(VOV5) - "Những người trẻ nhất định phải trưởng thành bằng đạo đức, phải đặt đạo đức cao hơn quyền lợi cá nhân và sở thích hàng ngày của mình".
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học (GS.TSKH) Vladimir Kolotov, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử các nước Viễn Đông, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh thuộc trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg (Liên bang Nga) là một nhà Việt Nam học có uy tín, một người bạn chân thành, rất yêu quý, gắn bó với Việt Nam và tích cực tham gia các hoạt động hữu nghị với Việt Nam, vì Việt Nam.
GS.TSKH Vladimir Kolotov chia sẻ những nghiên cứu của mình về tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đang diễn ra mạnh mẽ trong cộng đồng người Việt Nam cả ở trong và ngoài nước.
GS.TSKH Vladimir Kolotov
|
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Thưa ông, Viện Hồ Chí Minh thuộc trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg, Liên bang Nga được thành lập đến nay đã 10 năm, cũng là Viện Hồ Chí Minh đầu tiên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Ông có thể cho biết mục đích khi thành lập viện, và tại sao Viện lại lấy tên Chủ tịch Hồ Chí Minh?
GS.TSKH Kolotov: Đây là dự án do hai trường cùng thực hiện. Đó là Đại học Saint Petersburg – một trong những Đại học hàng đầu của nước Nga, đã đào tạo 4 thế hệ các vị nguyên thủ của nước Nga. Đối tác chiến lược của chúng tôi là Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, do Chủ tịch Hồ Chí Minh ra quyết định thành lập vào năm 1949. Chính vì vậy, chúng tôi quyết định đặt tên cho Viện là Viện Hồ Chí Minh, với mục đích chính là nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và về tình hình chính trị, địa chính trị, an ninh của Việt Nam và quan hệ Nga - Việt, tạo điều kiện thuận lợi phát triển quan hệ giữa Nga và Việt Nam về kinh tế và văn hóa...
PV: Là người nghiên cứu về Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông cảm phục và ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở điều gì?
GS.TSKH Kolotov: Tôi rất quý tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi vì khi không có gì trong tay, hoàn toàn không có một nguồn lực nào ngoài ý chí và lòng quyết tâm của mình để giành độc lập dân tộc. Một mình hoạt động cách mạng ở nước ngoài nhưng ông vẫn đưa ra chiến lược và thực hiện được chiến lược này trong vòng mấy chục năm để sau này giải phóng và thống nhất đất nước.
Năm 1923, lần đầu tiên Nguyễn Ái Quốc đến Liên Xô để 7 năm sau thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hong Kong, rồi 15 năm sau đó làm Cách mạng Tháng Tám thành công, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1954, chiến thắng Điện Biên Phủ, giải phóng thủ đô Hà Nội và 21 năm sau giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.
Hồ Chí Minh phải có tầm nhìn và quyết tâm như thế nào để tìm đồng minh, tìm nguồn lực, nguồn năng lực thuyết phục người khác để thực hiện được kế hoạch đó. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, những thế hệ lãnh đạo kế tiếp vẫn tiếp tục sự nghiệp đó để Việt Nam phát triển như bây giờ, tạo được uy tín với thế giới vì đã bảo vệ Tổ quốc đến cùng và đánh lại bất cứ kẻ thù nào. Tầm nhìn chiến lược và quyết tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những điều mà tôi đã nghiên cứu và học tập.
PV: Như ông vừa nói sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, những thế hệ lãnh đạo kế tiếp của Việt Nam vẫn tiếp tục giành được nhiều thắng lợi. Thực tế Việt Nam hiện nay cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn kiên định lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam hành động. Có lẽ ông cũng đã biết đến cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ông đánh giá về cuộc vận động này như thế nào?
GS.TSKH Kolotov: Tôi nghĩ rằng đó là chiến lược hoàn toàn đúng, bởi vì nếu thực hiện chính xác mà không có đạo đức thì không thể nào thắng lợi được. Tư tưởng Hồ Chí Minh đề cao đạo đức và có thể nói trong Chủ nghĩa Mác- Lênin lợi ích chung được đặt cao hơn quyền lợi cá nhân. Tôi nghĩ rằng đây là điểm mạnh của tư tưởng Hồ Chí Minh và những người trẻ nhất định phải trưởng thành bằng đạo đức, phải đặt đạo đức cao hơn quyền lợi cá nhân và sở thích hàng ngày của mình.
Việt Nam phải tiếp tục kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh đồng thời tìm cách phân tích môi trường thế giới xung quanh, giữ lập trường để bảo vệ chủ quyền đất nước. Lịch sử là một trong những điều quan trọng nhất để biết mình là ai, bố mẹ, ông bà là ai, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Theo chiến lược này, các bạn sẽ bảo vệ được Tổ quốc và Việt Nam sẽ phát triển mạnh hơn nữa!
PV: Xin cảm ơn ông.