7/7/2023 với sứ mệnh góp phần vào mục tiêu không phát thải vào năm 2050 của Chính phủ; thúc đẩy những hành trình xanh trong cuộc sống hàng ngày, nâng cao nhận thức của cộng đồng; thúc giục từng cá nhân hành động ngay từ hôm nay vì ngày mai xanh cho các thế hệ tương lai. Để hiện thực hóa sứ mệnh trên, Quỹ Vì Tương lai xanh sẽ triển khai 10 chương trình hành động trọng điểm trên phạm vi toàn quốc, đi sâu vào 10 lĩnh vực thiết yếu của đời sống, bao gồm: Di chuyển xanh, Năng lượng xanh, Văn phòng xanh, Tiêu dùng xanh, Môi trường xanh, Vườn đô thị xanh, Du lịch xanh, Giáo dục xanh, Y tế xanh và Thể thao xanh.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác