GS Nobel Vật lý 2016: Việt Nam có hệ thống nghiên cứu đáng tin cậy và có trình độ tốt

(VOV5) - “Nghiên cứu bắt đầu từ những cái tò mò”, mà không đặt nặng là nghiên cứu ứng dụng. 

Năm 2022 được Liên hợp quốc chọn là năm quốc tế Khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững, nhằm nhấn mạnh đến vai trò của khoa học cơ bản là nền tảng của các cuộc cách mạng công nghệ lớn. Nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng năm quốc tế Khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững, GS. Duncan Haldane- Nhà khoa học xuất sắc đạt giải Nobel Vật lý năm 2016 có bài giảng đại chúng tại trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), từ đó truyền cảm hứng cho các nhà khoa học trẻ và sinh viên Việt Nam theo đuổi nghiên cứu khoa học. Nhân dịp này, PV Đài TNVN đã có cuộc phỏng vấn GS. Duncan Haldane về tầm quan trọng của nghiên cứu cơ bản với một nước đang phát triển như Việt Nam.

             Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:       

 PV: Thưa GS, năm 2022 được Liên hợp quốc chọn là năm quốc tế Khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững. Theo GS, cần nhìn nhận vai trò của khoa học cơ bản hiện nay như thế nào và mối liên hệ giữa khoa học cơ bản và sự phát triển bền vững, đặc biệt là với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam?

GS. Duncan Haldane: Để nói về vai trò của khoa học cơ bản thì không phải chỉ ở các nước đang phát triển như Việt Nam mới có vấn đề “đầu tư vào khoa học thì đầu tư vào khoa học cơ bản hay khoa học ứng dụng?”, mà đây là vấn đề chung của tất cả các nước. Tôi có thể lấy một ví dụ trong nông nghiệp công nghệ cao- một lĩnh vực rất gần gũi với Việt Nam, những nghiên cứu ứng dụng trong nông nghiệp công nghệ cao thì rất cần những nghiên cứu như về chuyển đổi gen, hay lựa chọn giống…v.v. thì những nghiên cứu đó lại hoàn toàn là nghiên cứu cơ bản. Vì thế mà những nhà chức trách, những người có trách nhiệm nếu chỉ lựa chọn những đề tài, dự án mang tính định hướng ứng dụng thì sẽ ngăn cản và có thể làm “nghèo” khoa học cơ bản bằng cách ngăn cản những người đam mê tìm kiếm những hiểu biết và những hiểu biết đó rất có thể mang lại nguồn lợi rất lớn sau này, bởi chúng ta biết là những nghiên cứu cơ bản thường kéo dài, không phải là những nghiên cứu ngắn ngày.

GS Nobel Vật lý 2016: Việt Nam có hệ thống nghiên cứu đáng tin cậy và có trình độ tốt - ảnh 1GS Duncan Haldane tại buổi nói chuyện với các sinh viên, nhà nghiên cứu trẻ ở Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) chiều 19/7. Ảnh: Tùng Đinh

Tôi cũng nghĩ rằng nghiên cứu cơ bản hay nghiên cứu ứng dụng thì một trong những điều quan trọng là khi những cơ quan thực hiện việc tư vấn cho Chính phủ hay tư vấn cho các bộ, ngành trong việc lựa chọn “đề tài nào nên đầu tư, đề tài nào chưa nên đầu tư nghiên cứu” thì cơ quan lựa chọn đó phải là những nhà khoa học – những người làm nghiên cứu khoa học, chứ không phải là những người làm hành chính. Tôi cũng nhấn mạnh, quan điểm cho rằng “một nước đang phát triển thì chỉ cần nên tập trung vào nghiên cứu ứng dụng” là quan điểm không đúng.

PV: Với những thông tin mà GS có thì ông đánh giá như thế nào về lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản của Việt Nam? Và theo GS, Việt Nam cần thêm những gì để phát triển hơn nữa lĩnh vực nghiên cứu này?

GS. Duncan Haldane: Tôi phải thú thật là tôi không rõ lắm về tình hình nghiên cứu khoa học và khoa học cơ bản ở Việt Nam. Nhưng thông qua chất lượng sinh viên- những bạn sinh viên Việt Nam mà tôi biết khi sang Mỹ làm nghiên cứu sinh thì tôi có thể nói rằng các bạn có một hệ thống đào tạo đại học và hệ thống nghiên cứu đáng tin cậy và có trình độ tốt thì mới có thể đào tạo ra những con người như vậy. Và tôi cũng nghĩ rằng các bạn có đủ trình độ và điều kiện để phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Tôi cũng nghĩ rằng mọi việc có thể bắt đầu từ một slogan như thế này: “Nghiên cứu bắt đầu từ những cái tò mò”, mà không đặt nặng là nghiên cứu ứng dụng. Thế thì ở Mỹ, chúng tôi có những chương trình quốc gia để hỗ trợ những nghiên cứu cơ bản- những nghiên cứu mà

chỉ thuần túy đáp ứng tính tò mò của các nhà khoa học. Và như tôi đã nói ở trên thì các tổ chức của Chính phủ mà cấp kinh phí sẽ dựa trên các đánh giá của giới khoa học chứ không phải là giới hành chính thuần túy. Điều này rất quan trọng để giúp cho việc lựa chọn và tài trợ cho các nghiên cứu nổi bật nhất. Cũng chia sẻ với các bạn là sau thế chiến lần thứ 2 thì nước Mỹ hiểu rằng có một đội ngũ tinh hoa làm nghiên cứu cơ bản trình độ cao thì rất cần thiết để phát triển công nghệ của đất nước. Tức là có mối quan hệ rất rõ ràng giữa nghiên cứu cơ bản và công nghệ, điều mà nước Mỹ có thể thấy từ Nhật Bản, từ Đức trước thế chiến. Do nhận thức như vậy thì các đơn vị nghiên cứu, các đơn vị tài trợ cho nghiên cứu của Mỹ được tổ chức để làm sao hướng tới mục đích là thúc đẩy nghiên cứu cơ bản và cũng phải mất thời gian để nước Mỹ có được nền khoa học như hôm nay.  

PV: Ở Việt Nam hiện có rất nhiều học sinh đạt được thành tích cao ở các cuộc thi vật lý quốc tế nhưng khi lên đại học thì cũng có bạn không chọn vật lý để tiếp tục theo đuổi. Vậy GS có thể chia sẻ những niềm cảm hứng hay là động lực - thứ mà đã giúp GS theo đuổi lĩnh vực vật lý và ông có lời khuyên gì cho các bạn trẻ Việt Nam?

 GS. Duncan Haldane: Tôi cũng không có niềm cảm hứng cụ thể nào cả, chỉ là đơn giản là tôi nhận thấy mình là một người có tài năng trong việc này (tôi biết là kết quả nghiên cứu của tôi là chính xác) và tôi quyết định sẽ theo đuổi lĩnh vực này. Còn về những người trẻ ở Việt Nam thì tôi thấy rằng những cuộc thi vật lý này là những cơ hội rất tốt để tìm ra những học sinh tài năng và có nền tảng cơ bản cho việc trở thành các nhà nghiên cứu sau này.

Nhưng việc đạt giải tại các cuộc thi vật lý quốc tế và trở thành một nhà nghiên cứu là một con đường rất xa và có rất nhiều yếu tố tác động đến quyết định của người trẻ. Ví dụ, tôi đã từng làm việc với một tiến sỹ người Việt Nam tại Chicago thì được cô ấy chia sẻ rằng hầu hết người trẻ hiện nay không muốn theo đuổi lĩnh vực nghiên cứu vật lý là vì nó không có mức lương hấp dẫn như các ngành kinh tế, công nghệ thông tin.

Vâng, xin trân trọng cảm ơn GS!

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác