(VOV5) - Ở xứ sở chuối ngọt xoài thơm Yên Châu - Sơn La, giữa đại ngàn của núi rừng Tây Bắc, có một giống chuối được đồng bào Thái Yên Châu rất ưa chuộng, tiếng Thái Yên Châu gọi là “Cuổi nguôn”. Không chỉ gắn liền với cuộc sống của đồng bào, mà chuối nguôn còn là một món ăn không thể thiếu trong các dịp lễ Tết, ngày quan trọng của người Thái nơi đây.
|
Cây chuối cô đơn trong vườn nhà ông Lừ Văn Bánh |
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Theo những người già ở các bản làng người Thái Yên Châu, loại chuối nguôn đã có mặt ở vùng đất Yên Châu này từ rất lâu rồi. Bà con gọi là chuối cô đơn vì cây chuối này không giống như cây chuối thường, nó được trồng bằng hạt, chỉ mọc một mình, không đẻ cây chuối con. Hoa chuối có mầu xanh cốm, khi quả chín, cây tự héo dần và chết đi. Lúc đó, hạt chuối rụng xuống đất lại tiếp tục nẩy mầm thành cây con mới. Ông Lừ Văn Bánh, người Thái ở bản Nà Và, xã Viêng Lán, huyện Yên Châu cho biết: "Tiếng Yên Châu gọi là cây nguôn. Xuất xứ từ hồi xưa cây nguôn ở trong rừng. Sau này một số gia đình lấy về trồng ở vườn, ở nương. Và cho đến bây giờ thì nhà nào cũng có trồng cây nguôn để phục vụ cho đời sống, đám cưới, lên nhà mới…Mỗi nhà ít nhất cũng có từ 5-10 cây và nhà nhiều nhất cũng từ 40 -50 cây, còn nhà nào không có thì cũng phải đi tìm mua".
Từ xa xưa, đồng bào các dân tộc Thái ở Yên Châu đã biết vào rừng lấy măng rừng, rau rừng, trong đó có cây chuối nguôn về cải thiện bữa ăn hàng ngày của gia đình. Dần dần nó đã trở thành một món ăn chủ đạo không thể thiếu đối với mọi người nơi đây trong bất kỳ các đám hiếu, hỷ, ngày lễ quan trọng của bản mường. Ông Lừ Văn Bánh cho biết: "Đám cưới, lên nhà mới, đám tang, tất cả món ăn dù là có thịt thà, rau củ quả nói chung là có, nhưng không thể thiếu được canh nguôn. Đến các quán ăn, canh nguôn cũng là món ăn đặc sản nhất, nó như là cái món ăn dân tộc của người Thái Yên Châu, tất cả ai cũng thích ăn canh nguôn".
Vì là món ăn được người Thái yêu thích nên người dân đã vào rừng tìm đào cây chuối con về trồng trong khu ruộng vườn nhà mình, hoặc gieo bằng hạt để lúc nào cũng sẵn có cây chuối dùng cho các bữa tiệc của gia đình. Nhưng để có được canh chuối nguôn ngon, bùi như ý thì đòi hỏi phải biết cách nấu cùng với một số loại nguyên liệu, gia vị phù hợp khác. Sau khi chặt cây chuối mang về, người ta bỏ lớp vỏ chuối già cứng ở bên ngoài lấy phần nõn non của cây chuối. Sau đó mang ra thái lát, không làm chuối vụn. Tiếp đó, bỏ chuối đã thái vào nồi nước xương lợn hoặc trâu, bò ninh sẵn, rồi cho các loại gia vị mắm, muối, mì chính và đặc biệt không thể quên một loại lá chua. Ông Lừ Văn Bánh cho biết thêm: "Nấu canh nguôn, trước hết ta thái vừa phải, không thái nhỏ, mà cũng không thái to. Lúc đám cưới, lên nhà mới, lúc nào mình cũng có thịt trâu, thịt bò, thịt lợn, thì mình nấu với nước thịt trâu, thịt bò thì nó mới ngon. Cách chế biến cây nguôn ngon nhất, thứ nhất canh nguôn phải nấu lâu. Thứ hai nữa gia vị của nó phải cho lá “ xổm pon- tức lá Me chua”, lá “ xổm lồm- tức lá Vón vén”, hay là quả me… Lúc chế biến, mình cũng phải luôn trực tiếp ở nồi canh nguôn và cứ ngoáy cho nó đều. Chúng ta phải nấu bếp củi, mà củi phải khúc to nấu nó dừ, mới ngon".
Không chỉ đồng bào Thái ở các bản làng Yên Châu mới ưa thích món ăn đặc sản Chuối nguôn, mà hầu hết già trẻ, ai đã từng sinh ra, lớn lên ở vùng đất này đều thích món ăn truyền thống này. Trong sự đa dạng phong phú của các món ăn hiện nay, canh chuối nguôn vẫn là một trong những món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ của người Thái. Không những vậy, bát canh chuối nguôn giờ còn có mặt ở không ít nhà hàng ăn uống nhằm giới thiệu tới du khách về hương vị ẩm thực của đồng bào Thái. Bà Lò Thị Môn, người dân ở bản Tủm, xã Chiềng Khoi, huyện Yên Châu cho biết: "Nói về cây nguôn, với người ở Thái Yên Châu, trong các ngày lễ, Tết, ngày vui của gia đình, bản làng nếu không có chuối nguôn thì coi như không thành bữa tiệc. Dù việc hiếu, việc hỷ cũng phải có canh nguôn làm món ăn chủ đạo, ăn rất ngon, người nào cũng thích ăn, không kể người Thái hay người Kinh".
Mỗi khi du khách có dịp đến với mảnh đất Yên Châu, hãy một lần thưởng thức hương vị độc đáo của chuối nguôn Yên Châu với độ bở bùi của chuối, độ thơm ngậy của nước hầm xương quyện với vị thanh chua của lá rừng. Để rồi, mỗi người sẽ nhớ mãi một món ẩm thực gắn liền với đời sống của người dân vùng cao nơi đây.