Tình cảm của thính giả với miền Trung, một số điểm du lịch ở Việt Nam

(VOV5) - Tuần qua, trong thư gửi về chương trình, thính giả tiếp tục chia sẻ những thiệt hại mà đồng bào miền Trung gánh chịu; thính giả cũng quan tâm một số điểm tham quan ở Việt Nam.

Tuần qua, trong thư gửi về chương trình, thính giả tiếp tục chia sẻ những thiệt hại mà đồng bào miền Trung gánh chịu; thính giả cũng quan tâm một số điểm tham quan ở Việt Nam.

Nghe âm thanh tại đây:

 
Chào quý vị, chào các bạn

Thính giả người Ấn Độ Shivendu Paul chia sẻ: “Tôi cầu nguyện cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lũ ở miền Trung Việt Nam nhanh chóng bình phục. Xin cảm ơn chương trình Từ thiện của cán bộ nhân viên VOV vì mục tiêu này”. Thính giả cũng muốn nhận được chứng nhận nghe đài và quà tặng của VOV5. Trên trang web vov5 tuần qua, kịp thời cập nhật tin, bài và ảnh  của CTV và các phóng viên thường trú về các hoạt động của người Việt tại Bỉ, Nga, Hàn Quốc hướng về miền Trung, cũng như là các chuyến bay tiếp tục đưa công dân Việt Nam từ các quốc gia về nước.

Thưa quý thính giả, tuần này, xin giới thiệu tới quý thính giả những bài thi có phần trả lời tốt nhất cho câu hỏi số 3 của cuộc thi “Bạn biết gì về Việt Nam” năm 2020, về chủ đề sự tham gia của Việt Nam trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ).

Dù cách trình bày và diễn giải có khác nhau, song nhiều bài thi đã cung cấp được những thông tin cơ bản về sự tham gia của Việt Nam trong hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, đó là: Việt Nam bắt đầu tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tháng 5/2014, với việc thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam và cử hai sĩ quan đi Nam Sudan làm nhiệm vụ Gìn giữ hòa bình (sĩ quan liên lạc) tại Phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ. Tháng 4/2015, Việt Nam cử 3 sĩ quan đi làm nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình LHQ ở Cộng hòa Trung Phi. Ngày 5/1/2018, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam chính thức ra mắt. Đến nay, Việt Nam đã triển khai hàng trăm lượt quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, trong đó có 2 Bệnh viện dã chiến cấp 2 tại Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ ở Nam Sudan. Sự tham gia và hiệu quả đóng góp của Việt Nam trong hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. LHQ đã chọn Việt Nam là một trong những trung tâm đào tạo lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế….

Đặc biệt, nhiều thính giả còn nêu dẫn và nhấn mạnh đến những đóng góp của Việt Nam đối với sứ mệnh gìn giữ hòa bình thế giới và khu vực như những đóng góp quan trọng trong tháng giữ chúc Chủ tịch Hội đồng bảo an LHQ (tháng 1/2020), trong vai trò Chủ tịch năm ASEAN 2020, thông qua những sáng kiến và nỗ lực hành động vì hòa bình thế giới tại các diễn đàn đa phương quốc tế….      

Ban Tổ chức biểu dương và ghi nhận các thính giả có câu trả lời hay, độc đáo cho câu hỏi số 3, và hơn hết là thể hiện sự quan tâm, dành tình cảm đặc biệt với Việt Nam, như thính giả Johnny Antonio Ramírez López (Quốc tịch Peru, chương trình tiếng Tây Ban Nha); thính giả Rabi Sankar Bosu (Quốc tịch Ấn Độ, chương trình tiếng Anh); thính giả Ashik Eqbal Tokon (Quốc tịch Bangladesh, chương trình tiếng Anh); thính giả Tiết Phi (Quốc tịch Trung Quốc, chương trình tiếng Trung Quốc); thính giả Sergey Afanasyev (Quốc tịch Ucraine, chương trình tiếng Nga); thính giả Rudi Hartono (Quốc tịch Indonesia, chương trình tiếng Indonesia)…

Quý thính giả thân mến, trong thư gửi về VOV5, thính giả Nhật Bản Imai Yasushi muốn tìm hiểu thông tin về các làng nghề truyền thống của người dân vùng biển Việt Nam.

Hiện nay, ở nước ta có còn nhiều làng nghề ven biển như: ở Nghệ An có nhiều làng nghề đóng tàu thuyền, mộc dân dụng, mỹ nghệ… Ngoài ra, còn một số nghề truyền thống khác như dịch vụ đan vá lưới ở hầu hết các xã có nghề đánh bắt trên biển…  Ở Phú Yên, làng muối Tuyết Diêm có 3 làng nghề sản xuất muối có truyền thống hơn 300 năm đó là Trung Trinh, Lệ Uyên, Tuyết Diêm (huyện Sông Cầu). Làng nghề được xem là "thủ đô" thúng chai chính là ở huyện Tuy An - Phú Yên. Các làng nghề sản xuất thúng chai huyện tập trung chủ yếu ở vài tỉnh Nam Trung Bộ và chưa bao giờ dừng sản xuất. Gần đây mọi người phấn khởi khi thúng chai bất ngờ chu du xuất ngoại từ Á sang Âu. Thúng chai của Phú Yên có điểm đặc biệt là chỉ sử dụng nguyên liệu của địa phương.

Về yêu cầu của một số thính giả muốn được nghe giới thiệu về "ốc đảo sinh thái" Cồn Chim tại Quy Nhơn, chương trình xin cung cấp một số thông tin về địa danh này như sau:

Nằm cách TP Quy Nhơn khoảng 15 km, Cồn Chim ở xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước (Bình Định) trông như cánh quạt khổng lồ giữa sông nước mênh mông. Khu sinh thái này nằm giữa đầm Thị Nại có rừng ngập mặn trải rộng hàng trăm ha, trở thành nơi trú ngụ lý tưởng của muôn loài chim. Du khách có thể đi ca nô hoặc ghe máy tham quan khu rừng ngập mặn ở Cồn Chim. Có hai cách đi đến “ốc đảo sinh thái” này. Có thể tới đây bằng đường bộ hoặc đường thủy. Rừng ngập mặn ở Cồn Chim hàng chục năm tuổi gồm đưng, đước, sú vẹt… tạo nên hệ sinh thái đa dạng, môi trường sống trong lành cho tôm, cua, cá không ngừng sinh sôi nảy nở; các loài cò, chim le le, sếu… từ khắp nơi quần tụ về đây sinh sống. Vài năm gần đây, nhiều đoàn du khách về đây du lịch trải nghiệm cùng với các nghề truyền thống, chiêm ngưỡng “thế giới loài chim” giữa không gian thiên nhiên hoang sơ.

Thính giả Srey Touch, ở Phnom Penh, Campuchia muốn chương trình giới thiệu thêm về vẻ đẹp động Vái Giời – Ninh Bình.

Động Vái Giời thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) nằm trên ngọn núi cao trong Khu Du Lịch Sinh Thái Thung Nham. Để leo lên tới động phải qua 439 bậc đá, động rộng khoảng 5000m2 với 3 tầng ẩn chứa nhiều măng nhũ đá mang hình khối tượng trưng cho cõi niết bàn, bồ tát, thiên đình. Động Vái Giời xưa kia là nơi người dân kinh thành Hoa Lư lập đàn tế trời cầu mong mưa thuận gió hòa. Ngày nay, nơi đây được mệnh danh là chốn bồng lai tiên cảnh khi hội tụ đầy đủ 'địa ngục-trần gian-thiên đường' nơi đất Cố Đô. Động Vái Giời là điểm tham quan thu hút du khách.

Thính giả Kim Ley, Campuchia muốn chương trình giới thiệu về các nghệ nhân trẻ yêu thích nghệ thuật ca trù tại Hà Nội.

Chương trình xin giới thiệu một số gương mặt, đó là Đặng Thị Hường (sinh năm 1994) là ca nương trẻ tuổi nhất của Câu lạc bộ ca trù Hà Nội. Bà nội cô là nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc - một trong những đại thụ của ca trù đất Bắc. Hường ngấm ca trù ngay từ nhỏ, khi lên 6 tuổi, Hường đã được bà dậy những câu ca trù đầu tiên. Hường phải lòng loại hình nghệ thuật truyền thống này và gắn bó suốt 20 năm qua. Theo học ca trù từ 8 tuổi, “ca nương nhí” Nguyễn Thị Hà My, sinh năm 2008, thuộc  Câu lạc bộ Ca trù Thượng Mỗ (Đan Phượng) mong ước được theo đuổi hát ca trù lâu dài và trở thành nghệ nhân ưu tú như bà Nguyễn Thị Minh Tam, người đã truyền dạy cho nhiều thế hệ học trò quê em.

Đến đây, thời lượng chuyên mục đã hết, hẹn gặp lại quý thính giả  trong chuyên mục này tuần sau.

Phản hồi

Các tin/bài khác